Vào lúc 10 giờ sáng ngày 20/4/2010, tại trụ sở báo VietNamNet sẽ diễn ra Bàn tròn trực tuyến đặc biệt với nội dung: Sự thật về các chiến sỹ hồng quân người Việt trong cuộc chiến đấu chống phát xít Đức ở Matxccơva. Khách mời là nhà báo Nga Aleksei Syunnenberg nhân chuyến thăm Việt Nam của ông. sự kiện nóng
Aleksei Syunnenberg, sinh năm 1944, hiện là phóng viên đặc biệt của Đài tiếng nói nước Nga.
Ông bắt đầu học tiếng Việt từ những năm 60 tại viện các ngôn ngữ phương Đông thuộc trường ĐHTH Lomonosov (Matxcơva). Ngay từ khi là sinh viên, ông đã bắt đầu tham gia phiên dịch cho các đoàn đại biểu cấp cao VN sang làm việc ở LX cũ. Sang VN lần đầu tiên vào năm 1967, thời kỳ chiến tranh. Từng 20 năm là Trưởng ban tiếng Đông Nam Á và tiếng Việt của đài tiếng nói nước Nga, sau nhiều năm cống hiến, ông được vinh dự nhận danh hiệu nhân viên phát thanh Công huân của nước Nga.
Aleksei là người yêu VN nồng nhiệt. Con trai ông, Maksim, năm nay 30 tuổi, cũng là một nhà VN học, người đã soạn cuốn tự điển Nga-Việt đầu tiên khoanh vùng từ vựng theo từng chủ đề giao tiếp, đã bảo vệ luận án tiến sĩ về đề tài lịch sử VN.
Aleksei có bút danh là Lensov – nếu đọc đúng ra là Liên-xốp, bắt nguồn từ âm Liên-xô. Đây là bút danh do bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đặt cho ông và ông dùng bút danh ấy để thực hiện những phóng sự về Việt Nam.
Aleksei Lensov quan tâm đến đề tài những chiến sĩ người Việt đã từng phục vụ trong hàng ngũ quân đội Xô Viết bảo vệ thủ đô nước Nga thời kỳ chiến tranh vệ quốc vĩ đại (1941-1945) từ những năm 70 của thế kỷ trước, sau khi được tiếp xúc với một số thông tin qua cuộc phỏng vấn của đài thực hiện với cố Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng và hồi ký của một số tướng lĩnh thời đó.
Theo thông tin của ông Aleksei, ngay sau khi chiến tranh bùng nổ 4 ngày (thangáng 6/1941), Lữ đoàn mô tô cơ động đặc nhiệm gọi tắt là OMSBON được thành lập. Một trong những trung đoàn là đơn vị quốc tế. Chính ủy trung đoàn này là ông Ivan Vinarov (người Bulgaria) đã viết trong hồi ký rằng trong trung đoàn quốc tế ấy có 6 chiến sĩ người Việt. Ngày 7/11/1941, cả trung đoàn đã tham gia vào cuộc diễu binh lịch sử của quân đội Xô-Viết trên Quảng trường Đỏ ở Matxcơva, nhân kỷ niệm lần thứ 24 Cách mạng tháng Mười, và từ đó tiến thẳng ra mặt trận nghênh chiến phát xít Đức.
Ông Aleksandr Kazitshki, cựu binh của Lữ đoàn OMSBON, hồi tưởng lại: “Đầu năm 1942, khi chúng ta đuổi bạt được bọn Đức khỏi Matxcơva, có 3 chiến sĩ người Việt đã hy sinh anh dũng”. Với tình yêu Việt Nam và với lòng cảm kích những chiến sỹ hồng quân người Việt, từ hơn 20 năm trước, nhà báo Aleksei Lensov đã bắt đầu nghiên cứu, thu thập thông tin về những chiến sỹ hồng quân người Việt ấy.
