Đã hơn 100 tuổi, mẹ như ngọn đèn leo lét trước gió nhưng chiều nào cũng gắng gượng ra ngồi tựa cửa ngóng hai người con trai trở về. Các anh đi không một lần trở lại, các anh nằm nơi đâu mẹ cũng không hay biết. Tâm niệm trước lúc mất của mẹ là được thắp lên nấm mộ của các con một nén hương thơm, nhưng tâm niệm ấy đang khó thực hiện bởi vẫn còn những người chưa hết lòng vì gia đình liệt sĩ.
Bàn thờ và di ảnh của hai liệt sĩ Hoàng Văn Vinh và Hoàng Văn Hiến |
Mẹ Đặng Thị Hài ở xã Hưng Đông, TP Vinh năm nay đã 102 tuổi. Mẹ đã yếu lắm rồi, nhưng khi được tin tôi đến để tìm hiểu về những người con của mẹ đã ngã xuống vì sự bình yên của Tổ quốc, mẹ gắng gượng dậy tiếp chuyện tôi. Nói về các anh, mẹ khóc, đôi mắt nhăn nheo, mờ đục, nước mắt mẹ đã cạn vì thương nhớ những người con.
Chồng mất sớm, mẹ tần tảo rau cháo nuôi những người con khôn lớn. Lần lượt các anh đều nhập ngũ, các chị tham gia thanh niên xung phong. Năm 1965, khi đang là học sinh cấp 3, người con thứ Hoàng Văn Hiến tình nguyện lên đường nhập ngũ, một năm sau, người con cả Hoàng Văn Vinh cũng từ biệt mẹ ra chiến trường. Tiếp đó là con trai út Hoàng Văn Công cũng lên đường tham gia tại chiến trường Campuchia.
Mẹ Hài vẫn ra ngồi tựa cửa ngóng con về |
Hai cô con gái Hoàng Thị Xuân, Hoàng Thị Chiến, con dâu Trần Thị Trinh cũng tham gia thanh niên xung phong, phục vụ các đội pháo cao xạ bảo vệ thành phố Vinh, cầu Bến Thủy. Nhà mẹ cũng trở thành nơi ăn ở, cất giữ lương thực, súng đạn cho bộ đội, mẹ cũng tham gia tải thương, tải đạn, chăm sóc thương binh, phục vụ chiến đấu. Các anh đi mẹ đều không cản, trước khi lên đường mẹ đều dặn dò: “Nước nhà chưa yên thì gia đình cũng khó mà yên ấm, các con đi giữ gìn sức khỏe để về với mẹ”. Thế nhưng, khi từ biệt, mẹ không ngờ đó là lần cuối được gặp các con.
Anh cả Hoàng Văn Vinh còn kịp gửi về cho mẹ vài ba lá thư, người con thứ Hoàng Văn Hiến hy sinh ngay trên đường hành quân vào Nam sau dăm tháng nhập ngũ. Anh cả Hoàng Văn Vinh hy sinh năm 1969 tại mặt trận phía Nam, chỉ có người con út Hoàng Văn Công trở về với thương tật 81%. Tuy các anh hy sinh trên chiến trường nhưng mẹ đều không hay biết, chiến tranh tàn khốc nên mãi đến khi hòa bình lập lại, mẹ mới được tin hai con của mình hy sinh qua tin của đồng đội cũ. Những ngày trước đó, nhất là khi đất nước đã thống nhất, ngày nào mẹ cũng ngóng hai anh trở về, mỗi khi có thông tin chiến sĩ trở về mẹ lại thêm nung nấu hy vọng. Đến nay, phần mộ của hai anh vẫn chưa được tìm thấy, mẹ vẫn chưa thể yên lòng nhắm mắt.
Tháng 10/2013, Trung tâm trợ giúp TLPL&TGPL cho gia đình liệt sỹ (Marin) đã phát hiện nhóm 25 phần mộ liệt sĩ thuộc Trung đoàn 29 tại Nghĩa trang liệt sĩ đường 9, tỉnh Quảng Trị. Dựa trên những thông tin có được tại phần mộ cũng như khớp nối thông tin của Bộ Tư lệnh Quân khu IV, Trung tâm Marin đã dần lần ra tên tuổi, quê quán của 25 liệt sĩ này, trong đó có Hoàng Văn Hiến. Các liệt sĩ đều có trích lục hồ sơ quân nhân hy sinh và được chôn cất có số mộ tại Lào do Quân khu 4 xác nhận.
25 liệt sĩ tại Nghĩa trang đường 9, tỉnh Quảng Trị đều có tên (có sai lệch ít về họ và tên), đơn vị là D4 và D6 như trích lục quân nhân của Quân khu 4. Hài cốt của các liệt sĩ do đội quy tập của Quảng Trị cất bốc và bàn giao cho Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị. Những thông tin đã được khớp nối và họ tên, quê quán của các liệt sĩ đã được tìm ra. Tuy nhiên, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị và Cục Người có công vẫn chưa cho phép gia đình đưa những phần mộ này về quê. Khi nghe tin trung tâm Marin thông báo, mẹ Hài vui lắm, mẹ muốn vào thăm con nhưng ngặt nỗi sức khỏe không cho phép, gia đình đang làm thủ tục để đưa liệt sĩ Hiến về nhưng các cơ quan chức năng chưa cho phép.
Hiện nay, mẹ Hài vẫn đang chịu thiệt thòi khi chưa được công nhận là mẹ Việt Nam Anh hùng. Theo pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ký ngày 20/10/2012 thì mẹ Hài có đủ điều kiện khi có từ hai con trở lên là liệt sĩ. Gia đình đã làm đơn và trình hồ sơ lên xã Hưng Đông, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được bất kỳ thông tin phản hồi nào. Mẹ cũng chưa nhận được chế độ gì ngoài tiền tuất hàng tháng của hai anh. Nhà mẹ đã cũ, các con có xin hỗ trợ để sửa chữa nhưng đều không được.
Cứ mỗi khi chiều về, bất kể ngày mưa, ngày nắng, mẹ Hài vẫn ra ngồi tựa cửa nhìn ra cổng ngóng các anh về. Với mẹ, còn đó những nỗi buồn, buồn vì không biết các con đang an nghỉ nơi đâu, buồn vì chưa được thắp nén hương cho các con dù sức cùng lực kiệt. Nỗi buồn của mẹ là trách nhiệm của mỗi chúng ta, là nỗi hổ thẹn với những liệt sĩ đã nằm xuống.
Nguồn : http://congannghean.vn