Liệt sĩ Nguyễn Đình Xô – Một trái tim rực lửa
TRỊNH DŨNG-MẠNH THẮNG
Chúng tôi trở lại vùng quê Lạc Vệ, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh vào một ngày tháng tám. Đây là quê hương của liệt sĩ Nguyễn Đình Xô, người chiến sĩ cách mạng bị địch bắt đày ra Nhà tù Phú Quốc. Với hàng chục lần bị tra tấn dã man, tàn bạo của kẻ thù, Nguyễn Đình Xô vẫn không nửa lời khai làm lộ tổ chức. Anh đã hiên ngang bất khuất trước nanh vuốt kẻ thù cho đến khi trút hơi thở cuối cùng lúc tuổi đời con rất trẻ.
Tuổi 20 nhiệt huyết
Bà Nguyễn Thị Lư, người yêu của liệt sĩ Nguyễn Đình Xô, bồi hồi xúc động kể về thời tuổi trẻ: “Tôi và anh Xô đã hứa hôn với nhau trước khi anh ấy lên đường nhập ngũ. Tình yêu của chúng tôi ngày ấy trong sáng lắm. Anh Xô là Bí thư chi đoàn, còn tôi là đoàn viên. Anh Xô dạy tôi học, hướng dẫn đoàn viên, thanh niên làm bèo hoa dâu, lấy lá cây băm nhỏ làm phân xanh để bón ruộng. Nhờ sự gương mẫu đi đầu của anh Xô mà phong trào thanh niên của thôn luôn dẫn đầu toàn xã. Sau những ngày lao động mệt nhọc, hai đứa thường hẹn hò bên lũy tre làng, nơi bóng trăng lấp loáng mặt hồ, ngồi bên nhau bàn chuyện tương lai. Nhưng rồi chiến tranh… đã không cho chúng tôi được tương phùng”.
Ngày 13-9-1965, Nguyễn Đình Xô tình nguyện nhập ngũ. Anh được biên chế về Đại đội 6, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 88, Sư đoàn 308, Quân đoàn 1. Sau 3 tháng huấn luyện, ngày 31-12-1965, Nguyễn Đình Xô cùng đồng đội hành quân vượt Trường Sơn vào chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên.
Ông Vũ Văn Tăng, người cùng nhập ngũ, cùng đơn vị với liệt sĩ Nguyễn Đình Xô kể lại: “Đến chiến trường Tây Nguyên, chúng tôi tiếp tục huấn luyện, theo dõi tình hình địch và sẵn sàng chiến đấu. Thời tiết ở Tây Nguyên vô cùng khắc nghiệt, vắt rừng nhung nhúc, muỗi như vỏ trấu, nhiều đồng chí bắt đầu bị sốt rét hành hạ. Vài tháng sau, đơn vị chúng tôi bước vào các trận đánh. Tháng 8-1966, trong một trận chiến đấu không cân sức giữa ta và địch tại Đức Vinh-Gia Lai, Nguyễn Đình Xô bị thương gãy cánh tay phải, anh ngất đi và bị địch bắt”.
Quân địch đưa anh về giam ở Plei-cu, chúng tra tấn nhằm khai thác phiên hiệu đơn vị, địa điểm trú quân và bắt Xô phải khai nhận là quân đội Bắc Việt xâm lược miền Nam. Sau nhiều ngày tra tấn dã man, địch không khai thác được gì ở anh, chúng đành chuyển anh qua Nhà tù Vùng III chiến thuật, Nhà tù Biên Hòa, đến tháng 10-1967, Nguyễn Đình Xô bị đày ra Nhà tù Phú Quốc. Anh bị chúng giam ở trại A3, rồi chuyển qua trại phân khu B5.
