Dáng đứng dưới tầm bom
Thế cuộc đối mặt lịch sử chín năm chống chiến tranh phá hoại tàn khốc của Mỹ ở hậu phương miền Bắc, giải phóng miền Nam; đội ngũ phóng viên quay phim Điện ảnh Quân đội nhân dân đã sớm có mặt tại hầu hết chiến trường, trận địa nóng bỏng nhất, gian khổ nhất. Ở đâu vào thời khắc nào cũng bắt gặp tư thế vừa cầm máy vừa cầm súng theo sát từng cánh quân, từng mặt trận, từng trận địa. Họ kiên gan vượt lên bom, đạn chết chóc, cần mẫn ghi chép, khắc họa, lưu giữ biết bao sự kiện, nhân chứng ngời sáng chủ nghĩa anh hùng cách mạng của người lính Cụ Hồ.
Từ Hà Nội, trái tim của cả nước, họ ra đi thanh thản, háo hức với hành trang trĩu vai lỉnh kỉnh máy quay, dụng cụ đo sáng, hộp ắc quy, túi đựng phim nhựa. Và để có được những khuôn hình, thước phim tư liệu quý giá, sống động quay cận cảnh chiến trường, tất cả trong số họ không một ai do dự, cầu an khi chọn cho mình vị trí tác nghiệp rất mỏng manh cận kề cái chết. Với họ, cao điểm của người lính chính là cao điểm của phóng viên quay phim chiến trường. Phải vậy chăng mà gần hai mươi nhà báo liệt sĩ của Điện ảnh Quân đội nhân dân và hơn mười nhà báo của cơ quan Điện ảnh Quân giải phóng miền Nam lần lượt hy sinh từ năm 1967 đến năm 1979 đều ở tư thế cầm máy ngã xuống tại chiến trường.
Một trong những gương mặt thân yêu, quả cảm, mãi in đẫm tâm khảm bấy nhiêu thế hệ nhà báo Điện ảnh Quân đội nhân dân là phóng viên quay phim Nông Văn Tư. Chàng trai dân tộc Nùng hồn nhiên, đam mê nghề báo đã vĩnh viễn nằm xuống tại trận địa pháo cao xạ bảo vệ Thành phố Vinh và tuyến vận tải quân sự vào mặt trận phía nam khu 4.
Khát vọng từ Thủ đô gió ngàn
Nông Văn Tư sinh ra, lớn lên trên quê hương Văn Lạng, Đồng Hỷ, Thái Nguyên. Cậu bé tròn một tuổi làm vía theo phong tục người Nùng ở Việt Bắc thì đội tuyên truyền võ trang do Bác Hồ sáng lập, ra đời ngày 22 tháng 12 năm 1944 tại khu rừng Trần hưng Đạo – Tuyên Quang. Khi Nông Văn Tư lên hai tuổi, căn cứ địa Cách mạng Thái Nguyên lại chứng kiến sự kiện thành lập Việt Nam giải phóng quân vào tháng 5 năm 1945. Vừa từ năm 1946 đến năm 1954, quê hương Thái Nguyên của Nông Văn Tư trở thành An toàn khu Trung ương, Thủ đô của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Như bao gương mặt cùng trang lứa, Nông Văn Tư được nuôi nấng, tắm táp trong âm hưởng làn điệu sli, lượn, then, ngân nga theo cây đàn tính và vũ khúc cuồng nhiệt của dân tộc Dao Đỏ cùng tiếng kèn lá réo rắt, tha thiết của người Sán Chay.
Theo năm tháng lớn khôn, Nông Văn Tư được tiếp nhận ảnh hưởng văn hoá, văn nghệ kháng chiến ở khu giải phóng “Thủ đô gió ngàn” mà chính những địa danh lịch sử, con người cụ thể vùng quê ấy đi vào thi ca lấp lánh, với Núi Hồng, Đèo De, Định Hóa, Võ Nhai, Khau Tý, Tỉn Keo, Khuôn Tát. Trong đội hình “Nhi đồng cứu quốc”, rồi “Thanh niên cứu quốc”, Nông Văn Tư được đọc báo “Việt Nam độc lập”, “Vệ quốc đoàn”, “Cứu quốc”, “Văn nghệ”, “Tiền phong”. Nông Văn Tư dựng “chòi thông tin:, cuốn giây các tông làmloa, đọc “báo kháng chiến” cho dân bản nghe tin tức “toàn dân kháng chiến, toàn dân kháng chiến”. Đồng Hỷ, Võ Nhai những năm ta mở chiến dịch Điện Biên Phủ, đêm đêm bừng sáng ánh đuốc dân công từ mạn Đào Khế, sang chợ Chu rồi nguợc Bắc Kạn, chuyển hàng tiếp tế lên Sơn La. Cùng với mế và bà con người Nùng xã Văn Lạng, Nông Văn Tư hồ hởi đón bộ đội, dân công về bản, về nhà ăn nghỉ, nhường nệm, chăn sui cho bao người lính Cụ Hồ qua đêm giá rét.
