Sống mãi với Thủ đô
Trong hào khí nghìn năm Thăng Long, càng rạng ngời hơn, vang vọng hơn bản hùng ca Hà Nội với gần nghìn ngày “Thủ Đô ta sục sôi đánh Mỹ…”
Ngược dòng thời gian chưa xa, bừng sáng cuộc đọ sức mất, còn của Hà Nội trước cuộc chiến tranh huỷ diệt Miền Bắc lần thứ nhất của Không quân Mỹ.
Tính từ chiếc máy bay phản lực F4C bị quân dân Hà Nội bắn rơi ngày 25 tháng 06 năm 1965, vì Hà Nội trái tim của cả nước, biết bao người con đã ngã xuống, trong đó có nhà báo Nguyễn Kôn, phóng viên quay phim Điện ảnh Quân đội nhân dân. Anh là nhà báo hy sinh đầu tiên trên mặt trận bảo vệ Thủ đô và hậu phương lớn miền Bắc. Tài sản duy nhất của anh nhà báo xứ Nghệ để lại là 3.000 thước phim chiến sự, góp vào kho tàng tư liệu lịch sử Điện ảnh Cách mạng, giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.
Sống động những thước phim chiến sự
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, rời quê hương Hưng Long, Hưng Nguyên, Nghệ An, Nguyễn Kôn nhập ngũ. Anh được quân đội gửi vào học trường Đại học sư phạm Hà Nội. Tốt nghiệp xuất sắc, Nguyễn Kôn trở thành giáo viên trường văn hoá quân đội Hiệp Hòa, Hà Bắc. Thế rồi như một cơ duyên, anh được điều về Điện ảnh quân đội cùng lứa với Nguyễn Đình Giảng, Trần Gia Định, Hà Tân, Trần Huy Châu.
Dưới mái ấm Điện ảnh quân đội, với vốn kiến thức vật lý vững vàng, chẳng bao lâu Nguyễn Kôn làm chủ phương tiện kỹ thuật, trở thành phóng viên quay chính. Thừa hưởng đức tính cần cù nhặt chữ của ông đồ Nghệ, Nguyễn Kôn bám sát nhà văn Hoàng Văn Bổn, Nguyễn Khải, học phương pháp xây dựng kịch bản phim và nghệ thuật đạo diễn bậc thầy Dương Minh Đẩu, Trần Quý, Lê Lâm, Nguyễn Kha.
Vào thời kỳ đầu xây dựng cơ sở vật chất, Điện ảnh Quân đội tiếp nhận tài liệu, thiết bị phương tiện dựng phim, máy quay, phim nhựa và cả hóa chất của Liên Xô, Hung Ga Ri, Cộng hòa dân chủ Đức. Nhờ vốn tiếng Nga, tiếng Anh phong phú Nguyễn Kôn trở thành người biên dịch đắc lực cho Điện ảnh Quân đội. Anh miệt mài khảo cứu từ điển kỹ thuật chuyển ngữ hàng nghìn trang tài liệu hướng dẫn sử dụng máy quay phim Lon vas, hóa chất rửa phim, công cụ, phương tiện dựng phim, lồng tiếng, cơ chế ứng dụng độ nhạy của mỗi loại phim tương ứng với môi trường ánh sáng. Với đội ngũ làm phim Quân đội những năm sáu mươi, phần đông “tay ngang” chưa qua trường lớp Điện ảnh, tài liệu chuyển ngữ của nhà giáo Nguyễn Kôn trở thành cẩm nang đầu đời vào nghề của người lính Điện ảnh.
Sau này, ở chiến trường B2, khi thành lập Điện ảnh Quân giải phóng miền Nam, tài liệu dịch của Nguyễn Kôn được sử dụng như giáo trình bồi dưỡng nghiệp vụ cho hàng trăm phóng viên quay phim từ Tây Ninh, Đông Nam Bộ tới Đồng bằng sông Cửu Long.
Sau sự kiện 05 tháng 08 năm1964, Không quân và Hải quân Mỹ ồ ạt, điên cuồng mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc. Mọi nếp sinh hoạt đời sống dường như bị xáo trộn, căng thẳng như sợi dây đàn. Điện ảnh Quân đội nhanh chóng chuyển trạng thái hoạt động sang thời chiến. Tất cả hướng ra mặt trận. Gấp gáp, lặng lẽ những chuyến đi sâu, đi xa về phía súng nổ liên hồi, bom rơi dậy đất. Những ánh nhìn thao thiết, gửi gắm kiên định, những cái ôm riết róng. Và không ít bàn tay chẳng bao giờ còn được nồng ấm trong rạo rực bàn tay đón đợi của đồng đội ngày về.
