Anh hùng Liệt sĩ Trần Cừ (1920-16/8/1950), Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân (Truy tặng 1955), Khi hy sinh anh là đảng viên, đại đội trưởng bộ binh đại đội 336, tiểu đoàn 174, trung đoàn 209, Sư đoàn 312. Huân chương Quân công (hạng Nhì, hạng Ba), Huân chương Chiến công hạng Nhất.
Anh quê ở Khoái Thọ, Đức Bác, Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Từ tháng 8 năm 1945 đến tháng 10 năm 1950, Anh chiến đấu trên chiến trường Việt Bắc, rèn luyện và trưởng thành từ chiến sĩ lên đại đội trưởng và đã từng tham gia hàng chục trận chiến đấu, trận nào anh cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Lúc đó Quốc Dân Đảng phản động cấu kết với quân Nhật kéo đến Vĩnh Yên, Việt Trì và một số nơi khác với âm mưu ngóc đầu dậy. Trần Cừ dẫn đầu một tiểu đội tham gia trận đánh giáp lá cà với địch và chính Anh đã đâm chết một tên Nhật và thu một khẩu súng. Tại Cầu Oai (Vĩnh Yên), vào đầu năm 1946 đã diễn ra cuộc chiến đấu ác liệt chống bọn Quốc Dân Đảng phản động. Trần Cừ đã chỉ huy đơn vị dùng súng tiểu liên tiêu diệt hai tiểu đội địch, giữ vững trận địa, buộc chúng phải rút chạy về thị xã Vĩnh Yên.
Thu đông năm 1947, đơn vị Anh được giao nhiệm vụ tham gia chiến dịch Việt Bắc. Trần Cừ cùng đơn vị chuẩn bị trận địa trên địa bàn xã Sơn Đông, bên bờ sông Lô. Được chiến đấu ngay trên mảnh đất quê hương, Trần Cừ hạ quyết tâm phải bắt kẻ thù phải trả nợ máu.
Cuối tháng 12 năm 1947, dọc theo sông Lô một cánh quân của địch từ Việt Bắc rút về, tràn vào thôn Phú Hậu càn phá. Trung đội của Trần Cừ đã cùng bộ đội địa phương của huyện Lập Thạch và du kích xã phối hợp chiến đấu. Bọn địch cậy thế mạnh, với 4 máy bay khu trục và hai ca nô yểm hộ, chúng hung hăng ra sức cướp phá. Bộ đội và dân quân du kích đã bám sát từng bờ tre, ngõ xóm nổ súng đẩy lùi nhiều đợt tiến công của địch, buộc chúng phải rút về căn cứ. Trận đánh thắng này có tiếng vang lớn được liên khu và đã được lãnh đạo tỉnh gửi thư khen ngợi động viên cán bộ, chiến sỹ. Với Trần Cừ, trận chiến đấu này là một thử thách ban đầu, thể hiện sự trưởng thành của Anh. Sau gần ba năm chiến đấu dũng cảm, được quân đội bồi dưỡng, giáo dục Trần Cừ, được vinh dự kết nạp vào Đảng năm 1948. Khi chuyển sang trung đoàn 209 Anh cùng đồng đội lập được nhiều chiến công ở suối Rút (Hoà Bình tháng 11 năm 1949), Xuân Đại, đầu năm 1950.
Trong chiến dịch Biên giới cách đánh không phải là cách đánh lối du kích, chống càn, do vậy, người chỉ huy trực tiếp, ngoài mưu trí và dũng cảm ra còn phải có sự hiểu biết và trình độ chỉ huy hiệp đồng tác chiến, trình độ sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự mới, Anh đã được đơn vị cử sang Trung Quốc học. Tốt nghiệp khoá học, Anh trở về vào đúng lúc chiến dịch giải phóng biên giới mở màn.
