Bà Thái Thị Ngọc, sinh ngày 1/2/1932, quê ở thôn Mỹ Lam, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Sinh ra trong một gia đình trí thức yêu nước, từ nhỏ bà đã được học hành tử tế. Năm 15 tuổi, bà đã tham gia du kích của thôn Mỹ Lam. Hơn một năm sau, nhờ có năng lực và học vấn, bà được điều lên công tác ở Văn phòng Huyện ủy Phú Vang, giữa năm 1950 bà vinh dự được kết nạp vào Đảng. Chính trong giai đoạn này, bà đã đem lòng yêu thương ông Nguyễn Văn Tú một cán bộ cách mạng, người cùng quê, trước khi thoát ly đã đỗ Tú tài Pháp (sau này trở thành Q. Bí thư Huyện ủy Phú Vang và hy sinh năm 1972).
Năm 1953, họ hứa hôn nhưng do bà được cử ra Liên khu IV ở Nghệ An học lớp nữ hộ sinh nên chưa thể cưới nhau. Tháng 7-/954, Hiệp định Genève về Đông Dương được ký kết, ông Nguyễn Văn Tú tập kết ra miền Bắc. Họ cưới nhau và có 2 con trai là Nguyễn Anh Tuấn và Nguyễn Chí Thành. Sống với gia đình ở thành phố Vinh chưa được bao lâu, cuối năm 1959 ông lại chia tay vợ con trở vào Nam chiến đấu.
Bác sĩ Thái Thị Ngọc chụp ảnh cùng 2 con trai trước khi vào chiến trường |
Một tay nuôi hai đứa con thơ dại, bà Thái Thị Ngọc không chỉ công tác tốt mà còn nỗ lực học hỏi để năm 1964 trở thành bác sĩ sản khoa.
Năm 1965, Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam và tiến hành ném bom phá hoại miền Bắc. Như nhiều trí thức khác, bà ý thức được nhiệm vụ thiêng liêng của người Việt Nam yêu nước lúc này là chống Mỹ, nên đã gửi con cho người thân và tình nguyện xin vào chiến trường miền Nam.
Vào đến chiến trường, tháng 8/1965 bà Thái Thị Ngọc được cử về công tác ở Ban Dân y Thừa Thiên. Đây cũng là thời điểm Mỹ đổ quân xuống Phú Bài và biến nơi này thành căn cứ tiền phương của Mỹ ở miền Nam. Mỹ đến, nhiều cứ điểm quân sự mới ở Thừa Thiên được thiết lập. Chiến trường trở nên ác liệt. Nhiều cán bộ, chiến sĩ và đồng bào bị thương rất cần sự chăm sóc và điều trị của đội ngũ cán bộ y tế.
Bà Nguyễn Thị Vĩnh, hiện trú tại thôn Phú Lộc, xã Phong Chương, huyện Phong Điền nhớ lại:
– Mùa mưa năm 1965, Ban Dân y Thừa Thiên, có mật danh là F22 mở lớp y tá tại khu vực dốc Trục (phía tây xã Phong Sơn, huyện Phong Điền) cho 3 huyện phía Bắc Thừa Thiên, gồm: Hương Trà, Phong Điền và Quảng Điền. Tiếp đó, chúng tôi quay trở lại khu vực rừng Thông (nay thuộc địa phận của tỉnh Salavan-Lào) mở lớp y tá-hộ sinh cho ba quận miền Tây Thừa Thiên.
Biết tôi trước khi thoát ly là y tế hương thôn của chế độ Sài Gòn, bác sĩ Thái Thị Ngọc đã chọn tôi làm phụ tá cho bà.
Ở những lớp học này, bác sĩ Thái Thị Ngọc dạy lý thuyết còn tôi giúp học viên thực hành những công việc như tiêm thuốc, đỡ đẻ. Nhờ gắn bó với nhau nên bác sĩ Thái Thị Ngọc xem tôi như em. Chúng tôi quấn quýt và chia xẻ buồn, vui.
Có lẽ do giữ bí mật và đề phòng bất trắc cho người chồng đang hoạt động ở vùng sâu nên thú thật lúc đó tôi cứ tưởng rằng, chồng chị đã chết, vì khi hỏi chuyện bác sĩ Thái Thị Ngọc thường lảng tránh và một mực cho rằng chồng chị đã hy sinh.
Đinh ninh như vậy nên tôi lại hỏi:
– Chồng chết, sao chị lại gửi con để vào đây?
Chị cười, từ tốn:
– Em không thấy gương của bà Trưng, bà Triệu đó sao? Vào đây, nếu chị hy sinh thì chị tin các con chị sẽ tiếp bước.
Ở trên rừng, khi đi công tác, bác sĩ Thái Thị Ngọc thường mặc bộ bà ba màu xanh lá cây, lưng mang khẩu súng K.59. Lúc ấy chị chưa bị sốt rét, dù cơ cực nhưng nhìn vóc dáng, tôi thường khen:
– Chị già nhưng mà đẹp lắm!
Mỗi khi nghe khen như vậy chị thường véo vào tai tôi, cười.
Từng theo chị mở 2 lớp đào tạo y tá, có một kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên, đó là lúc ở Quân I miền Tây Thừa Thiên. Lớp học bế giảng, chúng tôi được phân công ghé vào một binh trạm nằm trên đường Hồ Chí Minh để nhận thuốc men. Trên đường trở về đơn vị, địch phát hiện nên chúng ném bom tới tấp. Không có hầm hào, hai chị em chỉ dựa vào các gốc cây ẩn nấp, phó mặc cho may rủi. Suốt 6 giờ đối đầu với sinh tử, tưởng yên nào ngờ Mỹ đổ quân bố ráp. Để đề phòng, chị đưa cho tôi một trái lựu đạn và bình tĩnh dặn dò: quyết không được để chúng bắt.