Còn nhớ Trần Gia Định có tới năm đợt vào chiến trường khu 5, bám chốt Quảng Ngãi. Nguyễn Đình Giảng, Trần Văn Trà mải miết vượt dốc Ba Thang, ngầm Ta Lê, đèo Phu La Nhích theo tuyến dây tải ba của Đoàn 559 vào tận Xa-Va-Na Khan. Nguyễn Khắc Thắng chàng trai quê Tân Sơn, Đô Lương ròng rã 6 tháng cuốc bộ mới tới Châu Đốc, An Giang, rồi Phan Văn Điển ngược Tây Nguyên, bám đội hình sư đoàn 320. Còn Nguyễn Kôn nhận lệnh vào mặt trận Trị – Thiên Huế làm phim tài liệu giữ đất, giành dân, mở rộng vùng giải phóng.
Giữa năm 1965, thời khắc Nguyễn Kôn vào chiến trường, Mỹ vừa đưa sang miền Nam 20 nghìn lính thuỷ đánh bộ và Ngụy quân Sài Gòn điều động sư đoàn 1 từ Đà Nẵng ra đàn áp phong trào nổi dậy ở Trị – Thiên Huế.
Từ Khe Hó, tây Vĩnh Linh, tổ làm phim phải cắt rừng, soi tuyến băng qua đường 9 đang nằm trong tầm kiểm soát gắt gao của Mỹ, Ngụy. Mọi tư trang gửi lại hậu cứ, ba lô dành gùi phim, bình ắc quy, dụng cụ đo sáng, máy quay và lương khô, túi cứu thương.
Dọc huyện Hướng Hóa, đường rừng qua A Cho, A Ven, Khe Bắc, Ba Lê đậm đặc mùi chất độc hóa học bọn Mỹ vừa rải thảm. Mưa ẩm ướt, nước nhễim chất Đi-ô-xin rời lả tả xuống áo quần, chảy len lỏi vào người ngứa ngáy mà khôgn dám tắm bởi khe suối cũng nổi váng chất độc da cam.
Bươn bả quăng quật gần nửa tháng theo giao liên vượt rừng, rồi tổ Nguyễn Kôn cũng tới xã Hương Thọ, huyện Hương Trà, Tây Thừa Thiên. Tỉnh uỷ Thừa thiên coi Hương Thọ là điển hình về bài học nổi dậy phá thế kìm kẹp, kết hợp đấu tranh chính trị, binh vận với khởi nghĩa giành dân, giữ đất, xây dựng làng chiến đấu vùng sát đồng bằng và đô thị. Chỉ với 30 Đảng viên, gần 40 chiến sĩ đội công tác vũ trang, tỉnh uỷ Thừa Thiên – Huế đã thổi bùng ngọn lửa đồng loạt nổi dậy bức Ngụy quân Sài Gòn rút đồn Bốn Tri, Hương Chữ, Hương Trà, kêu gọi hàng trăm binh sĩ Ngụy mang súng về với Cách mạng. Xã Hải Thuỷ trở thành căn cứ địa thứ 2, mở rộng vùng dân làm chủ tới huyện Phú Lộc, Phú Vang, Hương Thuỷ, giải phóng 76 thôn, giành 45.000 dân thoát khỏi thế kìm kẹp của Ngụy quân, Ngụy quyền Sài gòn. Từ vùng đất trắng cơ sở cách mạng, tỉnh uỷ Thừa Thiên đã thành lập 26 chi bộ Đảng, phát triển 185 đảng viên làm rường cột cho phong trào “Ba mũi giáp công”.
Nhận thấy đây là đề tài có tầm phổ biến sáng tạo phương pháp cách mạng giải phóng miền Nam ở vùng khó khăn nhất của Thừa Thiên, Nguyễn Kôn và Trần Trọng Hiền, Nguyễn Sáu chia nhau xuống cơ sở khai thác tư liệu, gặp gỡ ghi hình nhân vật điển hình.
