38 năm đau đáu, khắc khoải đợi chờ, bao lần tỉnh giấc lúc nửa đêm, mẹ Lê Thị Thanh thầm gọi: “Thắng ơi, sao mãi không về với mẹ” và nước mắt cứ lăn trên gò má nhăn nheo, thấm ướt gối… Hôm nay mẹ lại khóc, nhưng đó là những giọt nước mắt thanh thản, ấm áp…
Ba lần “đòi” đi bộ đội
![]() |
Liệt sĩ Nguyễn Đăng Thắng. |
Nhiều ngày qua, căn nhà nhỏ ở số 43, phố Hàng Quạt, phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) vẫn đông người ra vào. Mọi người đến mừng cho gia đình mẹ Lê Thị Thanh (82 tuổi) suốt 38 năm mong ngóng, tìm kiếm tin tức, nay đã tìm được hài cốt con trai là liệt sĩ Nguyễn Đăng Thắng. Ngồi quây quần bên con cháu, bà con lối phố, đôi mắt mẹ Thanh vẫn nhòe lệ. Đưa vạt áo lên chấm những giọt nước mắt, mẹ nghẹn ngào kể:
– Ba lần Thắng làm đơn tình nguyện nhập ngũ, là ba lần mẹ lên gặp các anh ở Ban CHQS phường Hàng Gai xin rút lại đơn. Các anh trên phường rất hiểu và thông cảm với hoàn cảnh gia đình, lại còn xuống tận nhà động viên: “Bố mất sớm vì trọng bệnh, anh trai đầu đang trong chiến trường miền Nam, chỉ còn em là lao động chính giúp mẹ chăm sóc 4 em còn nhỏ, Thắng ở nhà giúp mẹ một thời gian nữa rồi lên đường nhập ngũ cũng chưa muộn…”.
Mọi lời khuyên đều không thay đổi được ý chí và quyết tâm của anh. Tháng 2-1972, Nguyễn Đăng Thắng (vừa tròn 17 tuổi) cùng bao thanh niên Thủ đô mang theo bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ lên đường chiến đấu. Sau thời gian huấn luyện, anh được biên chế vào Đại đội 2, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 101, hành quân vào Tây Nam Bộ làm nhiệm vụ chiến đấu trên chiến trường Kiên Giang. Mỗi lần nhắc đến anh, mẹ lại nhớ lời anh dặn trước khi lên đường: “Mẹ ở nhà giữ gìn sức khỏe, chăm sóc các em. Khi đất nước bình yên con sẽ trở về giúp mẹ”.
Và rồi cứ thế anh đi, suốt 35 năm không một tin tức…Về với mẹ chỉ là giấy báo tử với dòng chữ ngắn gọn, đau xé lòng: “Đồng chí Nguyễn Đăng Thắng, sinh năm 1955; hy sinh ngày 6-4-1975…”.
Cho đến ngày 27-7-2010, bên nén hương thơm thắp trên bàn thờ anh Thắng, trước sự chứng kiến của đồng đội, ông Lê Hồng Sơn (liên lạc viên Đại đội 2) xúc động kể lại giây phút cuối cùng của anh cho mẹ nghe. Trong Chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, tiểu đoàn của anh Thắng nằm trong đội hình Trung đoàn 101 xuất phát từ rừng tràm Bảy Núi, đánh chiếm giải phóng Hòn Đất. Cuối tháng 3-1975, Tiểu đoàn 5 nhận lệnh chốt chặn tại thị trấn Tri Tôn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang. Ta và địch trong thế giằng co, địch muốn tái chiếm, ta quyết giữ. Ngày 6-4-1975, Đại đội 2 của anh Thắng trực tiếp tham gia đánh trả những đợt tấn công dồn dập của một đại đội cảnh sát dã chiến tăng cường có sự yểm trợ của xe tăng và máy bay. Địch quyết giành lấy khu vực ngã ba Hòn của thị trấn Tri Tôn. Do lực lượng không cân sức, ta bị thương vong khá nhiều, Trung đội trưởng Nguyễn Văn Hạnh (quê Thanh Hóa) ra lệnh rút lui để bảo toàn lực lượng. Trong trận đánh đó, Nguyễn Đăng Thắng và một số chiến sĩ của ta bị thương và hy sinh. Người dân ở đây cho biết, mộ ba chiến sĩ quân giải phóng hy sinh trong trận đó được chôn cất gần mép biển, phía sau Bệnh viện quân dân y Rạch Giá.
Hành trình về với mẹ
Bao năm qua, lời hứa của anh Thắng với mẹ trước lúc lên đường mẹ vẫn nhớ… Mẹ vẫn mơ một ngày anh trở về bên mẹ với nụ cười như ngày nào. Thời gian cứ trôi, 5 năm, 10 năm… các em của anh lớn dần, trưởng thành, có gia đình đầm ấm; mẹ có con dâu, con rể, cháu nội, cháu ngoại, và mẹ lại càng mong mỏi đi tìm mộ phần của anh. Nhưng mọi tin tức về nơi anh chiến đấu và hy sinh, phần vì quá xa xôi, lại không có chút thông tin nào về nơi chôn cất, nên ý định đó cứ đau đáu trong tim người mẹ liệt sĩ. Đến năm 2010, qua kết nối thông tin, những đồng đội của liệt sĩ Thắng, như anh Nguyễn Tiến Hùng, anh Hòa (ở Hà Nội); anh Lê Hồng Sơn (ở Đà Nẵng) tìm gặp được gia đình và kể lại cho mẹ những giây phút cuối cùng của liệt sĩ Thắng. Tâm nguyện của mẹ Thanh tìm kiếm, đưa hài cốt anh Thắng về quê càng trở nên mãnh liệt hơn bao giờ hết.
![]() |
Đồng đội của liệt sĩ Nguyễn Đăng Thắng trong ngày đón anh về quê hương. |
Từ một số thông tin, manh mối, ngày 1-8-2011, gia đình thống nhất để anh Nguyễn Đăng Hải vào Kiên Giang tìm kiếm. Anh Hải đã tới khắp các nghĩa trang của tỉnh Kiên Giang, hỏi thăm từng quản trang về những ngôi mộ vô danh. Rồi cứ thế thu hẹp địa bàn tìm kiếm tại các nghĩa trang của huyện Hòn Đất… Lần thứ ba, khi anh và chị dâu (vợ anh Lợi, em trai giáp anh Thắng) đứng trước 3 nấm mộ chưa xác định được danh tính tại một góc khuất của khuôn viên Nghĩa trang Hòn Đất, dường như có một sợi dây linh cảm làm cả hai không thể bước đi được nữa.
Nhờ sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng, thêm 70 ngày dài chờ đợi kết quả giám định ADN… Ngày 24-7-2013, khi Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam thông báo đã nhận được kết quả giám định của liệt sĩ Nguyễn Đăng Thắng, mẹ Thanh khóc nghẹn ngào: “Thắng ơi, mẹ đã tìm thấy con thật rồi!.
Lời nguyện cầu của mẹ suốt 38 năm, nay đã thành hiện thực. Hài cốt con trai mẹ, liệt sĩ Nguyễn Đăng Thắng được người thân và đồng đội vượt hơn 2000km đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Nhổn vào đầu tháng 8-2013. Anh Thắng sẽ mãi yên nghỉ bên cạnh đồng đội trên chính quê hương mình. Những ngày đó, nước mắt mẹ vẫn trào ra, nhưng là những giọt nước mắt thanh thản, ấm áp…
Nguồn : qdnd.vn