Là bác sĩ và là Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh Hội Phụ nữ giải phóng, bà đã được cử về tham gia chỉ đạo phong trào ở huyện Phú Vang.
Bà Phạm Thị Thu, sinh năm 1948, quê ở thôn Lương Viện, xã Phú Đa cho biết:
– Hè năm 1966, cùng với hơn 20 anh chị em thuộc các xã trong huyện tôi đã tham dự lớp y tá – hộ sinh do bác sĩ Thái Thị Ngọc và bác sĩ Lê Minh Toại giảng dạy. Số học viên lớp ấy phần lớn đã hy sinh; ngoài tôi, hiện ở thôn Mộc Trụ (xã Vinh Phú) còn chị Hồ Thị Sương.
Theo bà Phạm Thị Thu, đây là lớp thứ 3, sau 2 lớp đã được mở cấp tốc ở Lương Viện. Học xong, ai ở đâu về địa phương đó phục vụ. Lớp y tá – hộ sinh mà bà Phạm Thị Thu theo học được tổ chức tại nhà của ông bà Nguyễn Văn Sáng – Trần Thị Mèo, ở xóm 2 thôn Viễn Trình, thị trấn Phú Đa ngày nay. Đó là một ngôi nhà rường 1 căn 2 chái. Chung quanh khu vườn đều đào giao thông hào để phòng tránh bom đạn. Năm 1969 ngôi nhà này đã bị địch đốt khi chúng lùa dân vào sống tập trung ở xóm chợ Viễn Trình.
Đầu năm 1967, do địch càn ráo riết, bác sĩ Thái Thị Ngọc phải liên tục chuyển địa bàn công tác. Cũng là ở xã Phú Đa, nhưng lúc thì ở Viễn Trình khi thì sang Đức Thái, cuối cùng khi mới về Trương Lưu được mấy hôm thì bà bị lật hầm và chiến đấu đến viên đạn cuối cùng rồi chấp nhận hy sinh, không để sa vào tay giặc.
Ghi nhận thành tích của đồng đội, lịch sử ngành y tế Thừa Thiên Huế 30 năm kháng chiến đã viết:
“Bác sĩ Thái Thị Ngọc công tác ở Ban y tế Khu ủy Trị Thiên – Huế đã về công tác và mở lớp hộ sinh tại các thôn Lương Viện, Viễn Trình xã Phú Đa, đào tạo được 22 nữ hộ sinh cho huyện Phú Vang, chị đã hy sinh anh dũng trong trận càn bị địch lật hầm bí mật”.
Trong lịch sử của ngành y, có lẽ bà Thái Thị Ngọc là người duy nhất một lúc đảm đương vai trò vừa là bác sĩ vừa là chiến sĩ, bởi ngoài đào tạo y tá, nữ hộ sinh, chữa trị cho thương, bệnh binh bà còn tham gia chiến đấu, đặc biệt là khi được trở lại Phú Mỹ – quê bà để sống và chiến đấu.
Đọc thành tích của bà, chúng tôi không khỏi kinh ngạc khi biết, chỉ trong vòng hơn nửa năm bác sĩ Thái Thị Ngọc đã tham gia nhiều trận đánh, tiêu biểu là chiến công ở chợ Sam, khi bà cùng anh chị em du kích phục kích tiêu diệt 19 tên địch, bắt sống 2 tên, thu nhiều vũ khí; hay khi tấn công trụ sở ngụy quyền xã Phú Mỹ, bác sĩ Thái Thị Ngọc cùng với đồng đội đã tiêu diệt 1 trung đội địa phương quân và 2 tên ác ôn khét tiếng. Trong trận này, bác sĩ Thái Thị Ngọc vừa cấp cứu, bảo vệ thương binh vừa chiến đấu tiêu diệt 6 tên giặc, sau đó tổ chức đưa thương binh về căn cứ an toàn. Trong một trận đánh khác ở An Lưu, để đề phòng địch càn vào khu vực cấp cứu thương binh, bác sĩ Thái Thị Ngọc đã đặt mìn chống tăng và đã phá hủy 1 chiếc M113.
Trong bản nhận xét của Huyện ủy Phú Vang đề ngày 2-8-2004, Bí thư Huyện ủy Phú Vang Hồ Thế Hiền khẳng định:
– Trong quá trình hoạt động của mình, đồng chí Thái Thị Ngọc luôn đặt lợi ích của quê hương, Tổ quốc lên trên lợi ích của gia đình, kìm nén tình mẫu tử, chấp nhận chia tay 2 đứa con thơ còn nhỏ cho đồng đội nuôi dưỡng, tình nguyện trở về quê hương chiến đấu. Đồng chí luôn bám sát địa bàn, bám sát các trận chiến đấu, không ngại gian khổ, ác liệt tận tâm với công việc, luôn nêu cao phẩm chất tốt đẹp của người thầy thuốc đã cứu chữa hàng trăm thương binh, bệnh binh và nhân dân thoát khỏi hiểm nghèo. Dũng cảm chiến đấu bảo vệ an toàn cho thương binh, bệnh binh; đồng thời phối hợp chặt chẽ với du kích địa phương, với bộ đội chủ lực tổ chức nhiều trận đánh, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Đồng chí dũng cảm chiến đấu, kiên quyết không để sa vào tay giặc, quyết giữ trọn khí tiết của người đảng viên cộng sản và đã anh dũng hy sinh. Đồng chí Thái Thị Ngọc là tấm gương tiêu biểu cho nhiều thế hệ noi theo, chính những chiến công đó đã góp phần làm rạng danh quê hương Phú Mỹ nói riêng, huyện Phú Vang anh hùng nói chung.
Nguồn : baothuathienhue.vn