Hang Đá Bàn và nỗi đau sau 45 năm
Trong dịp kỷ niệm 68 năm Quốc khánh và 43 năm Ngày truyền thống của Sư đoàn, đầu tháng 9-2013, Bộ tư lệnh Sư đoàn 3 Sao Vàng anh hùng đã tổ chức một cuộc hành hương “Về thăm lại chiến trường xưa”. Đây là một cuộc hành hương với quy mô lớn, có sự tham gia của Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, các tướng lĩnh cùng hơn 500 cựu chiến binh Sư đoàn 3 Sao Vàng của 25 tỉnh, thành phố từ Lạng Sơn đến TP Hồ Chí Minh. Đoàn đã hội tụ về tỉnh Bình Định, nơi Sư đoàn sinh ra và trưởng thành, chiến đấu liên tục suốt 10 năm (từ ngày 2-9-1965 đến 2-9-1975). Sau khi thăm nhiều địa danh lịch sử, đoàn đã về viếng đài tưởng niệm Đá Bàn, xã An Mỹ, huyện Phù Mỹ, nơi diễn ra trận đánh không cân sức giữa ta và Mỹ ngày 31-3-1968.
Bia tưởng niệm hơn 100 cán bộ, chiến sĩ hy sinh ở Đá Bàn, xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ- Bình Định ngày 31-3-1968. |
Ông Lê Minh, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 là nhân chứng trong thời điểm diễn ra trận chiến. Khi ấy, đơn vị ông đóng quân ở dãy núi đối diện với dãy núi Đá Bàn. Ông Lê Minh nay tuổi đã bát tuần, là một thương binh nhưng đầu óc ông còn rất minh mẫn, ông kể cho tôi nghe trong niềm xúc động:
– Chiều ngày 31-3-1968, khoảng 14 giờ tôi thấy có hai chiếc trực thăng quần lượn trên dãy núi Đá Bàn khoảng một giờ đồng hồ, sau đó pháo của địch ở Đèo Nhông, ở ngoài biển bắn cấp tập suốt 4 giờ đồng hồ. Tiếp theo chúng cho những tốp máy bay phản lực thay nhau ném bom dãy núi Đá Bàn. Chỉ trong vòng một buổi chiều oanh tạc của địch, dãy núi đã biến thành một dãy núi chết, cây cối tàn lụi, đất đá lộn nhào, đỏ như một dãy núi lửa. Ngày hôm sau chúng đưa một tiểu đoàn hỗn hợp cả lính Mỹ và lính ngụy, có xe tăng hộ tống, hùng dũng tiến lên hòng nuốt chửng cứ điểm Đá Bàn trong chớp nhoáng. Không ngờ chúng vấp phải sự chống trả quyết liệt của hơn một trăm bộ đội chủ lực và dân quân xã Mỹ An cố thủ trong hang. Sở dĩ địch tiến công dữ dội với một lực lượng hùng hậu vào khu vực này, theo tôi nguyên nhân là có sự chỉ điểm của dân vệ địa phương và địch phán đoán trong hang Đá Bàn có đông quân đang tập kết.
Dãy núi Đá Bàn có cả một hệ thống hang rộng lớn, có nhiều ngách nằm sâu trong núi đá, có sức chứa cả trung đoàn bộ binh.
Quân địch ở ngoài bắn vào, trong hang quân ta bắn ra. Từ dãy núi đối diện bí mật quan sát thấy hang Đá Bàn giống như miệng một con rồng khổng lồ phun lửa đỏ và phát ra những tiếng nổ nhói óc. Có sự yểm trợ hỏa lực của Tiểu đoàn 3 ở dãy núi đối diện, hơn 100 chiến sĩ ta trong hang Đá Bàn đã anh dũng chiến đấu, quyết tử bám trụ, đã đẩy lùi hàng trăm đợt tiến quân của địch ròng rã suốt hơn 10 ngày liền.