Cực hình tra tấn và hành động anh hùng
Thoát khỏi Nhà tù Phú Quốc, Nguyễn Đình Xô được tổ chức bí mật bầu làm Bí thư chi đoàn và anh tiếp tục vận động đấu tranh với địch. Ông Vũ Văn Kim, cựu tù Phú Quốc nhớ lại: “Đó là ngày 7-3-1969, bọn cai tù vin cớ vô lý bắt Nguyễn Đình Xô cùng hai anh nữa đưa ra phòng điều hành khu A3 đánh đập, bắt phải khai ra tổ chức bí mật, người cầm đầu cuộc đấu tranh. Thượng sĩ Hớn, giám thị trưởng trại A3; trung sĩ Xuất, trung sĩ Bảnh giám thị viên và một vài quân cảnh trực tiếp tra tấn các anh cực kỳ dã man. Chúng xiềng tất cả lại, lột hết quần áo, vừa búng, vừa dùng cật nứa phật mạnh vào hạ bộ. Chỉ một cái búng, mặt Xô biến sắc, da tái nhợt, tiếp cái thứ hai Xô há hốc mồm, cái thứ 3 thì anh ngất xỉu, người mềm nhũn lăn ra nền nhà. Tên Bảnh ra ngoài dùng mũ sắt múc nước lạnh đổ vào người, đợi Xô tỉnh hẳn lại tra hỏi, lại búng, lại phật… Anh em trong trại A3 cách phòng điều hành chừng 20-25m, thấy nước đổ lênh láng tràn cả ra bên ngoài, đoán là các anh bị tra tấn dã man nên mọi người đổ cả ra sân đả đảo đòi chấm dứt ngay hành động đánh đập vô cớ tù nhân, buộc chúng phải trả ngay các anh về trại. Các anh bị tra tấn gây thương tích nặng không đi được, phải cử người khiêng về, cả ba người mình mẩy ướt sũng, tóc tai rũ rượi, tái nhợt. Bọn chúng đã không lấy được một lời khai nào từ các anh. Ít ngày sau đó, có phái đoàn Hồng Thập Tự ra đảo, Nguyễn Đình Xô và chúng tôi đã thẳng thắn tố cáo hành động tra tấn dã man của bọn cai ngục. Cả phái đoàn sửng sốt đến căm phẫn. Họ hứa sẽ can thiệp và lên án ngay.
Từ trái sang: Các ông: Vũ Văn Kim, Lê Hữu Thiều, Vũ Văn Tăng là bạn chiến đấu, bạn tù Phú Quốc với liệt sĩ Nguyễn Đình Xô kể lại hành động anh hùng của liệt sĩ Nguyễn Đình Xô.
|
Thời gian trôi đi không một phút bình yên, cả đảo tù ngày đêm quằn quại, đói rách, đòn roi, súng đạn của quân thù, vết thương tra tấn chưa lành thì ngày 12-4-1969, khoảng 9 giờ sáng, ngoài cổng trại giam, một chiếc xe jeep chở 5-6 tên quân cảnh, áo giáp, dùi cui, mù cay đeo đầy người, lưỡi lê tuốt trần, giữa lòng xe là một khẩu đại liên sẵn sàng nhả đạn chờ sẵn để áp tải tù nhân di chuyển ngoài trại giam. Mọi người nhốn nháo chờ đón tin chẳng lành. Danh sách 12 tù nhân đủ họ tên, số tù, số phòng, quê quán được phòng nhì đòi phải có mặt sau vài phút. Nguyễn Đình Xô có tên trong danh sách. Ông Kim nhớ lại: “Lúc ấy, tôi vội đi tìm Xô để dặn dò anh cẩn thận nhưng Xô đã biết. Gặp Xô tôi chưa nói gì, anh đã cười và nghiêm giọng: “Tôi đi lần này là đi hẳn. Cũng không hy vọng về trại nào khác đâu. Về phần tổ chức, tôi đã trao đổi với đồng chí Hùng, đồng chí ấy hiện là phó bí thư chi đoàn, từ nay sẽ là bí thư thay tôi. Anh biết vậy để có sự liên hệ trao đổi. Tôi đã trao lại cho anh ấy cái áo tù có chữ TP ở sau lưng gọi là lành lặn hơn để mặc giữ gìn sức khỏe còn tiếp tục đấu tranh. Cái áo cũng tạm cho là kỷ vật cuối cùng của tôi. Còn về “đồng hương” nếu còn sống sót trở về thì nhắn giùm quê hương Lạc Vệ-Tiên Sơn và gia đình rằng: Nguyễn Đình Xô này quyết giữ trọn lời hứa trước lúc lên đường chiến đấu. Với Lư-bạn gái tôi, ngày ra đi chúng tôi mới chỉ trầu cau dạm ngõ, trót nặng lời thề hẹn ngày chiến thắng thì bảo hộ cô ấy rằng: “Bạn anh về cũng như anh đã về. Thôi đành lỗi hẹn, mong cô ấy hạnh phúc”.
