Anh hùng tuổi 15
“Lên mười tuổi đã hay ca giỏi đàn/Căm thù lũ giặc Ngô lê máy chém/Hận quận trưởng Long mổ bụng ăn gan/Đồng chí Chẩm xin vào du kích mật/Tự làm ra khẩu súng ngắn trừ gian…”. Hơn 50 năm qua, người dân xã Phước Vĩnh An vẫn truyền nhau bài thơ ca ngợi tinh thần dũng cảm tiêu diệt ác ôn bằng súng tự chế của liệt sĩ Trần Văn Chẩm, người con của quê hương “Đất thép” Củ Chi.
Sinh năm 1947, Trần Văn Chẩm là con út trong một gia đình nông dân ở huyện Củ Chi có 9 người con. Chẩm nổi tiếng thông minh, lại hiếu thảo nên được mọi người quý mến. Ngoài giờ đi học, anh hay đi chăn bò để phụ giúp gia đình. Chính công việc chăn bò giúp anh có điều kiện tiếp cận gần với đồn, bốt của địch, nắm tình hình về báo cáo đội du kích mật ở địa phương. Năm lên 10 tuổi, Chẩm chính thức là thành viên của đội du kích ấy. Bà Sáu Đem (tức Võ Thị Đem), 78 tuổi, chị ruột liệt sĩ Trần Văn Chẩm kể lại: “Hồi đó, ai gần gũi Chẩm mới biết, qua cái dáng hiền lành bên ngoài, bên trong Chẩm là một bộ óc thông minh với tính ham hiểu biết và đôi bàn tay khéo léo. 10 tuổi mà Chẩm đã đàn được nhiều loại nhạc cụ khác nhau”. Cậu bé chăn bò hoạt động tự do trong khu vực của địch đóng quân và tự tay chế cho mình một khẩu súng ngắn, hai quả lựu đạn sẵn sàng tiêu diệt kẻ thù.
Từ năm 1961, địa bàn xã Phước Vĩnh An xuất hiện tên “Đại diện Chưng” kết hợp với tên cảnh sát trưởng Long chuyên lùng bắt người theo cách mạng, cướp bóc, giết người không gớm tay, gây ra nhiều nợ máu với nhân dân. Kế hoạch tiêu diệt tên “Đại diện Chưng” được anh Chẩm ngấm ngầm thực hiện. Anh điều tra và nắm được quy luật tên Chưng hay ra vào quán nước chú Tư Lến gần đồn Cây Bài vào khoảng 15-16 giờ hằng ngày. Bản án tử hình dành cho kẻ ác được anh thực hiện nhanh chóng, chính xác.
Hôm ấy là chiều 23-7-1962, tên “Đại diện Chưng” mới đi đâu về, ghé vào quán này ngồi uống nước, thỉnh thoảng lại nhìn ra đường như chờ đợi ai. Chợt có hai cậu bé đi học về, đội nón sụp che nửa mặt. Hai cậu vào quán hỏi mua thuốc lá. Ngậm điếu thuốc lên miệng xong, Chẩm đưa tay vào túi như lấy bật lửa nhưng không ngờ, anh rút ra một khẩu súng chĩa ngay vào mặt “Đại diện Chưng” và nói:
– Mày có tội lớn với nhân dân, phải đền tội.
“Đại diện Chưng” hoảng sợ:
– Ê thằng bé, mày đừng đùa!
Đoàng! Một tiếng súng nổ vang. Kẻ ác ngã lăn xuống đất. Chẩm và người bạn nhanh chóng chạy sang đường và mất hút sau bụi tre già. Chiến công của Chẩm nhanh chóng lan khắp Củ Chi.
Sau trận đánh đó, tên cảnh sát trưởng Long rất giận dữ, tìm mọi cách bắt bằng được chú bé hiền lành mà gan dạ. Hắn cho tay sai dò la tin tức của Chẩm, gài người đặt bẫy để dụ chú ra hàng. Chúng kéo đến nhà quyết bắt hai anh trai của Chẩm (khi đó cũng thoát ly theo cách mạng). Tìm người không được, chúng thực hiện thủ đoạn đê hèn, bắt giam chị của chú là Sáu Đem làm con tin. Biết Chẩm đã bị lộ, cấp trên điều Chẩm sang công tác ở một địa bàn khác. Nhưng Chẩm một mực xin ở lại, bám xã, quyết tiêu diệt tên Long gian ác. Chẩm được bạn bè và người quen che chở nên hơn nửa tháng từ khi tên “Đại diện Chưng” bị giết, bọn chúng vẫn chưa có tin tức của chú.
Rồi một đêm mưa nhỏ, Chẩm trở về để hành động. Giấu khẩu súng trong người, Chẩm lẻn đến một nhà quen ở đầu xã Phước Vĩnh An để dò la tin tức cảnh sát Long. Không ngờ, đây là một tên phản bội trong mạng lưới mà cảnh sát Long đã giăng sẵn. Chẩm lọt vào ổ phục kích của địch. Trong giây phút sinh tử, Chẩm vẫn kịp giương súng bắn tên cảnh sát trưởng Long nhưng đạn không trúng mục tiêu. Chúng bắn gãy chân Chẩm rồi lôi chú vào nhà một người dân gần đó để tra khảo. Tên Long hùng hổ:
– Mày là Trần Văn Chẩm phải không?
– Đúng, tao là Chẩm đây!
– Có phải mày giết “Đại diện Chưng” không?
– Tao còn tính giết cả mày nữa đấy!
Tên cảnh sát trưởng Long tái mặt, gầm lên như con thú dữ. Hắn chạy đi lấy chiếc rựa của dân dùng để chẻ tre, nhằm vào cổ Chẩm chém mạnh. Rồi mang bêu đầu người chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi lên trước cổng đồn.
Bà Bảy Gẫm (tức Trần Thị Gẫm), chị thứ bảy của liệt sĩ Trần Văn Chẩm nhớ lại: “Khi hay tin chúng giết em Chẩm, gia đình và người dân địa phương đấu tranh quyết liệt mới lấy được xác và đầu em về chôn gần đồn, vì chúng không cho đem đi xa. Sau ngày giải phóng, hài cốt em Chẩm được quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ An Nhơn Tây, Củ Chi”.
Ngày 30-8-1995, liệt sĩ Trần Văn Chẩm được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Đến nay, kỷ vật duy nhất bà Sáu Đem và bà Bảy Gẫm còn giữ về anh là tấm di ảnh đặt trên bàn thờ. Và niềm tự hào lớn của gia đình đó là trên quê hương Phước Vĩnh An có con đường to, đẹp mang tên Trần Văn Chẩm và một ngôi trường Tiểu học Trần Văn Chẩm đã ươm mầm, tiếp bước truyền thống anh hùng cho bao thế hệ trẻ hôm nay.
Nguồn : qdnd.vn