Nguyễn Kôn xông xáo xuống các thôn Lương Miêu, Thác Hồ, Kim Ngọc, Thạch Hàn tìm hiểu bài học binh vận, đưa hàng trăm lính bảo an, dân vệ về với cách mạng. Hình ảnh cán bộ, đảng viên kiên trung bám đất, đánh giặc và bao người dân Vân Kiều ăn đói, mặc rách, nhạt muối vẫn một lòng theo cách mạng được Nguyễn Kôn mê mải, trân trọng ghi lại trong hàng nghìn thước phim sống động.
Sau chuyến đi B ngắn, Nguyễn Kôn và tổ làm phim người nào cũng hốc hác, da xạm đen nhưng bù lại các anh có được bộ phim tài liệu “Tập ảnh Thừa Thiên”. Bộ phim được đánh giá cao về chủ đề tư tưởng và nghệ thuật tả thực nhân vật, đoạt giải Bông sen Bạc tại liên hoan phim Việt Nam lần thứ nhất vào cuối năm 1967.
Nhường sự sống cho đồng đội
Từ 29 tháng 6 năm 1966 đến cuối năm 1967, Hà Nội chìm ngập trong khói bom, quầng lửa, đổ nát và chết chóc.
Không quân Mỹ thực hiện các chiến dịch “Sấm rền 52”, “Sấm rền 57” và “An pha”, sử dụng hàng nghìn lượt chiếc máy bay đánh phá Hà Nội. Vào thời điểm này Hà Nội có hơn 1 triệu dân, trước 9 ngày Mỹ dội bom xuống kho xăng Đức Giang, ga Yên Viên phố Triệt Việt Vương, Mai Hắc Đế… Hà Nội đã kịp đưa 50 vạn người sơ tán. Hà Nội vững tin để lại nội thành hơn 20 vạn người chiến đấu, phục vụ chiến đấu và bảo đảm nhịp sống thường nhật của một Thành phố có chiến tranh.
Cùng với bao nhiêu đồng nghiệp có mặt trên các trận địa bảo vệ Hà Nội, trái tim của cả nước, phóng viên quay phim Nguyễn Kôn đã tự chọn cho mình đề tài bao quát: “Hà Nội chiến đấu”l “Hà Nội sản xuất”, “Hà Nội chiến thắng”. Với chiếc máy quay Konvas nặng nề và túi ắc quy mang bên người, Nguyễn Kôn xông xáo, len lỏi tới trận địa tên lửa đoàn 263, đoàn cao xạ phòng không 367, tự vệ nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, nhà máy điện Yên Phụ, đại đội dân quân trực chiến Đông Anh, Gia Lâm. Trước ống kính máy quay Nguyễn Kôn, gương mặt quả cảm, đĩnh đạc của lực lượng phòng không tầm thấp, tầm trung, tầm cao đều được khắc họa chân thật, tương phản với khung cảnh tan hoang, đổ nát, hố bom cày lên hố bom quanh trận đia. Thủ pháp đặc tả nhân vật và sự kiện điển hình được Nguyễn Kôn khai thác, thể hiện sinh động trong mọi góc cạnh.
Trước ống kính nhạy cảm, rung động của Nguyễn Kôn ta bắt gặp một Hà Nội đánh Mỹ với vóc dáng thon thả, hào hoa của cô dân quân Vân Hà, Liên Khê, Xuân Nội vừa trực chiến vừa trồng lúa, trồng hoa. Một Hà Nội với cô tự vệ nhà máy phân lân Văn Điển “súng bên vai sao vuông đầu mũ”, dòn tan tiếng cười bên cộng sự đắp nổi bao cát tầng cao. Một Hà Nội buổi sáng phố Nguyễn Du dường như không có tiếng bom rơi, vẫn dòng người nối nhau xếp hàng mua báo háo hức đọc tin chiến thắng. Một Hà Nội với hệ thống loa truyền thanh chốc chốc lại dóng dả cất lên “Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Máy bay địch cách Hà Nội 50 cây số. Các lực lượng sẵn sàng chiến đấu”. Để rồi sau lúc báo yên lại ngân vang ca khúc “Bài ca Hà Nội” của nhạc sĩ Vũ Thanh “Ta đi trên đường Hà Nội rực rỡ chiến công… nghe nao nức trong lòng Thủ Đô ta sục sôi đánh Mỹ…”. Và một Hà Nội đau thương, căm giận bọn giặc lái Mỹ ném bom tàn sát khu dân cư Phúc Xá, giết chết 40 người trong đó có gia đình không sống sót một ai. Ống kính Nguyễn Kôn cận cảnh những vệt máu loang lổ trên cặp sách học sinh, vành nôi bị bom xé nát đã như lời tố cáo tội ác tột cùng của chiến tranh huỷ diệt trước lương tri loài người.
