TÔ NGỌC VÂN (sinh ngày 15-12-1906 tại Hà Nội, hy sinh ngày 17 tháng 6 năm 1954, tại km 41 Ba Khe, bên kia Đèo Lũng Lô), quê ông ở làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Thuở nhỏ, Tô Ngọc Vân là một cậu bé con nhà nghèo, quá tuổi mới được đến trường học chữ và rất yêu thích vẽ. Đang học trung học năm thứ 3, Tô Ngọc Vân bỏ học để đi theo con đường nghệ thuật. Năm 1926, ông trúng tuyển vào Trường Mĩ thuật Đông Dương.
Chân dung họa sĩ Tô Ngọc Vân
Những năm học ở đây, Tô Ngọc Vân hăng say tiếp nhận những kiến thức về nghệ thuật tạo hình mới của châu Âu, đặc biệt là lối sử dụng chất liệu sơn dầu. Năm 1931, Tô Ngọc Vân tốt nghiệp Trường Mĩ thuật Đông Dương. Năm 1932, tác phẩm Bức thư (tranh lụa) của ông được tặng bằng danh dự của Hội các hoạ sĩ Pháp và được thưởng huy chương vàng ở Triển lãm thuộc địa tại Pa-ri. Năm 1935, ông được bổ nhiệm đi dạy vẽ tại Phnôm Pênh (Cam-pu- chia). Tô Ngọc Vân là hoạ sĩ rất thành công với chất liệu sơn dầu. Tranh của ông không đơn thuần là sao chép vẻ đẹp thiên nhiên, mà qua đó ông đã gửi gắm nỗi lòng của người nghệ sĩ. Thời kì đầu, chủ yếu ông hay vẽ mô tả vẻ đẹp duyên dáng của người phụ nữ thị thành; những bức tranh nổi tiếng thời đó là: Thiếu nữ bên hoa huệ (1943), Hai thiếu nữ và em bé (1944), Thiếu nữ với hoa sen (1944)… Cách mạng tháng Tám 1945 thắng lợi, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã thức tỉnh và lay động tâm hồn người nghệ sĩ. Tô Ngọc Vân đoạn tuyệt với đề tài cũ, bắt đầu một giai đoạn mới trong sự nghiệp sáng tác của mình, mở đầu là bức tranh thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Bắc Bộ phủ (1946).
Tô Ngọc Vân – Thiếu nữ bên hoa huệ. 1943. Sơn dầu. Sưu tập tư nhân
Từ đó, ông đi vào cuộc kháng chiến với tất cả những nỗi trăn trở day dứt của một người nghệ sĩ chân chính, đồng thời, đời sống thực tế của cuộc kháng chiến chống Pháp cũng đưa đến cho ông nhận thức mới về sự nghiệp nghệ thuật của dân tộc. Ông tham gia cải cách ruộng đất rồi đi chiến dịch, làm nhiệm vụ của một người chiến sĩ. Ông còn được giao trọng trách mở lớp vẽ để đào tạo ra nhiều cán bộ làm công tác mĩ thuật phục vụ cho công cuộc kháng chiến. Ông từng là Trưởng đoàn Văn hóa kháng chiến Việt Bắc, Giám đốc Xưởng hoạ kháng chiến và Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Mĩ thuật Việt Nam. Trong giai đoạn này, ông vẽ nhiều về người nông dân và chiến sĩ. Tô Ngọc Vân đã phát hiện được trong cái mộc mạc, giản dị của họ biết bao vẻ đẹp thiêng liêng và cao quý. Từ bức sơn mài Nghỉ chân bên đồi (1948), Hai chiến sĩ (1949) – màu nước, đến nhiều kí hoạ và phác thảo hoàn chỉnh được vẽ vào năm 1954 của ông như Đi học đêm, Con trâu quả thực, Lên đèo, Hành quân qua suối, Đèo Lũng Lô… với tình cảm cách mạng, ông đã xây dựng thành công hình tượng con người mới trong thời kì kháng chiến chống Pháp.
Tô Ngọc Vân – Bác Hồ làm việc tại Bắc Bộ Phủ. 1946, sơn dầu
Gần đến ngày kết thúc cuộc kháng chiến gian lao và ác liệt, ông đã hi sinh tại chân đèo Lũng Lô (chiến dịch Điện Biên Phủ) trong lúc sự nghiệp sáng tác của ông đang rực rỡ. Toàn bộ các tác phẩm ông vẽ trong chiến dịch Điện Biên Phủ được trao giải nhất tại Triển lãm Mĩ thuật Toàn quốc tháng 11-1954 ở thủ đô Hà Nội. Nhiều tác phẩm của Tô Ngọc Vân được lưu giữ ở Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam và trong các bộ sưu tập cá nhân trong và ngoài nước. Tô Ngọc Vân được Nhà nước truy tặng danh hiệu Liệt sĩ. Thi hài của ông được mai táng tại nghĩa trang Mai Dịch. Khoá học 1955 – 1957 của Trường Cao đẳng Mĩ thuật Việt Nam mang tên “Tô Ngọc Vân”. Tên ông còn được đặt cho một đường phố ở thủ đô Hà Nội và ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Tô Ngọc Vân – Đốt đuốc đi học. 1954, thuốc nước. Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam
Trong quá trình công tác ông đã được tặng Huân chương Độc lập hạng nhất; Huân chương kháng chiến hạng Nhì; Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam; Huy chương Vì sự nghiệp Mĩ thuật Việt Nam; thư khen của Bác Hồ (1952) và chiếc áo Bác Hồ tặng (1954). Năm 1996 ông đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đợt I cho các tác phẩm: Bác Hồ làm việc ở Bắc Bộ Phủ – Sơn dầu (1946); Hồ Chủ tịch làm việc – Khắc gỗ – 60x40cm (1947); Bộ đội nghỉ chân bên đồi – Sơn mài – 35×49,7cm (1948); Xưởng quân giới – Sơn dầu – 40x50cm (1951); Bừa trên đồi – Bột màu (1953); Bộ tranh ký hoạ về nông dân cải cách ruộng đất (1953); Bộ tranh ký hoạ về bộ đội trong chiến dịch Điện Biên Phủ (1954).