Tháng 7 năm 1963, khi vừa 18 tuổi, cậu học sinh lớp 9G trường Phổ thông cấp 3B Hà Nội, Ngô huy Hoàng (8/3/1945 – 5/8/1964) đã xung phong đi bộ đội. Đầu tháng 6 năm 1964, Binh nhất Ngô Huy Hoàng tốt nghiệp xong trường Hàng Hải được điều về làm phụ lái chiến hạm X, Quân chủng Hải quân.
Qua gần 1 tháng thực tập, rèn luyện, đêm 12/7/1964 phân đội tàu của Hoàng ra khơi làm nhiệm vụ tuần tiễu bảo vệ biển đảo quê hương. Mặc ngày đêm mưa bão, dù rét mướt say sóng đến độ mang biệt hiệu “vua say”, Hoàng vẫn nhất định không buông rời tay lái ngay cả những lúc nôn ra máu và mật.
Đêm 30/7/1964 sau hơn nửa tháng tuần tiểu, đội tàu đã về tới vùng biển QK4. Gần cập bến thì đài quan sát phát hiện có tàu địch xâm phạm hải phận ta gần đảo Hòn Mê. Hạm trưởng phát lệnh báo động! Tàu địch đã nổ sung bắn lên đảo Hòn Mê! Hết sức căm giận trước hành động khiêu khích láo xược, chiến hạm mở hết tốc lực ra đuổi tàu địch. Tàu địch bỏ chạy, các chiến sĩ hải quân vẫn luôn cảnh giác, sẵn sàng đối phó với những âm mưu hành động mới của chúng. Ngày cũng như đêm, hạm tàu trong lệnh báo động vì tàu chiến Mỹ còn lảng vảng ngoài khơi.
Chiều 1/8/1964, đội tuần tiễu gặp khu trục hạm Ma-đốc giữa đảo Hòn Mê và cửa Lạch Trường. Tàu Mỹ nổ súng tấn công trước. Theo lệnh thuyền trưởng, Hoàng lái tàu chạy ngoắt nghéo tránh đạn nhanh chóng tiến gần tàu địch. Cả phân đội tàu tuần tiễu quây lấy chiếc khu trục hạm kẻ cướp Mỹ, cùng nổ súng mãnh liệt. Bọn giặc trên boong la hét, hoảng sợ, chạy tán loạn chui xuống hầm tàu. Khu trục hạm Ma-đốc trúng đạn bốc cháy phía mũi, lửa sáng loáng trên boong, khói đen mịt mù vội vàng tháo chạy. Đuổi xong tàu giặc, phân đội lại lên đường, băng qua sóng gió, tuần tiễu bảo vệ vùng biển quê hương.
Ngày 5/8/1964, phân đội trở về căn cứ. Vừa cập bến thả neo xong thì nhiều máy bay Mỹ từ phía Đông lao tới. Thuyền trưởng hạ lệnh phải nhổ neo thật nhanh. Trong tiếng gầm rú của máy bay phản lực, Hoàng dẫn tổ ra mũi tàu quay neo. Khi máy bay giặc bổ nhào bắn phá thì những vòng xích neo cuối cùng đã quay xong. Con tàu rẽ nước xa bờ, vừa chạy tránh đạn vừa bắn trả quyết liệt. Ngay những phút đầu, 1 phản lực Mỹ bốc cháy đâm đầu xuống biển. Không hề nao núng trước làn đạn máy bay, Hoàng chuyền đạn rất nhanh đến mâm pháo. Một mảnh rốc két văng vào bắp chân Hoàng, máu chảy lênh láng. Chưa kịp băng vết thương thì pháo hết đạn, Hoàng ráng hết sức chịu đau, khuân tiếp đạn – “phải xé xác chúng ra, phải bảo vệ được hạm tàu!” Lại thêm một vết thương vào cổ, Hoàng lảo đảo ngã xuống, hai tay dang rộng như ôm lấy hạm tàu, máu ở cổ chảy ra nhiều nhưng Hoàng cố ngẩng đầu ngước nhìn theo những loạt đạn bắn vào máy bay giặc. Trả thù cho Hoàng – đồng đội trút lửa căm hờn lên lũ máy bay kẻ cướp. Lại một phản lực Mỹ nữa phải đền tội. Máy bay địch bỏ chạy, đồng đội nhanh chóng băng bó rồi đưa Hoàng xuống xuồng chở vào bờ cấp cứu. Nhưng vào đến đất liền, Hoàng đã trút hơi thở cuối cùng. Đồng đội chỉ kịp báo tin: “Hạm tàu đã an toàn, 2 máy bay giặc đền tội”, Hoàng nở nụ cười vĩnh biệt.
Ngô Huy Hoàng được truy tặng Huân chương Chiến công hạng 3, để lại bao tiếc thương, cảm phục trong lòng đồng đội và gia đình. Khắp các trường học ở Thủ đô Hà Nội dấy lên phong trào học tập tấm gương chiến đấu dũng cảm của Ngô Huy Hoàng – 20 tuổi đời, hơn 1 tuổi quân, người liệt sĩ đầu tiên của Hà Nội trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại Miền Bắc của giặc Mỹ. Mộ chí của liệt sĩ Ngô Huy Hoàng hiện nay ở Nghĩa trang Xuân Phương, Hà Nội.
Nhân kỷ niệm 50 Hải quân chiến thắng trận đầu và 50 năm ngày hy sinh của liệt sĩ Ngô Huy Hoàng, tôi một người đồng chí, một người em xin viết lại những dòng này như một nén tâm nhang nhớ về anh – sống mãi tuổi 20.
Hà Nội ngày 18/7/2014