Mong có những thước phim nóng hổi chiến sự hào hùng về người Hà Nội đánh Mỹ, tạo lập niềm tin,hy vọng cho cả nước, cùng cả nước và bạn bè Quốc tế trong cuộc đối đầu lịch sử, Nguyễn Kôn không chỉ dồn hết tâm lực sáng tạo mà anh còn bình thản trước cận kề cái chết lơ lửng trên đầu.
Đồng nghiệp, đồng hương Nguyễn Đình Giảng bùi ngùi nhớ lại khoảnh khắc Nguyễn Kôn hy sinh. ấy là ngày 12 tháng 5 năm 1967 (mồng 4 tháng 4 âm lịch), đợt đánh phá thứ 5 dữ dội vào trung tâm và ngoại vi Hà Nội. Không quân Mỹ huy động 200 máy bay ném bom, phóng tên lửa Xa – Rai vào sân bay Nội Bài, cầu Đuống, cầu Long Biên, nhà máy điện Yên Phụ và đài phát sóng Mễ Trì. Chúng điên cuồng đánh páh 6 đợt đài phát sóng Mễ Trì hòng dập tắt tiếng nói Việt Nam. Nguyễn Đình Giảng trực tại trận địa phòng không khu vực Đê La Thành, Nguyễn Kôn, Nguyễn Mạnh Nhiễu bám trụ tại cụm pháo bảo vệ Đài phát sóng Mễ Trì và khu công nghiệp Thượng Đình.
Nhận biết ống kính tiêu cự của máy quay Konvas chỉ thu được hình ảnh 75m, Nguyễn Kôn bàn với phóng viên quay phụ leo lên nóc nhà cao tầng Trường Dân tộc nội trú Mễ Trì. Ở độ cao lý tưởng cho tầm quay góc rộng toàn cảnh nhưng chống chếnh, không một vật cản che chắn. Vừa chọn được vị trí quay, một tốp phản lực đã lao tới. mặt đất giăng lửa đạn tầm thấp, tầm cao bủa vây lũ giặc trời. Quay hết một cuộn phim, Nguyễn Kôn gọi Nguyễn Mạnh Nhiễu đưa tất cả KaSe đựng phim dự phòng cho mình rồi đẩy Nguyễn Mạnh Nhiễu vào vòm cầu thang tránh bom. Anh quát to khi thấy Nhiễu chần chừ, “Cậu vào đi lớ ngớ hai đưa dễ dính bom lắm. Mình có sao còn có cậu quay tiếp”. Lúc này trên người Nguyễn Kôn lỉnh khỉnh ắc quy, túi đựng phim, cả máy quay nữa kể như anh mang tới gần 15kg vật dụng. Quay vừa hết cuốn thứ hai, một quả bom bị rơi xuống nổ trùm kín vị trí Nguyễn Kôn đứng. Toàn thân anh nham nhở vết bom bi. Cả Kase đựng phim anh mang bên mình cũng lỗ chỗ viên bi xuyên thủng. Nguyễn Mạnh Nhiễu cùng dân quân trận địa Mễ Trì cõng anh tới trạm cứu thương. Nhưng vết thương quá nặng, Nguyễn Kôn vĩnh viễn ra đi trong vòng tay và nối tiếc thương của đồng đội. Ngày hôm ấy Hà Nội đánh lớn, thắng to bắn rơi vhiếc máy bay thứ 1600 trên Miền Bắc.
Đã 44 năm kể từ ngày anh ngã xuống và được Đảng bộ, Nhân dân Hà Nội chăm sóc hương khói tại nghĩa trang liệt sĩ Ngọc Hồi, tôi cần mẫn ngược không gian, thời gian chắp nối, tìm kiếm từng mẩu tư liệu về cuộc đời làm báo chiến sự đầy công tích của anh.
Bất chợ trong cao xanh Hà Nội ngân rung ca từ “…Khắp non sông âm vang rộn rã đây Thủ Đô là trái tim kiêu hãnh. Giữ lấy Thủ Đô thịt da máu xương ta…”. Anh Nguyễn Kôn ơi! Chính anh đã hóa máu xương giữ cho đất đai Thủ Đô – Thăng Long nghìn tuổi mãi tỏa sáng./.
Hà Nội, tháng chạp Canh Dần, 2010