Những chiến sĩ VN ấy chính là những người từng có mặt trong nhóm thanh niên ưu tú do Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi sang Nga từ Quảng Đông năm 1926. Trong số 6 người tham gia OMSBON, Aleksei đã xác minh được danh tính của 4 người sau:
1. Vương Thúc Tình, sinh ở tổng Kim Liên, năm 1925 gia nhập tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí hội do lãnh tụ Hồ Chí Minh sáng lập. Ông còn có tên khác là Vương Thúc Liên và Vương Sĩ. Về cái chết của Vương Thúc Tình có giả thiết rằng, cũng giống như hàng loạt những nhà cách mạng của các nước châu Á lúc đó đang bị Nhật chiếm đóng, theo quyết định của ban lãnh đạo Liên Xô, sau khi đánh tan quân Đức ở ngoại ô Matxcơva, Vương Thúc Tình được cử về nước hoạt động. Nhiệm vụ được giao phó là thúc đẩy phát triển phong trào cách mạng ở nước mình để làm suy yếu quân Nhật. Nhưng trên đường dài trở về Tổ quốc, hồi cuối năm 1942, Vương Thúc Tình đã bị quân Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch bắn chết.
2. Lý Nam Thanh. Đây là họ tên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt cho ông, còn tên thật là Nguyễn Sinh Thân. Ông sinh năm 1908 tại làng Sen, tổng Kim Liên. Cha ông tên là Nguyễn Sinh Ly đã hy sinh trong cuộc đấu tranh cách mạng chống thực dân Pháp. Anh cả của Lý Nam Thanh là Nguyễn Sinh Diễn, từng là Phó bí thư Tỉnh ủy bí mật Nghệ An, tích cực tham gia phong trào Xô-viết Nghệ-Tĩnh. Ông đã bị giam cầm và năm 1936 qua đời trong nhà tù thực dân. Năm 1921, ông có con trai là Nguyễn Sinh Thọ (tức Tư Cường), chính là người mà vào giữa những năm 1980 đã cung cấp cho chúng tôi những thông tin về người chú ruột Lý Nam Thanh. Lúc đó, ông Tư Cường là cán bộ hưu trí sống ở thành phố Hồ Chí Minh.
3. Lý Anh Tạo (tên thật là Hoàng Anh Tô), sinh năm 1912 tại thôn Hoàng Trù, tổng Kim Liên. Cha ông tên là Hoàng Hinh mất sớm, và Hoàng Anh Tô được nuôi dạy trong gia đình người chú là ông Hoàng Xuân Tống. Năm 12 tuổi, Hoàng Anh Tô – Lý Anh Tạo được làm quen với công tác cách mạng.
4. Lý Thúc Chất là tên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt cho ông Vương Thúc Thoại,sinh năm 1911 cũng ở tổng Kim Liên. Cha của ông tên là Vương Thúc Đàm, Huyện ủy viên Nam Đàn, năm 1930 bị thực dân Pháp bắt tù chung thân. Lý Thúc Chất còn em trai út là Vương Thúc Sâm sinh năm 1920. Theo hồi tưởng của ông Sâm, vào khoảng năm 1938 hoặc 1939 gia đình có nhận được một lá thư của Lý Thúc Chất và đoán rằng ông đang ở nước Nga xa xôi vì lá thư được gửi đi từ đó.
Trong số 4 người nói trên, 3 chiến sĩ Hồng quân Lý Nam Thanh, Lý Anh Tạo và Lý Thúc Chất đã anh dũng ngã xuống trong trận đánh chống phát-xít ở cửa ngõ thủ đô Matxcơva.
Vậy hai người còn lại (trong số 6 người VN của trung đoàn quốc tế đó) là ai?
Ông Aleksei Syunnenberg. Ảnh: Nguyễn Khang
Phóng viên Aleksei Syunnenberg – Lensov có trong tay khá nhiều tư liệu làm cơ sở cho việc đoán định điều này. Đó cũng là vấn đề mà ông Aleksei quan tâm, mong muốn có sự hỗ trợ từ phía Việt Nam để làm sáng tỏ danh tính của những chiến sĩ Hồng Quân người Việt đã chiến đấu vì nước Nga Xô Viết.
Những giả thiết:
Lý Văn Minh và Lý Chí Trọng trong nhóm Quảng Đông? Người thứ nhất là con trai ông Đinh Tương Dương quê Thanh Hóa. Còn người thứ hai là đồng hương của Lý Tử Trọng.
