Anh ngã xuống trong “trận đầu đánh thắng”
QUỲNH LINH
Những ngày này, có một câu chuyện được nhắc đến nhiều ở Trung đoàn Pháo Phòng không 280-Đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân và trở đi trở lại trong gia đình bà Phan Thị Lan, ở cả Nghệ An và Hà Nội, dù thời gian diễn ra đã ngót 50 năm…
Di ảnh liệt sĩ Phan Đăng Cát. Ảnh do đơn vị cung cấp |
Câu chuyện bắt đầu vào lúc 10 giờ 43 phút, ngày 5-8-1964, khi ấy ở Đại đội 138 của Trung đoàn 280 đang chuẩn bị cho bộ đội ra ngoài doanh trại theo chế độ quy định. Còn Trung sĩ Phan Đăng Cát vừa được đơn vị cho nghỉ phép. Khi anh đã nhận giấy nghỉ và tiêu chuẩn quà, sắp đặt ba lô xong, đang chuẩn bị về quê, nơi có người vợ mới cưới đang ngóng chờ, thì bất ngờ có tiếng kẻng báo động…
Tin khẩn: Máy bay địch đã tấn công vào một số mục tiêu của thành phố Vinh, như: Cảng Bến Thủy, kho xăng Hưng Hòa, trận địa pháo phòng không… Ngay lập tức, Phan Đăng Cát bỏ ba lô, lao ra trận địa. Chỉ sau 30 phút, Đại đội pháo của Phan Đăng Cát cùng dân quân tự vệ các xã: Hưng Hòa, Hưng Thủy đã làm nên chiến công. Hai chiếc A.4D đã bị hạ. Phán đoán máy bay địch sẽ mở đợt oanh kích mới, Phan Đăng Cát báo cáo đơn vị được đi phép sau. Anh mang quà phép chia cho đồng đội ăn mừng chiến thắng.
Và ngày hôm đó, dù liên tiếp bị thương nhưngTrung sĩ Phan Đăng Cát đã cùng đồng đội chiến đấu quên mình 3 trận liền. Cuốn lịch sử của Trung đoàn còn ghi: “Trên trận địa Xuân An, đồng chí Nguyễn Văn Sa, Đại đội trưởng Đại đội 138 lệnh cho đơn vị bắn khi địch còn cách trận địa 6km, phá tan đội hình tốp đi đầu. Vừa bắn được loạt đạn thứ nhất, một mảnh rốc-két găm vào cánh tay khiến Khẩu đội trưởng Phan Đăng Cát bị thương. Anh nhanh chóng tự băng vết thương, tiếp tục chỉ huy khẩu đội. Lần thứ hai, một mảnh đạn xuyên vào đùi khiến Phan Đăng Cát đứng không vững, anh tựa lưng vào thành công sự tiếp tục chỉ huy và động viên khẩu đội. Lần thứ ba, một quả rốc-két nổ cạnh công sự, một mảnh đạn găm vào bụng khiến Cát bị thương nặng. Anh ôm chặt vết thương ở bụng, miệng hô lớn: Tiếp tục chiến đấu bảo vệ quê hương Bác Hồ, quyết đánh đến cùng! Hai pháo thủ trong khẩu đội là Thời và Bửu cũng bị thương nhưng không một ai rời vị trí. Kết thúc trận đánh, cả khẩu đội xúm lại đỡ Phan Đăng Cát nằm trên nền công sự. Vì ba vết thương quá nặng, máu ra nhiều nên Phan Đăng Cát đã anh dũng hy sinh ngay trên trận địa quê hương…”.
Một buổi diễn tập của Trung đoàn Pháo Phòng không 280. Ảnh: Lê Văn Long |
Liệt sĩ Phan Đăng Cát sinh ngày 8-4-1941, nhập ngũ ngày 20-2-1961, là con thứ ba trong gia đình có 7 anh chị em ở thôn Trung Mỹ, xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Khi hy sinh anh là Trung sĩ, Khẩu đội trưởng Khẩu đội 8, Trung đội 2, Đại đội 138. Câu chuyện về lòng quả cảm của liệt sĩ, Khẩu đội trưởng Phan Đăng Cát là một phần trong chiến công đánh thắng trận đầu của Trung đoàn 280, Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng không – Không quân. Anh là một trong những hiện thân của tinh thần chính trị tiêu biểu mà trung đoàn tiếp tục phấn đấu, tiếp nối trong suốt mấy chục năm qua. Đồng đội của liệt sĩ Cát-bác Hoàng Thước, nguyên là Tham mưu trưởng Trung đoàn Pháo phòng không 280, từng nhận xét rằng: Tấm gương của Phan Đăng Cát đã tiếp thêm sức mạnh cho anh em chiến sĩ trong đại đội để bắn rơi thêm một chiếc máy bay Mỹ.
Ngày 5-8-1964 là ngày mất của liệt sĩ Cát đã đi vào lịch sử với trận đánh đặc biệt. Đặc biệt, ngay từ cảm giác “lần đầu nghe tiếng động cơ phản lực, lần đầu nhìn thấy hình thù máy bay hải quân Mỹ trong kính ngắm”, nhưng tất cả cán bộ, chiến sĩ đã vượt qua sự lúng túng ban đầu, lao vào trận đánh với sự dũng cảm và tinh thần xả thân vì Tổ quốc. Và họ đã chiến thắng với thành tích bắn rơi 3 máy bay địch ngay trong ngày đầu tiên đế quốc Mỹ mở cuộc tiến công bằng không quân vào miền Bắc Việt Nam. Với chiến công đó, Trung đoàn 280 được tặng thưởng hai huân chương Quân công cho Trung đoàn và Đại đội 138, hai huân chương Chiến công hạng nhất cho Đại đội 71 và 73, hai huân chương Chiến công hạng ba cho Đại đội chỉ huy và Trung đội 74. Ngoài ra, còn được tặng 9 huân chương Chiến công cho cán bộ, chiến sĩ có thành tích chiến đấu và phục vụ chiến đấu của Trung đoàn…
Chính ủy Trung đoàn, Thượng tá Phùng Xuân Anh cho biết: Hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống “Đánh thắng trận đầu”, Trung đoàn đã tổ chức phát động phong trào thi đua “50 ngày hành động cách mạng” thời gian từ 16-6-2014 đến 5-8-2014. Trung đoàn bộ và các đơn vị đã xây dựng được 5 công trình chào mừng có ý nghĩa thiết thực phục vụ đời sống sinh hoạt, công tác của bộ đội với trị giá là 6,5 triệu đồng.
Trong dịp kỷ niệm Ngày truyền thống “Đánh thắng trận đầu” năm nay, Khẩu đội trưởng Phan Đăng Cát sẽ lại trở về như vừa mới hôm qua trong tâm trí đồng đội, hay từ những tác phẩm tự biên của chính cán bộ, chiến sĩ của đơn vị cũ như hoạt cảnh thơ “Người anh hùng Phan Đăng Cát”… Vừa qua, Trung đoàn và các cấp có thẩm quyền đã hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Phan Đăng Cát. Nếu nguyện vọng trên đây được thực hiện, sẽ là nguồn động viên lớn không chỉ đối với gia đình liệt sĩ mà còn là niềm vinh dự, tự hào của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ toàn đơn vị!