Sớm xem xét, giải quyết chế độ chính sách cho một gia đình người có công
LÊ HÙNG KHOA
Nhiều năm qua, bà Nguyễn Thị Hồng Nhung (quê ở TP Đà Nẵng, hiện ngụ tại quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) đã bỏ công sức đi tìm kiếm, gặp gỡ các nhân chứng từng hoạt động cách mạng với ông nội, bà nội, chú ruột trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cứu nước. Sau khi đã gặp gỡ hàng chục nhân chứng, sưu tầm được nhiều tư liệu quan trọng, bà Nhung tìm đến các cơ quan chức năng với mong muốn được Nhà nước công nhận quá trình hoạt động cách mạng, giải quyết chế độ chính sách cho người có công, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Theo hồ sơ bà Nhung cung cấp, nhiều văn bản có chứng thực của địa phương và các cấp có thẩm quyền, ông nội bà Nhung là cụ Nguyễn Văn Biên (sinh năm 1908, tên thường gọi là Hai Ký) cùng bà nội là cụ Phạm Thị Ngân (thường gọi là Phạm Thị Biên, sinh ngày 19-2-1912) ngụ tại số 193-194 (số cũ) đường Phan Châu Trinh, phường Phước Ninh, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng. Trước năm1945, ông bà nội của bà Nhung đã tham gia LLVT thuộc Sư đoàn 305 của Liên khu 5, thực hiện các hoạt động bí mật, nằm vùng phục vụ cách mạng trong thời kỳ 1923-1945.
Khi giặc Pháp tái chiếm Đà Nẵng, chúng đã đốt nhà của gia đình và phát hiện 3 hầm bí mật là cơ sở nuôi giấu cán bộ hoạt động cách mạng trong nhà. Bị lộ, gia đình cụ Biên rơi vào cảnh ly tán. Cụ Biên chuyển vào Bồng Sơn, tỉnh Bình Định, tiếp tục phục vụ cách mạng trong vai trò tiếp tế, nuôi dưỡng và may áo trấn thủ cho các chiến sĩ nằm vùng. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, năm 1955, gia đình cụ Biên trở về Đà Nẵng tiếp tục hoạt động. Năm 1957, cụ Biên bị địch bắt giam vào nhà tù Bốt Con Gà đến năm 1960. Sau đó, được cấp trên điều động lên Đắc Lắc tiếp tục hoạt động và bị địch bắt giam tại nhà tù Buôn Ma Thuột. Tại đây, cụ Biên bị địch tra tấn dã man và hy sinh tháng 12-1964.
Còn cụ Phạm Thị Ngân đã tham gia công tácphụ nữ, cơ sở binh, địch vận, biệt động thành TP Đà Nẵng. Năm 1951, cụ Ngân tổ chức lựclượng đánh kho xăng dầu Shell của Pháp tại Nại Hiên, TP Đà Nẵng, phá hủy hàng triệu lít xăng dầu, tiêu diệt hơn 20 lính Âu Phi. Sau đó, tham gia tiếp tế cho các chiến sĩ cách mạng tại chiến khu, bị địch bắt và đưa vào nhà tù Buôn Ma Thuột, bị địch tra tấn, cụ hy sinh tháng 5-1962. Thành tích, sự đóng góp cho cách mạng của cụ Ngân được ghi lại rõ ràng trong các tư liệu: “Lịch sử Đảng bộ TP Đà Nẵng 1925-1954” (trang 202, 203-NXB Đà Nẵng năm 1996), “Phụ nữ Nam Trung Bộ trong sự nghiệp kháng chiến cứu nước 1930-1975” (trang 184-NXB Đà Nẵng năm 1999), “Lịch sử đấu tranh cách mạng phường Bình Hiên 1930-1975” (trang 56, 59, 63-NXB Đà Nẵng năm 2003), “Lịch sử Tự vệ biệt động Đà Nẵng” (NXB Đà Nẵng năm 2005), “Lịch sử đấu tranh cách mạng và xây dựng, phát triển quận Hải châu 1930-2005” (trang 86-NXB Đà Nẵng năm 2008), “Lịch sử Đảng bộ Quảng Nam-Đà Nẵng 1930-1975” (trang 319-NXB Chính trị quốc gia), “Lịch sử đấu tranh cách mạng phường Phước Ninh 1930-1975” (trang 59-NXB Đà Nẵng)…
Riêng chú ruột bà Nhung là ông Nguyễn Văn Hùng (sinh năm 1940), từng là chiến sĩ biệt động hoạt động ở địa bàn Tây Nguyên. Vào năm 1969, trong quá trình hoạt động cách mạng, ông Hùng bị địch bắt giam vào nhà tù Buôn Ma Thuột hai năm. Ra tù, ông Hùng tiếp tục hoạt động cách mạng và hy sinh tháng 1-1973 tại Đắc Lắc trong một trận chiến với địch. Kỷ yếu Tự vệ-Đặc công-Biệt động TP Đà Nẵng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975 có ghi lại thành tích hoạt động của ông Hùng.
Do chiến tranh và kẻ xấu lợi dụng xâm chiếm, khu nhà cũ của gia đình bà Nhung tại Đà Nẵng đã bị mất. Từ năm 2008 đến nay, bà Nhung lặn lội nhiều nơi để tìm thông tin về gia đình mình. Bà Nhung đã gặp hơn 20 nhân chứng từng hoạt động chung, biết rõ về quá trình sinh sống và thành tích hoạt động cách mạng của những người thân đã quá cố trong gia đình. Các nhân chứng đã xác nhận, cung cấp tương đối đầy đủ thông tin khẳng định những thành tích, đóng góp tích cực cho cách mạng của ông, bà nội và chú ruột của bà Nhung. Từ nhiều năm nay, bà Nhung đã gửi đơn đến các sở, ban, ngành liên quan tại TP Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Định, tỉnh Đắc Lắc… trình bày nguyện vọng mong Nhà nước xem xét, công nhận liệt sĩ cho ông nội, bà nội, chú ruột và xin một phần đất ở khu nhà cũ để làm nơi thờ tự dòng họ. Tuy nhiên, do trong thời kỳ chiến tranh, gia đình bà Nhung phải di tản đến nhiều địa phương nên những công văn trả lời của địa phương này lại đùn đẩy trách nhiệm cho địa phương kia. Sau khi gửi đơn, thư lên cấp Trung ương, ngày 31-12-2013, Trụ sở Tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước có Công văn số 5514/TDTW-CP gửi Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng, yêu cầu xem xét, giải quyết kiến nghị của bà Nhung theo thẩm quyền và quy định của pháp luật, trả lời bà Nhung và thông báo cho Thường trực Tiếp công dân Văn phòng Chính phủ biết kết quả theo quy định. Ngày 21-5-2014, Thanh tra Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có Phiếu hướng dẫn số 30114/HD-TTr và ngày 22-5-2014, Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương có Công văn số 1041/BTĐKT-CQĐD hướng dẫn bà Nhung đến gặp cơ quan chức năng của TP Hồ Chí Minh nhờ giải quyết.
Rất mong các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương và các địa phương: TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng, tỉnh Bình Định, tỉnh Đắc Lắc… xác minh, sớm giải quyết chế độ chính sách cho gia đình người có công đúng đối tượng, đúng qu
Nguồn : qdnd.vn