Một người Việt có bí danh là Shanvo.
Năm 1929 có một người Việt khác mang cái họ đặc Nga Soloviev sinh năm 1906, từng làm thợ sửa trong nhà in Sài Gòn.
Một người Việt Nam bí danh là Linkor sinh năm 1907, xuất thân nông dân.
Năm 1938, có hai sinh viên người Việt được chuyển từ Viện các vấn đề dân tộc và thuộc địa đã giải thể sang làm việc tại Ủy ban trung ương của Tổ chức quốc tế giúp đỡ các chiến sĩ cách mạng. Đó là Claud Jean và Shan Pe-ton.
Claud Jean tên thật Trần Phương Đôn, sinh năm 1902 tại làng Đông Khê (Hải Phòng) trong một gia đình nông dân nghèo, đã làm thợ ở xưởng xay sát thóc gạo, năm 1929 sang Pháp. Cho đến trước năm 1932 người này làm bồi bếp trên tàu thủy, sau đó có 3 năm làm đầu bếp tư gia, từ 1932 là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, tham gia Công hội thủy thủ từ 1928, hoạt động trong người Việt ở Paris theo tuyến Công hội Đỏ. Từ 1930 người này là Ủy viên Tổ chức Quốc tế giúp đỡ các chiến sĩ cách mạng. Năm 1931 đã đứng ra tổ chức cuộc bãi công của các thủy thủ Đông Dương tại hải cảng Le Havre. Năm 1935 đến Matxcơva nhập học ở trường KUTV và từ đó chuyển sang học ở Viện các vấn đề dân tộc và thuộc địa cho đến khi Viện này đóng cửa.
Người thứ hai bí danh Shan Pe-ton, có tên thật là Nguyễn Văn Nêm, sinh năm 1913 tại Bắc bộ trong gia đình công nhân. Không học phổ thông, người này biết một ít tiếng Pháp, rời Việt Nam sang thành phố cảng Marseille của nước Pháp, đã từng là thủy thủ, 3 năm làm trong xưởng kim khí, không phải là đảng viên Cộng sản. Hăng hái tham gia hoạt động Công hội và cộng đồng giúp đỡ những người Đông Dương tại Pháp, Nguyễn Văn Nêm đến Matxcơva bằng tấm hộ chiếu Trung Quốc và tên họ theo kiểu Trung Quốc, từ 1935 là sinh viên KUTV, sau đó học ở Viện các vấn đề dân tộc và thuộc địa.
Mùa hè 1942, rất có thể Claud Jean và Shan Pe-ton đã thuộc số những người Việt tình nguyện nhập ngũ bảo vệ Matxcơva chống chọi với đội quân phát-xít.
Người Việt bí danh Rémy, tên thật là Trần Văn Kiệt hoặc Lê Văn Kiệt. Người này sinh tháng 11/1912 tại tỉnh Vĩnh Long trong gia đình nông dân. Từ năm 1930, sau khi tốt nghiệp phổ thông đã sống tại Toulouse (Pháp), tại đó ông làm bồi bàn, thợ cắt tóc, sau chuyển làm ở xưởng lọc dầu Marseille. Ông từng làm Bí thư nhóm Indochine ở Marseille, ủy viên ban lãnh đạo Hội đồng hương Indochine ở Toulouse. Năm 1931 ông gia nhập Đảng Cộng sản Pháp. Cùng trong năm đó, Đảng Cộng sản Pháp cử ông sang Matxcơva học tập. Ông đến thủ đô Xô-Viết với hộ chiếu Trung Quốc và mang tên Lê Minh, nhưng ghi danh vào trường Đại học Cộng sản giành cho những người lao động phương Đông với cái tên Rémy.
