Ngày 27-7-2013, Đảng ủy, UBND xã Kim Bình, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam đã tổ chức đón nhân danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho Liệt sĩ Nghiêm Xuân Danh, chiến sĩ trắc thủ TZK, Tiểu đoàn 77, Trung đoàn 257, Sư đoàn 361. Câu chuyện về những hành động dũng cảm, mưu trí thời trai trẻ của Anh hùng, liệt sĩ Nghiêm Xuân Danh làm cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cảm động…
Chàng trai hiếu thảo nơi làng quê
Tại buổi lễ, ông Nghiêm Thành Công, anh trai liệt sĩ Nghiêm Xuân Danh đã nghẹn ngào kể lại những kỷ niệm rất đặc biệt về người em của mình: “Năm 1970, khi đó em trai tôi đang là sinh viên năm thứ 2 khoa Lịch sử, trường Đại học Sư phạm Hà Nội thì gác bút nghiên tình nguyện cùng hàng trăm sinh viên khác lên đường ra trận. Trước khi đi, Danh bảo với tôi: “Anh ơi, chiến tranh sẽ ác liệt lắm đấy, nhưng khi Tổ quốc cần, ta phải biết hy sinh. Em nguyện sẽ luôn xứng đáng với niềm mong mỏi với quê hương và gia đình””.
Cũng theo ông Công, Nghiêm Xuân Danh là một người con ngoan, hiếu thảo. Anh hiền lành, tự giác, cần cù, chịu khó, học rất giỏi và còn có thể làm văn, làm thơ, hát hay, đàn giỏi.
Vào chiến trường, dưới mưa bom bão đạn nhưng hàng tuần, Danh vẫn tranh thủ viết thư hỏi thăm, động viên bố mẹ và căn dặn các em chịu khó học tập, ngoan ngoãn. Có lần Danh viết một bài thơ gửi cho các em của mình: “Anh tạm xa đất Bắc thân yêu/ Nhận tin anh chớ buồn nhiều em nhé/ Tuổi hai mươi đời còn non trẻ/ Anh vào trận lần này sức khỏe đang lên/ Lòng rộn vui khi vững gan bền/ Như cậu học trò thuộc bài lên bảng”…
Ở tuổi mười chín đôi mươi, Nghiêm Xuân Danh trở thành tấm gương sáng cho 5 người em của mình và các thanh niên ở thôn Lương Đống, xã Kim Bình học tập. Bà con trong vùng cũng vô cùng thán phục đức độ, sự thông minh, chịu thương, chịu khó của cậu bé Danh.
Người chiến sĩ quả cảm
Vào quân ngũ được mấy tháng, chiến sĩ Nghiêm Xuân Danh được chỉ huy tin tưởng, nên từ trắc thủ kíp 3, anh được chuyển lên kíp 1 và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong chiến dịch 12 ngày đêm, tháng Chạp năm 1972, Nghiêm Xuân Danh là chiến sĩ trắc thủ TZK. Anh xung phong nhận nhiệm vụ nguy hiểm nhất, trực ngồi trên đỉnh xe thu phát để trực tiếp phát hiện máy bay địch. Đại tá Đinh Thế Văn, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77, Trung đoàn 257 cho biết, phải thật gan dạ, dũng cảm mới dám ngồi trên chòi cao quan sát máy bay địch quần lượn. Ngồi ở đó là phải trực tiếp đối mặt với mọi loại máy bay, vũ khí không đối đất mà địch bắn vào. Nghiêm Xuân Danh lúc đó đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, kịp thời phát hiện mục tiêu chính xác về kiểu loại, số lượng và tên lửa của địch từ xa, giúp người chỉ huy và kíp chiến đấu đánh bằng phương pháp hiệu quả nhất, tiêu diệt được nhiều máy bay Mỹ.
Đêm ngày 20, rạng sáng ngày 21-12-1972, Tiểu đoàn 77, Trung đoàn 257 chiến đấu mưu trí, lập công xuất sắc, bắn rơi tại chỗ hai máy bay B52 của Mỹ. Thắng lợi trên có đóng góp to lớn của Hạ sĩ Nghiêm Xuân Danh. Thiệt hại nhiều, địch thay đổi cách đánh phá bằng cách dùng máy bay chiến thuật tập trung đánh các trận địa tên lửa. 9 giờ sáng ngày 21-12-1972, bầu trời rung chuyển bởi tiếng gầm rú của các tốp máy bay địch. Nghiêm Xuân Danh dùng kính ngắm quang học TKZ, ngồi trên chòi cao phát hiện 4 máy bay F4 và thông báo liên tục từ cự ly 45km, mục tiêu bay vào theo hướng Đông Bắc. Đến cự ly 30km, chiến sĩ Nghiêm Xuân Danh hô to: “Mục tiêu bay thẳng vào đánh trận địa”. Không rời mắt khỏi ống kính, quyết tâm bám sát, anh dõi theo từng hành động trên không của lũ cướp trời, thông báo mục tiêu cho kíp chiến đấu. 4 chiếc F4 lao thẳng vào trận địa, thả 4 quả quả bom bi mẹ trùm lên toàn bộ khu vực đơn vị đóng quân. Khí tài bị hỏng. Trắc thủ Nghiêm Xuân Danh bị bom bi xuyên qua mũ sắt và đã anh dũng hy sinh.
Chiếc kính ngắm TKZ đã cùng Nghiêm Xuân Danh làm nên những chiến công năm xưa hiện đang được lưu giữ trong Nhà truyền thống Sư đoàn 361; là hiện vật thể hiện ý chí chiến đấu kiên cường, dũng cảm của người anh hùng tuổi 20.
Nguồn : qdnd.vn