Sài Gòn rúng động
Các chiến sĩ Đội 4 biệt động tấn công và chiếm đài phát thanh chỉ sau 15-20 phút. Địch điều quân tổ chức phản kích dữ dội, từ hướng Bạch Đằng lên, hướng Hoàng Hoa Thám xuống.
Cùng lúc đó, tiếng bộc phá nổ long trời lở đất, đánh sập mảng tường bao của tòa Đại sứ Mỹ. Toàn bộ chiến sĩ Đội 11 biệt động lao vào bên trong, chia làm bốn mũi tấn công. Họ nhanh chóng làm chủ từ tầng một đến tầng ba tòa nhà chính. Quân cảnh Mỹ tiếp viện, bao vây khắp vòng trong, vòng ngoài. Trên sân thượng, trực thăng quần đảo chực chờ đổ quân nhưng nhiều lần phải thoái lui vì hỏa lực từ trong dội lên.
Hướng dinh Độc Lập, Đội 5 biệt động mở đường để lao bộc phá vào khu vực cổng. Bộc phá không nổ. Chỉ có tiếng súng từ trong vọng ra nóng rát. Từng bóng người ngã xuống. Đội 5 phải rút vào ngôi nhà cao tầng ở hướng đối diện và cố thủ trên tầng ba…
Tại Bộ Tổng tham mưu Sài Gòn, hai đội 8 và 9 biệt động hiệp đồng tác chiến, nhanh chóng chiếm giữ cổng mục tiêu.
Chiến sĩ Nguyễn Văn Lém (Bảy Lốp) bị lực lượng an ninh VNCH áp giải trên đường phố Sài Gòn ngày 1-2-1968. Ảnh: AP/Eddie Adams
Cuộc đấu súng diễn ra quyết liệt. Các chiến sĩ biệt động không thể thọc sâu vào mục tiêu vì bố phòng của địch nơi đây quá mạnh. Sau hơn 2 giờ chiến đấu, đội rút ra hướng đường Trần Quốc Dung và cố thủ chiến đấu…
Cùng lúc, Đội 3 biệt động với 17 chiến sĩ mở màn trận đánh mục tiêu Bộ Tư lệnh hải quân Sài Gòn bằng tiếng nổ đinh tai của 20 kg thuốc nổ, phá sập lô cốt đầu tiên. Tiếng thủ pháo, lựu đạn và bộc phá nổ rền làm rung chuyển cả khu vực bến cảng.
Trước giờ xuất trận, do hiệp đồng không rõ ràng nên Đội 3 không nhận được vũ khí B40 để kìm chế hỏa lực tàu của địch theo kế hoạch. Hậu quả, lực lượng lính thủy dưới tàu chiến đậu sát bờ nổ súng chi viện. Hỏa lực từ trong bắn ra, từ dưới bắn lên dữ dội khiến trận chiến không cân sức trở nên khốc liệt…
Dưới hỏa lực mạnh và sự đánh trả dữ dội của kẻ thù, những chiến sĩ biệt động quả cảm trong tổng số 88 con người xung trận lần lượt ngã xuống sau khi đã xung phong tấn công đến hơi thở cuối cùng…
Lời thề son sắt
Một ngày hòa bình, Đại tá Đặng Xuân Tẻo đã không thể kìm được những giọt nước mắt khi trở lại thăm di tích đài phát thanh. Ông nói trong xúc động nghẹn ngào: “Trước tình hình lính Mỹ và chế độ Sài Gòn bố trí dày đặc, tôi mới bàn với ban chỉ huy đội là phải chuẩn bị phương án 2: Mang một trái bộc phá 30 kg, để khi mình không còn giữ được nữa thì anh em cùng với trái bộc phá đó hy sinh, chứ nhất định không để cho địch bắt”.
Đội 4 biệt động đã giữ trọn lời thề son sắt ấy bằng một tiếng nổ long trời lở đất. 11 người trực tiếp tham gia chiến đấu, chỉ còn một mình ông sống sót. Vì lúc đó ông được lệnh phải gấp rút về xin chỉ đạo của chỉ huy trước tình hình địch phản công dữ dội, đạn dược đã cạn, quân số hy sinh gần hết, không thể tiếp tục giữ được mục tiêu.