Theo cựu chiến binh Sư đoàn 3 Trần Văn Hân, ngày đó ông là Đội phó Đội phẫu thuật của Bệnh xá Trung đoàn 2. Lúc diễn ra cuộc chiến, đơn vị ông đóng quân trong một khu rừng cách hồ Đá Bàn chừng hơn 100m, ông Hân kể: “Địch nhiều lần đưa quân lên dùng đủ loại hỏa lực nhưng không chiến thắng được quân ta. Lựu đạn và súng AK, B40… của quân ta vẫn bắn ra giòn giã. Địch buộc phải rút lui và đưa hàng chục chiếc xe tăng chở vòi rồng lên, phun chất độc hóa học vào hang. Từ xa quan sát thấy chất độc của chúng phun trắng xóa như tuyết, phủ kín dãy núi Đá Bàn. Chất độc hóa học đã làm cho chiến sĩ ta bị ngạt thở và hy sinh. Ông Lê Minh kể tiếp: “Ba tháng sau cuộc chiến ở hang Đá Bàn, tôi trở lại, vào trong hang thấy đồng đội của mình nằm ôm nhau chết, quần áo do chất độc hóa học làm mục nát, bốc mùi nồng nặc. Chất độc hóa học đã ăn mòn những phần gỗ của những khẩu AK, B40 chỉ còn trơ phần sắt đã hoen gỉ. Nhìn cảnh tượng anh em đồng đội hy sinh bởi chất độc hóa học, chúng tôi xót thương vô hạn, cổ nghẹn ngào không khóc ra thành tiếng. Vì bên ngoài kẻ thù vẫn đang rình rập nên không thể an táng đồng đội được. Với cương vị là Chính trị viên tiểu đoàn, tôi đã tổ chức tiểu đoàn bí mật làm lễ truy điệu các chiến sĩ đã hy sinh. Tiêu diệt được đối phương ở hang Đá Bàn, Mỹ-ngụy cho đây là một chiến công lớn, chúng dùng sơn vàng vẽ lên những tảng đá to trước cửa hang hàng chữ “Chiến tích iêng hùng của Quân lực V.N. Cộng hòa”.
Bà Lê Thị Minh, một người dân ở xã Mỹ An, nhà ở gần hồ Đá Bàn kể:
– Sau ngày giải phóng huyện Phù Mỹ, vào giữa mùa mưa năm 1979, trong một trận mưa lũ lớn, nước ở trong hang Đá Bàn chảy ra, lùa theo rất nhiều xương cốt trắng toát trên đồng ruộng quanh khu vực hồ Đá Bàn. Bà con trong xóm làng đã bảo nhau đi lượm từng mẩu xương, mang về an táng chu đáo ngay dưới chân núi Đá Bàn. Sau đó huyện và tỉnh đã về xây bia tưởng niệm nơi cửa hang.
Điều đau xót cho Sư đoàn 3 Sao Vàng và chính quyền địa phương là không biết được tên tuổi, quê quán của hơn 100 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong hang Đá Bàn. Nguyên nhân của vấn đề này được Đại tá Nguyễn Văn Tạo, nguyên Chính ủy Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 Sao Vàng lý giải:
– Giữa tháng 3-1968, Quân khu 5 điều về tăng cường cho Sư đoàn 3 hơn 100 tân binh từ miền Bắc vào, có trang bị vũ khí đầy đủ, cán bộ quân lực của Sư đoàn ra Khu nhận anh em về, tập kết ở hang Đá Bàn nghỉ ngơi cho lại sức, sau đó mới phân bổ về tăng cường cho các đơn vị. Không may bị địch phát hiện, đưa quân lên đánh úp bất ngờ, do không cân sức, lại ở thế bị động, quân ta bị tổn thất nặng nề. Mọi thứ giấy tờ, danh sách tên tuổi của hơn 100 chiến sĩ đã không còn. Vì vậy, Ban chính sách của Sư đoàn và địa phương không có cơ sở để báo tử và lập bia mộ. Như vậy hơn 100 chiến sĩ hy sinh trong hang Đá Bàn thuộc xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định ngày 31-3-1968 là những liệt sĩ chưa biết tên.
Trong buổi chiều 2-9-2013, hơn 100 cán bộ, chiến sĩ và cựu chiến binh Sư đoàn 3 Sao Vàng và đông đảo cán bộ, nhân dân huyện Phù Mỹ về dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ các chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong căn cứ hồ Đá Bàn. Đứng trước đài tưởng niệm trong không khí trang nghiêm, ai cũng khóc, nước mắt thấm loang lổ trên sân tượng đài.
Nguồn : qdnd.vn