Gặp gỡ các anh chị đoàn văn côgn xung kích Tổng cục Chính trị trên đường ra mặt trận, lần đầu tiên Nông Văn Tư biết đến cái đàn phong cầm (Ăc coóc ni ông), ghi ta, măng-đô-lin.
Đêm lửa trại cậu bé Nông Văn Tư như bị hớp hồn khi được nghe giai điệu ca khúc “Đoàn vệ quốc quân”, “Bộ đội về làng”, “Đóng nhanh thóc tốt”, “Làng tôi”, “áo ấm mùa đông”, “vó ngựa trường chinh”, “Qua nhị lạng sơn”, “Du kích ca”…
Từ thuở ấy, Nông Văn Tư ấp ủn, mong có được năng lực ngợi ca vẻ đẹp vùng đất, con người thượng nguồn Sông Cầu quê mình. Dải đất trung du nghèo nàn nhưng giàu lòng yêu nước, bền bỉ đóng góp sức người, sức của trong chín năm kháng chiến gian lao của dân tộc.
Nửa đất nước yên bình, Nông Văn Tư có điều kiện học hết bậc phổ thông. Rồi không lâu, anh trở thành người chiến sĩ văn hoá quần chúng của bộ đội quân khu Việt Bắc. Khát khao tìm hiểu, đặt chân đến vùng miền mới lạ, anh lính Nông Văn Tư xin vào đội chiến bóng lưu động của phòng tuyên huấn Quân khu. Tầm mắt và tâm hồn như mở rộng khi anh mang phim đến với bộ đội, đồng bào Hơ Mông, Sán dìu, Phà Thẻn, Lô Lô ở Mèo Vạc, Mù Cang Chải, lên tận cao nguyên đá Đồng Văn, leo đỉnh Lũng Cú xa ngút ngát, chon von nơi cực bắc Tổ Quốc.
Trong một dịp cùng đội chiếu bóng vào Xín Mẩn, Nông Văn Tư may mắn gặp nhà quay phim kiêm đạo diễn nổi tiếng Nông ích Đạt và Lô Cường. Đấy là hai người thầy đầu tiên gợi mở niềm đam mê, ước vọng trở thành phóng viên quay phim như này của anh lính Nông Văn Tư. Để rồi ít năm sau, như một cơ duyên, Nông Văn Tư được gặp nhà quay phim Dương Minh Đẩu, người phụ trách xưởng phim Quân đội, anh ngỏ lời xin về công tác cơ quan ông, được ông vui vẻ chấp thuận. Như cánh chim Nộc Chao khao khát trời xanh, Nông Văn Tư nói “lời sông, lời núi” tạm xa rừng thiêng Khuôn Mánh về Thủ Đô học “Làm nhà báo quay phim” như lời mế của anh nói trong bữa rượu cần chia tay bản người Nùng ở Văn Lạng, Đồng Hỷ.