Ông Nguyễn Văn Thuận, một trong 12 tù nhân bị tra tấn may mắn sống sót không thể quên những giây phút đau đớn ấy: “Tất cả chúng tôi bị chúng đánh đập vô cùng tàn bạo. Riêng anh Xô, bọn cai ngục đặc biệt chú ý, vì chúng biết anh là một chiến sĩ cách mạng, là đoàn viên ưu tú và là người gốc Bắc. Tên Thiếu úy Đỗ Văn Long người dân Bùi Chu Phát Diệm, đi lính cho Pháp rồi di cư vào Nam. Long là tên giám thị khét tiếng Trại giam Phân khu 5 Nhà tù Phú Quốc đã trực tiếp tra tấn Nguyễn Đình Xô. Chúng dùng còng số 8 khóa chân tay Xô vào chân bàn và ghế, dùng những chiếc đinh ghim dài 2 đến 3cm lần lượt đóng từng chiếc vào các đầu ngón tay của Xô. Chiếc thứ hai, thứ ba, rồi thứ tư… cứ mỗi lần đóng đinh vào một ngón tay chúng lại hỏi: “Có phải mày là lãnh đạo Đảng Cộng sản trong nhà tù không?”. Nguyễn Đình Xô cắn răng chịu đựng và chỉ trả lời một từ “không”.
Trước thái độ kiên quyết của Nguyễn Đình Xô, tên Long vô cùng tức tối, hắn mở khóa còng tay rồi đưa chiếc kìm bắt anh tự rút từng chiếc đinh ghim trên 10 đầu ngón tay. Không do dự, Nguyễn Đình Xô thản nhiên cầm kìm rút từng chiếc đinh ghim ra. Máu từ các đầu ngón tay anh chảy ra lênh láng. Tên đao phủ Long túm tóc dúi đầu Nguyễn Đình Xô vào vũng máu bắt anh liếm và cười khẩy: “Cho mày ăn tiết canh”. Nguyễn Đình Xô lặng lẽ cúi xuống rồi bất ngờ ngẩng lên phun cả máu và nước bọt vào mặt hắn. Không khai thác được gì ở người tù binh cộng sản Nguyễn Đình Xô, tên Long đã giở ngón đòn hèn hạ cuối cùng… Hắn dùng đinh 8cm đóng vào mắt cá chân, anh Xô giãy giụa và ngất đi. Sau đó, chúng bỏ anh vào chiếc bao bố buộc túm lại, chúng đun nước sôi, múc từng gáo giội lên cơ thể anh. Nguyễn Đình Xô quằn quại đau đớn. Anh lấy hết sức bình sinh chửi thẳng vào mặt tên Long và bọn cai ngục: “Chúng mày là quân sát nhân, quân chó săn bán nước…”. Mỗi gáo nước giội lên cơ thể anh chúng lại hỏi, lại tra khảo, anh vẫn một mực không khai, không kêu ca. Khi chúng giội đến xoong nước thứ ba lên đầu anh cũng là lúc Nguyễn Đình Xô trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 24 tại địa ngục trần gian-Nhà tù Phú Quốc.
Gương anh sáng mãi
Ngay sau khi liệt sĩ Nguyễn Đình Xô hy sinh, tổ chức giao nhiệm vụ cho đồng hương Hà Bắc sưu tầm và tập hợp nội dung về đồng chí Xô để toàn trại và cả đảo tù học tập noi gương anh. Đảng ủy nhà lao đã công bố kết nạp Đảng cho đồng chí Xô ngay từ khi anh báo cáo vĩnh biệt tổ chức. Và đúng ngày 15-4-1969, tức là sau 4 ngày anh hy sinh, Đảng ủy quyết định đặc cách chuẩn y chính thức cho đảng viên mới Nguyễn Đình Xô. Noi gương liệt sĩ Nguyễn Đình Xô, cả trại, cả đảo tù ngày đêm sôi sục đấu tranh quyết liệt với kẻ thù đòi dân sinh, dân chủ, chống đánh đập và giết hại tù nhân cho đến ngày toàn thắng.
Đã 45 năm trôi qua, liệt sĩ Nguyễn Đình Xô ngã vào lòng đất mẹ với khí phách hiên ngang, bất khuất. Đồng đội, gia đình, người thân đều lấy gương anh học tập, rèn luyện, tu dưỡng… Tuy nhiên, đồng đội cùng chiến đấu, những người bạn tù còn sống trở về và đặc biệt là chính quyền địa phương vẫn mong mỏi một ngày nào đó, liệt sĩ Nguyễn Đình Xô được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Ông Trần Công Thế, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Năm 2009, đã có 25 bài tham luận của các cựu chiến binh trong và ngoài tỉnh nói về thành tích của liệt sĩ Nguyễn Đình Xô trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh đã có Công văn số 787/CV-TU ngày 13-9-2009 về việc truy tặng khen thưởng thành tích cho liệt sĩ Nguyễn Đình Xô. Hội cựu chiến binh tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương đã hoàn tất thủ tục, hồ sơ”.