Hà Huy Tập – Người Cộng sản kiên trung
Hà Huy Tập sinh ngày 24 tháng 4 năm 1906, tại làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, một vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Hồi nhỏ, ông học chữ Hán được mấy năm, sau đó chuyển sang học quốc ngữ. Năm 1923, Hà Huy Tập tốt nghiệp Cao đẳng Tiểu học tại Huế và được bổ nhiệm làm giáo viên tiểu học tại Nha Trang. Sau đó ông về dạy Trường Tiểu học Cao Xuân Dục ở Vinh.
Năm 1925, ông gia nhập Hội Phục Việt (sau là Hội Hưng Nam). Là một người có học thức nên Hội giao cho ông trọng trách làm đơn gửi đến toàn quyền Đông Dương đòi ân xá cho nhà yêu nước Phan Bội Châu.
Hội Hưng Nam chủ trương mở lớp dạy chữ quốc ngữ ban đêm cho thanh niên, công nhân trong thành phố. Học viên đến học ngày càng đông, thấy vậy chính quyền thực dân lo sợ tìm đủ mọi cách kìm chế dọa dẫm để giải tán các lớp học. Trước tình hình đó, Hà Huy Tập vẫn bình tĩnh, kiên trì giữ lớp, dạy học. Dọa dẫm không được, chính quyền thực dân Pháp ra lệnh giải tán lớp học và đổi ông lên miền núi Quỳ Châu. Hà Huy Tập quyết không chịu nên bị cách chức.
Năm 1927, Hà Huy Tập được Hội Hưng Nam phái vào Nam Kỳ hoạt động, tại đây ông đã móc nối với các tù chính trị lập ra kỳ bộ Hội Hưng Nam đặt nền móng đầu tiên cho hội ở Nam Kỳ.
Năm 1928, Hội Hưng Nam đổi tên thành Tân Việt cách mạng Đảng, sau đó năm 1929 Tổng bộ Đảng Tân Việt cử ông và ông Phan Đăng Lưu sang Quảng Châu, Trung Quốc để nối lại liên lạc với Hội Việt Nam cách mạng thanh niên.
Lúc này vấn đề hợp nhất các tổ chức Cộng sản thành một Đảng duy nhất là cấp thiết hơn bao giờ hết. Hà Huy Tập đã tích cực hoạt động theo hướng này. Sau đó ông được cử sang Liên Xô học ở Trường Đại học Phương Đông, được trang bị Chủ nghĩa Mác – Lê nin, ông càng khẳng định con đường mình đi là đúng đắn.
Năm 1933, ông sưu tập tư liệu và viết tập “Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản Đông Dương” bằng tiếng Pháp. Có thể nói, đây là một luận văn chính trị được trình bày một cách khoa học và sâu sắc, có sức thuyết phục cao. Ông là người đầu tiên viết lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam.
Năm 1934, ông cùng với đồng chí Lê Hồng Phong và một số cán bộ cách mạng khác lập ban lãnh đạo của Đảng ở nước ngoài nhằm khôi phục tổ chức của Đảng sau cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ nhất (ngày 26/7/1936), ông được bầu làm Tổng Bí thư. Cũng tại Hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương đã bổ sung các nghị quyết của đại hội đại biểu năm 1935 cho phù hợp với thời kỳ mới.
Khi xong công việc, đồng chí Hà Huy Tập chuyển cơ quan Trung ương Đảng về Bà Điểm – Hóc Môn (Sài Gòn) để lãnh đạo phong trào cách mạng.
Ngày 14/7/1938, ông bị mật thám Pháp bắt tại Sài Gòn nhưng không có bằng chứng, chúng chỉ áp đặt cho ông mấy tháng tù sau đó trục xuất về quê.
Ngày 30/3/1940 địch lại bắt ông đưa vào giam tại khám lớn Sài Gòn.
Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra và thất bại, địch đã xử án hàng trăm người yêu nước, trong đó có những người con ưu tú của dân tộc.
Mặc dù lúc này Hà Huy Tập đang bị giam cầm nhưng thực dân Pháp lấy cớ ông có trách nhiệm chính trị về cuộc khởi nghĩa này nên đã xử ông án tử hình cùng với một số đồng chí củaoong tại Hóc Môn ngày 26/8/1941.
Khi ấy, Tổng Bí thư Hà Huy Tập mới 35 tuổi, cái tuổi đang độ chín của một nhà chính trị trẻ trung nhưng hết lòng vì lý tưởng cao cả cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Trước tác của cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập bao gồm 14 bài viết và văn kiện, 20 tác phẩm sách và báo đã cho thấy trí tuệ uyên thâm, bản lĩnh vững vàng, tài lãnh đạo xuất sắc của ông. Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử đánh giá đồng chí Hà Huy Tập là người đầu tiên tổng kết lịch sử Đảng Cộng sản Đông Dương, người đầu tiên gọi phong trào nông bộ ở Nghệ Tĩnh là Xô Viết Nghệ Tĩnh. Ông cũng là người góp phần tạo nên thành công của cao trào cách mạng dân tộc dân chủ giai đoạn 1936-1939, người đã vực lại các tổ chức cơ sở Đảng bị phá vỡ sau cao trào 1930-1931.