Cao điểm trận địa Thành phố đỏ
Anh bạn đồng môn, cùng quê Làng Vọng, Quỳnh Ngọc, Quỳnh Lưu (Nghệ An) Trần Văn Đại từng là cán bộ Điện ảnh quân đội nhân dân kể lại:
Vào những năm 1966, 1967, khi Quân giải phóng miền Nam đồng loạt tiến công trên các mặt trận Lộc Ninh, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Khu 5 và bắc Quảng Trị, hơn một nửa quân số phóng viên, đạo diễn Điện ảnh Quân đội nhân dân được lệnh tăng cường đi B. Số còn lại ở hậu phương miền Bắc gồng mình lo tiếp nhận, xử lý phim tư liệu từ chiến trường ra, dựng thành tác phẩm hoàn chỉnh và tổ chức lực lượng phóng viên bám sát các quân khu, Quân chủng phòng không – không quân, hải quân, lực lượng dân quân tự vệ đang đối mặt, đánh trả cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của Không quân, Hải quân Mỹ. Cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, Hà Nội dăng lưới lửa đánh thắng dòn dã các trận tập kích của không quân Mỹ. Phóng viên quay phim chiến sự, Chuẩn uý Nguyễn Kôn, quê ở Hưng Long, Hưng Nguyên, Nghệ An, nhà báo điện ảnh hy sinh đầu tiên tại trận địa phòng không bảo vệ đài phát sóng Mễ Trì năm 1967. Nhiều tổ quay phim vẫn lần lượt vượt biển ra đào Cồn Cỏ, vào sát vĩ tuyến 17 và tuyến đường vận tải chiến lược Trường Sơn, sang tận mặt trận Cánh đồng Chum, bán sát trận đánh, ghi hình trong khói trận trùm đen ống kính. Những ngày này phải “ép mình” trong buồng kỹ thuật xử lý phim tư liệu, Nông Văn Tư không lúc nào nguôi ngoai cơn khát được mang máy ra mặt trận. Nài nỉ nhiều lần rồi Nông Văn Tư cũng được chấp thuận cùng phóng viên quay phim Hà Tài vào tuyến lửa Khu 4. Anh náo nức, cười nói hỉ hả như ngày hội lông tồng, cày ruộng đầu xuân của người Nùng quê mình. Với sức trai đang độ sung sức, Nông Văn Tư nhận mang tất tật từ bình ắc quy phụ 12 vôn, những cuộn phim Oóc – vô có độ dài 60m, đồng hồ đo sáng và cả chiếc máy quay phim nặng trịch hiệu Konvas của Liên Xô. ấy là chưa tính nào lương khô, túi cứu thương, sổ sách ghi chép, tư trang, súng ngắn…
Tháng 12 năm 1971, trời rét đậm. Đường vào Thành phố Đỏ (Vinh, Nghệ An) phải qua nhiều trọng điểm đánh phá của không quân Mỹ nhưng “Chiến dịch đánh địch, đưa 12.000 tấn hàng quân sự vào Khu 5, Tây Nguyên mà tổ phóng viên có nhiệm vụ phản ánh đã thôi thúc Hà Tài và Nông Văn Tư sớm tiếp cận mặt trận. Các anh được biết, đến tháng 11 năm 1971, để bảo vệ mạch máu giao thông Khu 4, hậu phương trực tiếp của miền Nam, các lực lượng phòng không đã đánh trả hơn 3000 trận, bắn rơi 93 máy bay cường kích hiện đại nhất của Mỹ.
Bắt gặp phiên hiệu đặc biệt các sư đoàn phòng không chủ lực của Bộ như F365; F367, trung đoàn 210, 230, 280, 214, 222, 233 chốt giữ tại khu 4, tổ phóng viên nhận thấy tính chất quyết định, mức độ ác liệt của thế trận đối đầu với không quân Mỹ mà nay mai các anh sẽ chứng kiến, ghi hình, tường thuật bằng những thước phim sống động nhất.
Sau phiên họp ngày 15 tháng 12 năm 1971, Bộ Tư lệnh quân khu 4 thông báo không quân Mỹ sẽ tập trung đánh khu vực Vinh, Bến Thuỷ, sân bay Vinh, ga Vinh, Hà Tài và Nông Văn Tư quyết định xuống Ban chỉ huy cụm chiến đấu thành phố Vinh. Thiếu tá Trần Ngọc Ninh tiếp các nhà báo trong căn hầm cách phà Bến Thuỷ không xa đã không dấu nỗi lo ngại khi thông báo mục tiêu đánh phá của không quân Mỹ khốc liệt nhất sẽ là ga Vinh. Thế nhưng hơn mười ngày đầu tháng máy bay địch chỉ trinh sát và đánh thăm dò vùng phụ cận Vinh – Bến Thuỷ. Hà Tài và Nông Văn Tư chỉ quay được những hình ảnh ẵn sáng chiến đấu của các trận địa phòng không, mà chưa thu được vào ống kính khuôn hình máy bay Mỹ nổ nhào vào trận địa trong làn đạn đánh trả dũng mãnh của bộ đội cao xạ.
Thế rồi mặc cho Trung tá, chính uỷ Trần Sâm cân nhắc vì sự an toàn của nhà báo, Hà Tài và Nông Văn Tư vẫn xin được xuống trận địa đại đội 3, tiểu đoàn 15, trung đoàn pháo phòng khôn 280 đang chốt giữ ga Vinh.