Anh đã bị giám đốc Cảnh sát Quốc gia, tướng Nguyễn Ngọc Loan, bắn thẳng vào đầu và hy sinh ngay sau đó. Tấm ảnh này đã châm ngòi cho một làn sóng phẫn nộ của người dân Mỹ và thế giới. Ảnh: AP/Eddie Adams
Ở một cánh quân đội 5, cho đến tận bây giờ, bà Chín Nghĩa vẫn còn nhớ như in hình ảnh những đồng đội hy sinh ngay trước mắt mình, đặc biệt là người chỉ huy trưởng Ba Thanh trong trận đánh dinh Độc Lập năm đó. Bà bảo: “Khi ảnh bị thương nặng, tôi cũng đã bị thương. Ảnh ngã xuống thì mấy anh lại đỡ ảnh. Ảnh nói lời cuối cùng là các đồng chí cố gắng bám trận địa để chờ lực lượng tới tiếp viện. Hình ảnh đó, hay là khi bước qua những xác mấy anh hy sinh nằm tại trên đường đó, chúng tôi băng qua để chiến đấu, là một cái ký ức đau buồn trong lòng tôi. Cho nên mỗi năm tới mùng hai tết thì làm gì làm, dù có họp mặt hay không, tôi vẫn có một mâm cơm để tưởng nhớ các anh”.
15 người của Đội 5 xuất trận, chỉ bảy người sống sót. Nhưng toàn bộ đã sa vào tay giặc khi đang trên đường rút lui, ẩn mình trên mái nhà dân vì bị thương, kiệt sức và cũng vì trái lựu đạn sau cùng đã không nổ để “sống chết với quân thù”.
Tại Bộ Tư lệnh hải quân Sài Gòn, hầu hết chiến sĩ biệt động hy sinh ngay tại trận, dưới hỏa lực tàn khốc của kẻ thù. Chỉ huy phó Mười Lợi bị thương ngay đợt đầu tấn công, được lái xe Năm Quân đưa về hậu cứ điều trị. Chỉ huy trưởng Nguyễn Văn Lém (còn gọi là Bảy Lốp) bị bắt và Chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Loan đã xử tử ngay tại trận. Hình ảnh này trở thành một trong những khoảnh khắc tàn khốc nhất của chiến tranh lọt vào ống kính của phóng viên, tạo nên làn sóng dư luận giận dữ và thảng thốt trên khắp thế giới.
Chiến đấu đến hơi thở cuối cùng
Nhân chứng duy nhất còn sống sót trở về là Bảy Liễn, một trong hai người lái xe chở đơn vị đi đánh trận. Ông kể ngay khi vừa xung trận, xe ông đã bị kẹt lại trong lưới lửa của địch, không thể lấy ra được. Ông xoay trở để lách ra ngoài, ẩn mình dưới vạt đường bên cạnh bờ sông. Và vị trí này, ông đã chứng kiến đồng đội mình từng người, từng người một hy sinh ngay trước mắt, trước khi vượt sông trở về trong bóng đêm.
Lực lượng biệt động đặc công nhận nhiệm vụ và tuyên thệ trước giờ xuất kích trận Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu
Ông Ngô Bá Chính, chiến đấu viên trong trận đánh Bộ Tổng tham mưu Sài Gòn, kể: “Ở đây bố phòng của địch quá dày đặc. Khi mình phát triển vô trong thì đụng phải hỏa lực rất mạnh. Sau này nghe nói lại là nó có một cái tăng 41 đào âm. Ngoài ra còn có những chiến bọc thép M113 rồi xe ô tô răng-đê là cái loại mà xe bọc thép nhưng mà bánh cao su cơ động, nó ào ra đánh phản kích. Anh em chống giữ quyết liệt trong chừng hai giờ rưỡi. Sau đó bị đánh bật ra ngoài, bám khu nhà trên đường Trần Quốc Dung tử chiến. Ở trên giao nhiệm vụ giữ 3 tiếng đồng hồ nhưng chúng tôi giữ, nếu tính ra người bị bắt cuối cùng là ba ngày”.
Trong ba ngày chiến đấu đó, đơn vị có 24 người hy sinh hết hai phần. Lệnh chỉ huy là phải rút quân nhưng cũng chỉ vài người tranh thủ được lúc lộn xộn, giáp lá cà với địch mà ra ngoài. Số còn lại đã chiến đấu ngoan cường đến viên đạn cuối cùng trước khi sa vào tay giặc.
Bi thương nhất, tạo được tiếng vang lớn nhất có lẽ là trận đánh tòa Đại sứ Mỹ. Vì mục tiêu này là “niềm kiêu hãnh” của Mỹ trong suốt cuộc chiến tại miền Nam Việt Nam nên địch đã tập trung quân số rất đông, bằng mọi giá phải chiếm lại cho bằng được từ tay Việt cộng. 11 con người đã chiến đấu ngoan cường, lần lượt hy sinh từng người một để giữ vững trận địa trong suốt 6 giờ liền. Người cuối cùng, duy nhất còn sống là chỉ huy trưởng Ba Đen. Anh sa vào tay giặc trong tình trạng bị thương nặng, kiệt sức, ngất đi vì sức ép của quả bộc phá do chính mình khai hỏa nhưng không đủ sức để ném đi xa…
Nguồn : Pháp luật Online