Du khách đến thăm Nhà truyền thống TNXP toàn quốc ở Ngã ba Đồng Lộc đều xúc động không cầm được nước mắt khi nhìn “nắm tóc thề” của Tiểu đội trưởng Võ Thị Tần gửi cho người yêu trước khi lên đường vào miền Nam chiến đấu…
Trong 10 cô gái bất tử tại Ngã ba Đồng Lộc chỉ có Tiểu đội trưởng Võ Thị Tần có người yêu. Giữa những ngày chiến tranh vô cùng ác liệt, Ngã ba Đồng Lộc bị bom đạn kẻ thù cày đi, xới lại cô vẫn nắn nót từng đường kim, mũi chỉ thêu gối chờ ngày chiến thắng về làm lễ cưới. Chiếc gối có bông cúc tần nép mình bên khóm trúc và hai câu thơ cải biên của Phan Cung Việt: “Vị cúc tần giữa vùng quê bình lặng/ Nơi chiến trường anh có phải hạt mưa xuân?”.
Nắm tóc thề của liệt sĩ Võ Thị Tần
Vào một ngày tháng 7, du khách dồn dập đổ về Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) thắp nén hương tưởng nhớ những người con không tiếc tuổi thanh xuân, hi sinh vì độc lập, tự do, thống nhất của đất nước. Tôi về xóm 5, thôn Tân Hạ, xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh gặp ông Nguyễn Việt Hồng, người yêu của liệt sĩ Võ Thị Tần tìm hiểu về một mối tình đẹp. Lặng lẽ đến trước bàn thờ Võ Thị Tần thắp nén hương, ông chậm rãi trải lòng: “Nếu không có cái ngày 24/7 định mệnh ấy thì chắc chúng tôi đã thành ông, thành bà rồi. Giờ tôi đã ngoài 70 tuổi nhưng không sao quên được Võ Thị Tần. Tần và tôi ở 2 xóm gần nhau. Chúng tôi quý mến nhau, thương nhau từ khi học cấp 2. Tần xinh gái, nước da trắng hồng. Ngày trước làm gì có son phấn như bây giờ, vậy mà khuôn mặt Tần lúc nào cũng như đánh một lớp phấn mỏng, cùng với đôi mắt bồ câu làm cho nhiều chàng trai đắm đuối. Nhưng Tần chỉ một mực thương yêu tôi, một chàng trai nhà quê, chân chất, thật thà. Tháng 10/1964 chúng tôi làm lễ ăn hỏi. Sau hôm ấy bà con nội, ngoại công nhận hai chúng tôi là vợ chồng. Nhà ngoại xem tôi là con rể. Gia đình tôi xem Tần là con dâu.
Làm lễ hỏi được một tháng thì tôi lên đường nhập ngũ, được đóng quân ba ngày ở thị trấn Nghèn. Trong ba ngày đó, sáng nào bố mẹ và Tần cũng đến chơi với tôi mãi đến 16 giờ chiều mới về. Chúng tôi thương nhau lắm. Nhiều lúc hai đứa muốn hôn nhau nhưng ông bà rất nghiêm khắc. Trong thời gian tìm hiểu, ông bà bắt ngồi trong nhà thắp đèn lên. Sau khi Tần mất tôi vô cùng ân hận. Cũng may trong thời gian đóng quân ở Nghèn hai đứa đưa nhau đi chụp ảnh. Nhờ vậy mà tôi mới có ảnh thờ Tần và ảnh gắn trên mộ ở nghĩa trang.
Đã ngót 50 năm nhưng tôi không sao quên lời dặn của Tần trước khi tôi lên đường vào miền Nam chiến đấu: “Anh không hoàn thành nhiệm vụ về là em không chấp nhận”. Và cô đưa cho tôi nắm tóc thề xoắn hình 2 trái tim gắn vào nhau. Cầm nắm tóc thề của Tần tôi xúc động vô cùng. Là người ít nói, nắm tóc thề Tần thay lời hẹn ước. Tôi nghẹn lòng không nói được gì. Đoàn quân xa dần, xa dần mà Tần vẫn đứng đó. Không ngờ đó là lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau”.
Vào chiến trường ông Việt Hồng tham gia chiến đấu ở Cồn Tiên, Dốc Miếu, Cửa Việt. Năm 1968 ông được điều ra chiến đấu ở đảo Cồn Cỏ, biết cuộc chiến đấu tại đảo sẽ vô cùng ác liệt, sợ không giữ được kỉ vật của người yêu, ông Hồng dùng ống liều phóng súng cối 60 li cho ảnh và nắm tóc thề vào đấy, lấy bao ni-lông quấn chặt nhiều lớp, chôn gần kho đạn của Trung đoàn, làm dấu cẩn thận để nếu còn sống khi trở về sẽ lấy lại.
Hơn nửa năm chiến đấu ở đảo ông luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được đơn vị cử ra Sơn Tây học Trường Sĩ quan Lục quân. Trước khi đi, ông đến nơi cất giấu kỉ vật, may mà nó vẫn còn. Trước mỗi trận đánh ác liệt, ông luôn nhớ lời dặn dò và nắm tóc thề của người yêu, nhờ đó tăng thêm nghị lực và sức mạnh. “Tần giúp tôi vững vàng hơn trước kẻ thù”, ông Hồng bộc bạch.
Chuẩn bị đi học, ông xin phép cấp trên được về nhà cưới vợ, nhưng bỗng nhận được tin sét đánh: “Tần ở nhà đi thanh niên xung phong, đã hi sinh ở Ngã ba Đồng Lộc, nơi chảo lửa, túi bom trên tuyến đường vận tải chi viện ra chiến trường”. Khóc đến cạn nước mắt, về nhà ông lập bàn thờ, thờ người vợ chưa cưới của mình. Họ hàng nhà ông xem liệt sĩ Võ Thị Tần như con dâu trong gia đình, các con ông đều gọi bà là mẹ. Hôm bốc mộ đưa bà Tần vào nghĩa trang, ông là người trực tiếp đưa hài cốt bà sang tiểu. “Không biết ở dưới suối vàng Tần có thấu cho tôi không? Chiến tranh đã cướp đi tất cả. Tôi mong Tần hiểu cho tấm lòng của tôi. Mong kiếp sau chúng mình được sống bên nhau”.
Với ông Nguyễn Việt Hồng, nắm tóc thề của người yêu là kỉ vật thiêng liêng nhất, luôn được cất giữ cẩn thận. Nhưng khi bà Đặng Thị Yến, Phó Giám đốc Khu lưu niệm Ngã ba Đồng Lộc đi lại rất nhiều lần xin về trưng bày ở nhà truyền thống, nể quá ông đành đồng ý. Xa kỉ vật của người thương, nhưng tình cảm ông dành cho người phụ nữ chưa một lần làm vợ vẫn vẹn nguyên trong trái tim người lính
Nguồn :Nguoicaotuoi.org.vn