Đã ở cái tuổi 70, sức khỏe cũng thất thường như mưa nắng nhưng ký ức về người em trai dường như đã hóa thạch trong tâm trí ông Đầu Tiên Sinh. Ông kể, cuối năm 1972, khi đang ở chiến trường Quảng Trị (ông Sinh là pháo thủ Trung đoàn 230, Sư đoàn 367-P.V) thì được tin cậu em trai Đầu Văn Minh, năm đó mới 17 tuổi, đã lên đường nhập ngũ.
Đầu Văn Minh sinh năm 1955, tại xã Cao Đại, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, nhập ngũ cuối năm 1972.
Tháng 8-1973, ông Sinh được về phép thăm gia đình. Đúng dịp này, anh Minh cũng vừa kết thúc đợt huấn luyện và được nghỉ phép trước khi lên đường đi B. “Năm ấy, nước sông Hồng lên to, hai anh em tôi còn đi đánh cá, đi vớt củi trên sông. Thuyền bị đắm trong đêm nhưng may mắn cả hai anh em vẫn bơi được vào bờ”-ông Sinh nhớ lại.
Sáng 31-8-1973, sau bữa cơm đông đủ cả gia đình, ông Sinh một mình tiễn em trai lên ga Bạch Hạc để lên đường vào Nam chiến đấu. Cùng đi với anh Minh hôm đó còn có anh Lê Xuân Lợi, người cùng thôn, cùng đơn vị. Suốt đoạn đường 5 cây số đi bộ, ông Sinh chỉ biết dặn em cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Ông sinh bảo: “Lúc ấy, cả tôi và Minh đều không ai nghĩ rằng, đấy là lần cuối cùng hai anh em được gặp nhau”. Bởi lẽ, mấy tháng sau khi ông Sinh trở lại chiến trường Quảng Trị, ông vẫn còn nhận được một lá thư của anh Minh.
Dù lá thư đó đã không còn nhưng từng câu từng chữ mà người em trai viết thì ông vẫn nhớ như in. Ông kể, đấy là một lá thư viết trên giấy học trò mà Minh gọi là “lá thư viết vội trên đường hành quân”. Trong thư, Minh viết: “Chúc anh sức khỏe, bắn rơi nhiều máy bay, hẹn ngày chiến thắng trở về gặp nhau. Tái bút: Phô tin để anh biết, em được giao nhiệm vụ ôm bộc phá đánh hàng rào cửa mở”. Đọc xong lá thư của người em trai, mắt ông Sinh như nhòa lệ thương em vì với bao năm lăn lộn trên chiến trường, ông biết, những chiến sĩ được giao nhiệm vụ ôm bộc phá đánh hàng rào cửa mở đều khó tránh khỏi hy sinh.
Những dự cảm đau đớn ấy ai ngờ đã trở thành sự thực. Ông Sinh kể, cuối năm 1974, ông bị thương nên được ra quân. Trở về địa phương, thấy gia đình bảo, lâu nay không thấy anh Minh viết thư về, ông Minh bèn viết thư cho người em trai. Mang lá thư đến bưu điện tỉnh, ông Sinh gặp ông Tiết, anh họ anh Lê Xuân Lợi. Ông Tiết hỏi: “Đi đâu đấy?”. Ông Sinh bảo: “Em gửi thư cho thằng Minh”. Nghe vậy, ông Tiết bảo: “Tao biết thế, tao bảo chú đừng gửi nữa. Nó hy sinh rồi”.
Nói đoạn, ông Tiết lấy lá thư của anh Lê Xuân Lợi viết ngày 6-4-1974 gửi cho ông Tiết nhờ chuyển cho ông Sinh cách đó vài tháng. Cầm trên tay lá thư của anh Lợi mà người ông Sinh cứ run lên. Đọc xong lá thư, biết em mình đã hy sinh thật, ông Sinh đau đớn ngất xỉu ngay tại bưu điện. Những ngày sau đó, ông Sinh âm thầm nén nỗi đau cho riêng mình, tuyệt không nói một lời cho gia đình biết. Cho đến tận ngày 1-7-1975, gia đình mới nhận được giấy báo tử của anh Minh.
Ông Sinh đưa cho chúng tôi xem lá thư mà gần 40 năm nay vẫn được ông gìn giữ như một báu vật. Trong thư, người đồng đội, đồng hương Lê Xuân Lợi đã kể lại những giờ phút cuối cùng trước khi liệt sĩ Đầu Văn Minh hy sinh anh dũng. Thư viết: “…Anh ạ! Ngày 2-4-74 (tức 10-3 âm) đơn vị em xuất kích đánh điểm cao 1227 của 1 D (1 tiểu đoàn-P.V) địch. Chắc ở ngoài đấy anh cũng được nghe tin chiến thắng rồi chứ gì. Đơn vị em diệt gọn 1 tiểu đoàn 280. Hôm đó nổ súng vào khoảng 2 giờ chiều, Minh thì đánh hàng rào còn em thì đánh ở ban chỉ huy. Sau lúc nổ súng, trung đội Minh phá thông hàng rào còn trung đội em lên gần tới đỉnh thì Minh hy sinh… Minh hy sinh đi cũng để lại trong lòng em nhiều đau khổ có khác nào như mũi dao nhọn cắt từng khúc ruột của em”.