Day dứt ký ức hang núi Canh
Cứ đến ngày mồng 1 âm lịch hằng tháng, người ta lại thấy một cụ già lặng lẽ đến thắp hương tại cửa hang núi Canh, thôn Đồn Sơn, xã Yên Đức, huyện Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh). Năm nay đã 86 tuổi, cụ là một trong số những người đã tận mắt chứng kiến tội ác dã man của quân Pháp tại đây đúng 63 năm về trước…
Núi Canh nằm trong Cụm di tích tạo thành với những núi đá nhấp nhô nhiều vẻ bên cạnh núi Đồng Thóc, núi Thung (cối giã gạo), núi Con Chuột, núi Con Mèo. Tất cả các núi này như được tạo hóa xếp đặt thành cảnh sơn thủy hữu tình và tên gọi đều gắn liền với đời sống của cư dân nông nghiệp.
Nhà bia ghi danh các anh hùng liệt sĩ ở cửa hang núi Canh. |
Tên núi Canh được người dân ở đây lý giải là do ngọn núi này có hình dáng giống như hình cái cày. Tuy nhiên, một số người còn cho rằng, do ngọn núi này như một bức tường thành trấn ải cửa ngõ đông bắc của xã. Đứng trên đỉnh núi Canh có thể bao quát toàn bộ các khu vực xung quanh, nhiều trạm canh gác trên núi được xây dựng nên “Canh” còn có nghĩa là “canh gác”…
Cách lý giải thứ hai có lẽ là dựa vào lịch sử, khi từ thời xưa, Vua Trần Nhân Tông đã chọn nơi đây để chỉ huy chiến trận trên sông Bạch Đằng lần thứ hai. Vào thời kỳ chống Pháp, núi Canh cũng từng là căn cứ kháng chiến của nghĩa quân Yên Thế, là kho dự trữ lương thực, thực phẩm phục vụ kháng chiến với rất nhiều ngóc ngách, hang động trên núi. Nhưng có một hang ở phía tây núi là nơi mà chắc rằng, cụ bà Phạm Thị Nhiền và nhiều người già cả khác trong làng có những ký ức không bao giờ quên.
Sau khi lặng lẽ thắp hương trước cửa hang, cụ Nhiền dẫn dắt chúng tôi về quá khứ của 63 năm về trước… Khi đó, vào năm 1950, cuộc kháng chiến chống Pháp của quân và dân ta diễn ra rất ác liệt. Xã Yên Đức là một trong những địa phương của quê hương “Đệ tứ chiến khu Đông Triều” bị quân Pháp chiếm đóng. Nhằm triệt tiêu những căn cứ cách mạng của ta, hầu như ngày nào binh lính Pháp cũng tổ chức đi càn quét, bắt bớ; tiến hành cướp bóc tài sản của nhân dân… Ngày ấy, bà Nhiền tình nguyện tham gia du kích, hoạt động cách mạng ngay trong lòng địch.
Ngôi mộ tập thể trước cửa hang núi Canh – nơi an nghỉ của 73 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh. |
Mặc dù bị quân Pháp đàn áp hết sức dã man, nhưng các phong trào cách mạng của quân và dân xã Yên Đức vẫn diễn ra hết sức sôi nổi và rộng khắp. Núi Canh được chọn là điểm cho quân du kích và nhân dân địa phương ẩn náu mỗi khi quân Pháp đi càn quét. Nơi đây có một cái hang rất rộng nhưng chỉ có một cửa ra vào duy nhất, bảo đảm được yếu tố an toàn và bí mật.
Tức tối trước việc quân du kích phục kích tiêu diệt được một viên quan Pháp, vào giữa tháng 10-1950, quân Pháp đã mở một đợt càn quét trên diện rộng. Với phương châm “giết nhầm còn hơn bỏ sót”, đi đến đâu bọn chúng đều gây tội ác kinh hoàng, tàn sát nhiều người dân vô tội. Như thường lệ, các chiến sĩ cách mạng của ta, trong đó có bà Nhiền lại chạy vào hang núi Canh ẩn náu. Tuy nhiên, quân địch cũng đã phát hiện được chỗ ẩn náu này sau nhiều ngày sục sạo, tìm kiếm. Chúng huy động lực lượng vây kín cửa hang kêu gọi quân ta ra đầu hàng. Suốt 7 ngày ròng rã trong hang, tuy thiếu ánh sáng và không khí, chỉ có chút ít lương khô và nước lã dự trữ cầm hơi; nhưng các chiến sĩ của ta vẫn chiến đấu hết sức ngoan cường, không chịu khuất phục trước những lời kêu gọi đầu hàng và họng súng của kẻ thù. Bước sang ngày thứ tám (tức là ngày 23-10-1950), quân địch đã hết sức dã man dùng lựu đạn hơi cay, kết hợp đốt củi khô và rơm tẩm ướt để hun cho khói bay vào trong hang. Bà Nhiền là một trong số ít chiến sĩ của ta may mắn sống sót sau trận đánh đó, còn 73 chiến sĩ cách mạng khác đã anh dũng hy sinh. Quân Pháp đã bắt tù binh đào một hố rộng để chôn chung tất cả 73 chiến sĩ này. Khi hòa bình lập lại, chính quyền và nhân dân địa phương đã quy tập hài cốt, để chung một ngôi mộ được đặt ngay tại cửa hang núi Canh…
Ngày nay, khi đến thăm khu di tích lịch sử hang núi Canh, ta sẽ bắt gặp một nhà bia được xây dựng khang trang ở ngay cửa hang ghi danh những liệt sĩ đã hy sinh ở đây. Trên ngôi mộ tập thể của 73 liệt sĩ có tấm bia ghi dòng chữ: “Mãi mãi ghi sâu mối thù giặc Pháp đã giết hại cán bộ và đồng bào ta trong hang núi Canh xã Yên Đức”.
Để tưởng nhớ những người con đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, chính quyền và nhân dân địa phương đã chọn ngày 23-10 dương lịch hằng năm là ngày giỗ chung cho 73 chiến sĩ đã hy sinh trong hang núi Canh. Tượng đài bất tử đó sẽ còn sống mãi với thế hệ mai sau.
Nguồn : qdnd.vn