Quả như lời của chính uỷ Trần Sâm, trận địa 57 ly đại đội 3 nằm phơi mình giữa bốn phía trống trải, rất dễ quan sát mục tiêu từ nhiều hướng nhưng lại là cái túi hứng bom và tên lửa của máy bay Mỹ. Sau khi hỏi đại đội trưởng phương án đánh tiêu diệt mục tiêu và hướng ném bom vào ga Vinh của không quân Mỹ, Hà Tài cùng Nông Văn Tư dạo quanh trận địa, tìm vị trí có góc quay rộng, thuận sáng bao quát toàn trận đánh. Dọc, ngang mấy vòng rồi các anh cũng chọn được “cao điểm đắc địa” nhưng cũng đồng nghĩa với khả năng đứng dưới tầm bom rơi. Thấy vị trí các anh chọn rất thuận hướng bổ nhào của máy bay địch, khẩu đội trưởng Phạm Tân châm chọc: “Mấy ông nhà báo mù tịt kiến thức quân sự”. Nông Văn Tư cười rồi xách vên đào hầm cho Hà Tài phóng viên quay phim và hầm cho mình quay phim phụ. Căn hầm vừa đủ độ sâu để không cản mất góc quay khi trận đánh xảy ra.
Đêm ấy, ngủ lại trong mái tăng trận địa trực chiến, không hiểu sao Nông Văn Tư kể cho khẩu đội trưởng về chuyện trở thành phóng viên quay phim, về sự hào phóng,mến khách của người Nùng quê anh và đặc sản chè Thái Tân Cương rồi gạo tám thơm Định Hóa, nơi có lán Khuôn Tát, Bác Hồ từng ăn nghỉ, làm việc suốt chín năm kháng chiến chống Pháp. Nông Văn Tư nhắc nhiều đến người mế (mẹ) thân yêu của mình. Anh bảo con gái Nùng rất đẹp, cần mẫn, chiều chồng nhưng anh chưa muốn lấy vợ vì còn phấn đấu có phim hay, đem về tận Đồng Hỷ chiếu cho dân bản xem. Một tâm hồn trong trẻo, giản dị, chân mộc dễ gần như suối ngàn Việt Bắc. Một nỗi lo cho người phóng viên trẻ trước hiểm nguy trận mạc cứ xâm chiếm giấc ngủ chập chờn của khẩu đội trưởng Phạm Tân.
Vào tám giờ sáng ngày 30 tháng 12 năm 1971, vùng trời Thành phố Vinh như bị xé nát bởi nhiều tốp máy bay F4, F8 và F105D, A37 từ các hướng lao vào đánh phá cùng lúc phá Bến Thuỷ, ga Vinh, sân bay Vinh một tốp khác tập trung trút bom bi, phóng Rốc Két xuống trận địa pháo cao xạ. Cả Thành phố hợp đồng giăng lửa từng thấp, từng cao đánh trả quyết liệt lũ giặc trời. Ở vị trí số hai, Nông Văn Tư quan sát mục tiêu chỉ hướng cho Hà Tài quay cận cảnh những thước phim nóng bỏng hiện thực mà hai anh mong đợi hơn nửa tháng phục kích. Theo tiếng hô chuẩn xác của Nông Văn Tư, Hà Tài quay được cảnh máy bay lao xuống trút bom và lưới lửa cao xạ 57 ly của đội 3 phóng lên sáng rực góc trời. Trong tiếng rú xé tai của lũ giặc trời, tiếng bom dội chát chúa, tiếng đạn cao xạ thình thình và khói bụi nhoà trận địa, pháo thủ đại đội 3 vẫn nhìn thấy dáng đứng đĩnh đạc, gan góc dưới tầm bom của hai nhà báo.
Trận đánh đang căng thẳng, bỗng có tiếng hô: “Địch ném bom bi vào trận địa”. Hà tài chợt nhói cánh tay lên phim. Trong quầng lửa và tiếng nổ lụp bụp bom bi, Hà Tài nhìn xuống đã bắt gặp Nông Văn Tư ôm hộp phim, vai đeo bình ắc quay dự phòng, toàn thên đỏ máu, lưng dựa vách hầm, cặp mắt vẫn mở to, nhìn thẳng hướng ga Vinh.
Ngày hôm ấy, không quân Mỹ phải trả giá bằng chính 9 chiếc máy bay bị bắn rơi, trong đó có 5 chiếc F4 rơi tại chỗ, một chiếc cắm xuống vùng ga Vinh, cách nơi hy sinh của nhà báo Nông Văn Tư chưa đầy 800 mét.
Gần bốn mươi năm trôi qua, ký ức trận đánh vẫn tươi rói trong câu chuyện của cựu lính cao xạ Phạm Tân. Ông chợt lặng đi khi nhắc tới tình huống hy sinh và câu nói bình thản của nhà báo Nông Văn Tư: “Cao điểm của người lính là cao điểm của chúng tôi”.
Vinh, tháng 12 năm 2010