Khi trở về đơn vị, ngay trong đêm đầu tiên, Trần Cừ không sao ngủ được bởi chiến dịch biên giới đã bắt đầu. Anh nghĩ, ngày mai, ở mặt trận Đông Khê, những trận chiến đấu sẽ diễn ra quyết liệt, trong đó, có đại đội 336 do chính Anh là chỉ huy. Trước đó khoảng một tháng, cùng với các đơn vị bạn, cũng tham gia chiến đấu, được học tập rất kỹ về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của chiến dịch. Đơn vị của Anh được bổ sung thêm quân số, tăng cường hậu cần và khẩn trương ôn luyện kỹ, chiến thuật. Cả đại đội tràn đầy phấn khởi, tin tưởng và báo cáo lên cấp trên lời hứa quyết tâm đánh thắng.
Những gì học được ở nước bạn, Anh ứng dụng ngay vào trận đánh Đồn Đông Khê là một cứ điểm rất kiên cố và có tầm quan trọng của địch trên tuyến biên giới Cao Bằng – Lạng Sơn và nước bạn Trung Quốc. Đánh thắng Đông Khê, sẽ làm cho tuyến phòng thủ của địch bị chia cắt, tạo cơ hội cho bộ đội ta tiêu diệt địch. 18h ngày 16 tháng 8 năm 1950, đạn pháo của ta đồng loạt dội vào cứ điểm Đông Khê mở màn cho chiến dịch. Các chiến sỹ bộ binh dũng mãnh xông lên dùng bộc phá mở cửa, lần lượt đánh chiếm các vị trí vòng ngoài và phát triển vào khu trung tâm. Trần Cừ bình tĩnh chỉ huy đại đội, dùng nhiều cách đánh khác nhau, tiêu diệt từng vị trí của địch và hướng dẫn kịp thời pháo binh chi viện. Địch phản công mãnh liệt từ các hoả điểm, gây cho ta một số thương vong. Trần Cừ xông xáo đến từng ụ chiến đấu, động viên chiến sỹ giữ vững tinh thần, kiên quyết bám trận địa, hiệp đồng tác chiến với đơn vị bạn. Nhưng lúc này trời gần sáng, mục tiêu chủ yếu của trận đánh chưa giải quyết được, theo lệnh của cấp trên, Trần Cừ cử một lực lượng nhỏ cùng mình ở lại kiềm chế hoả lực địch rồi ra lệnh cho đơn vị rút ra ngoài, tổ chức cho đại đội rút kinh nghiệm, chấn chỉnh các tiểu đội và xây dựng cho anh em một quyết tâm lớn để trận đánh thứ hai đạt kết quả hơn.
Đến 17 tháng 9 bắt đầu trận tiến công lần thứ hai; Trong trận này Anh làm đại đội trưởng, đại đội 336 là lực lượng chủ công của trung đoàn, Anh đã chỉ huy đơn vị đánh thẳng vào hầm chỉ huy của địch. Hoả lực bắn dữ dội, hòng chặn đứng các mũi tiến công của ta. Trần Cừ bình tĩnh chỉ huy đại đội vượt qua làn mưa đạn, chiếm khu vực Kỳ Sấu rồi đánh toả lên khu nhà thương. Địch rút xuống hầm cố thủ và ném lựu đạn như mưa ra ngoài. Dưới sự chi viện của hoả lực, bộ đội ta khẩn trương vận động áp sát vào lô cốt địch, dùng bộc phá diệt địch. Lúc xông lên, Trần Cừ bị thương nặng vào chân.
Trời sắp sáng, chiến sỹ ta xung phong mấy lần vẫn chưa diệt được đồn địch. Trong đồn địch còn khoảng 100 tên, Anh cầm lựu đạn hô anh em cùng ném vào lỗ châu mai. Khói toả mù mịt, lợi dụng thời cơ tốt, Trần Cừ hô lớn: “Hồ Chủ tịch muôn năm, Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm”, rồi vùng lên ném quả thủ pháo cuối cùng vào lỗ châu mai và dùng cả thân mình bịt kín lỗ châu mai, hoả điểm của địch bị tiêu diệt. Chiến sỹ ta ào lên, dùng bộc phá đánh sập lô cốt cố thủ của địch, trận Đông Khê thắng lợi. Noi gương đại đội trưởng Trần cừ, các chiến sỹ đại đội 336 đã dồn ý chí quyết tâm vào những trận chiến đấu tiêu diệt địch trên đường số 4, góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang của chiến dịch biên giới.