Một nhân vật từng tham gia chiến đấu vì thủ đô nước Nga, nhưng không trong hàng ngũ OMSBON, là ông Lý Phú San. Họ tên này ông nhận được khi ở Paris và cũng là do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt cho. Tên thật của ông là Lê Tư Lạc (có thời gian người ta gọi ông là Lê Phan Chấn). Lý Phú San sinh năm 1900 ở miền Bắc Việt Nam. Năm 1917 ông rời làng quê ra Hà Nội, sau đó vào Sài Gòn rồi sang Phnompenh. Ở đó ông làm thuê cho một bác sĩ người Pháp và năm 1924 cùng ông chủ này đi Paris. Chính ở thủ đô Pháp, Lý Phú San đã được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và bắt đầu hoạt động cách mạng. Đầu những năm 1930, Lý Phú San được gửi đi học trường Đại học Cộng sản giành cho những người lao động phương Đông ở Matxcơva. Theo học một thời gian, ông đi làm công nhân tại xưởng đầu máy đường sắt ở thành phố Gomel. Năm 1937, Lý Phú San quay về Matxcơva làm việc trong một quân y viện thủ đô.
Năm 1941, khi quân phát-xít tấn công Liên Xô, Lý Phú San nộp đơn xin nhập ngũ. Nhưng do tình trạng sức khỏe, ông được cử về hậu phương. Làm công tác chăm sóc thương bệnh binh trong quân y viện, ông Lý Phú San đã không chỉ một lần hiến máu cứu người. Ông tham gia xây dựng các hầm hào phòng thủ ở ngoại vi Matxcơva. Đêm đêm, ông cùng các đồng đội xô-viết luân phiên trực nhật ở trạm phòng không, cảnh báo lúc máy địch xuất hiện, dập tắt những đám cháy do bom phát-xít gây ra.
Đầu năm 1942, kẻ thù bị đánh bật khỏi khu vực Matxcơva. Cùng vào thời gian này, tại các vùng miền Đông của đất nước Xô-viết cách xa tuyến mặt trận, đang triển khai xây dựng những xí nghiệp mới để đón nhiều nhà máy công xưởng từ miền Tây được đưa sơ tán về đây, rất cần những bàn tay thợ. Với tinh thần như chiến sĩ xông ra tiền tuyến, Lý Phú San hăng hái tham gia mặt trận lao động miền Đông. Ông làm thợ nguội và thợ mộc tại nhà máy thiết bị hầm mỏ ở Ural. Nhân dịp mừng Chiến thắng, ông được tặng Huy chương “Vì lao động dũng cảm trong những năm Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại”. Vào đầu những năm 1950, Lý Phú San làm Giám đốc sân vận động ở Sverdlovsk, nay là Ekaterinburg. Nhiều lần ông được tặng Bằng khen về thành tích công tác.
Năm 1956 ông Lý Phú San trở về Tổ quốc, tìm lại người vợ của mình là bà Đặng Thị Loan. Ông làm việc ở Đài phát thanh Mễ Trì, sau đó làm nhân viên phục vụ trong Đại sứ quán Liên Xô ở Hà Nội. Ông qua đời năm 1980 và được mai táng ở Hà Nội. Mấy năm trước, người con gái của ông hiện sống ở Matxcơva đã cải táng và mang di cốt ông về chôn cất tại một nghĩa trang của thủ đô Nga.
Tháng 12/1985, theo Sắc lệnh của Chủ tịch đoàn Xô-viết tối cao, Nhà nước Liên Xô đã truy tặng Vương Thúc Tình, Lý Thúc Chất, Lý Nam Thanh, Lý Anh Tạo và Lý Phú San những tấm Huân chương “Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại” hạng Nhất và Huy chương vinh danh 40 năm Chiến thắng. Phái đoàn Liên Xô sang Hà Nội dự Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI đã mang những phần thưởng này trao cho thân nhân của những người anh hùng.
Trong Bàn tròn trực tuyến này, ông Aleksei Lensov sẽ nói về quá trình nghiên cứu, thu thập thông tin của mình và trả lời các câu hỏi liên quan đến nội dung trên của bạn đọc. Người dẫn Bàn tròn là nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Thiều.
Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, ông Aleksei Lensov mong có được thêm thông tin, tư liệu từ gia đình, người thân của những chiến sỹ hồng quân người Việt nói trên để tiếp tục bổ sung vào công trình nghiên cứu mấy chục năm nay của ông.