Một người thầy mẫu mực, kiên trung
Thầy giáo, nhà báo, nhà văn, AHLLVT, liệt sĩ Phan Ngọc Hiển sinh năm 1910 tại phường Thới Bình, thành phố Cần Thơ. Ông mồ côi cha mẹ khi mới lên 10 tuổi. Phan Ngọc Hiển sống với người anh là Phan Văn Thới và chị là Phan Kim Sa. Mặc dù hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, nhưng người cậu ruột là ông Trương Quang Đẩu vẫn cố gắng để Ngọc Hiển tiếp tục được học hành. Ông Đẩu nhận xét về cậu cháu trai của mình: “Thằng này sau này ắt làm nên”.
Vốn dĩ là một cậu bé cần cù, chăm chỉ, thông minh, hiếu học, nên mới 21 tuổi Phan Ngọc Hiển đã đỗ tốt nghiệp trung học sư phạm. Không thể không công nhận tài năng học tập của Hiển, nên nhà trường buộc phải cấp bằng thầy giáo cho ông. Tuy vậy, thực dân pháp đã ghi tên Phan Ngọc Hiển vào sổ đen, nên chúng đày thầy giáo trẻ đến tận Gạch Rốc, miệt đất mũi tận cùng của tỉnh Cà Mau để dạy học.
Đẩy đến dạy học ở một nơi xa thị thành là một hình phạt của chúng hòng khuất phục tinh thần yêu nước của thầy giáo trẻ Phan Ngọc Hiển. Nhưng là một người rất giàu ý chí, nghị lực vươn lên cùng với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ cháy bỏng, Phan Ngọc Hiển đã vượt lên trên mọi hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn về vật chất, khiến kẻ thù chẳng những không thể nào khuất phục, mà ông còn được bà con cô bác, đặc biệt là các em học sinh và các bậc phụ huynh yêu mến, kính trọng.
Thời ấy, bọn Pháp buộc người dân Việt Nam ta phải thừa nhận Tổ quốc mình là nước Pháp, tổ tiên ta là người Gôloa (người Pháp). Thầy Hiển kiên quyết chống lại sự xuyên tạc lịch sử ấy bằng cách không dạy cho học sinh của mình như thế. Thầy luôn truyền cho học sinh những tri thức chân chính về lịch sử Việt Nam rằng tổ tiên của người Việt là Lạc Long quân và Âu Cơ và giảng cho học sinh nghe bài thơ thần “Nam Quốc Sơn Hà”. Thầy còn thành lập Hội đá banh, Hội ca nhạc để qua đó tập hợp thanh niên, xây dựng tinh thần đoàn kết và truyền cho họ lòng yêu nước, ý thức căm thù quân xâm lược Pháp.
Năm 1935, Phan Ngọc Hiển gặp Phạm Hồng Thám, một người tù chính trị vượt Côn Đảo trở về. Theo hướng dẫn của Phạm Hồng Thám, ông đã tổ chức hai đội đánh cá một ở ngoài khơi và một trong rạch đón đợi anh em tù chính trị vượt ngục từ Côn Đảo về. Bọn tay sai Pháp đã bắt ông, nhưng vì không có chứng cứ gì chúng đành thả và cắt chức giáo học của Phan Ngọc Hiển.
Tháng 6 năm 1940, Tỉnh uỷ Bạc Liêu phân công Phan Ngọc Hiển phụ trách một số đồng chí ra Hòn Khoai, chuẩn bị khởi nghĩa. Tháng 5 cùng năm, Phan Ngọc Hiển thành lập Chi bộ Hòn Khoai do ông làm Bí thư.
Do tổ chức hoạt động khẩn trương, sâu sát lại có phương pháp tuyên truyền vận động thích hợp với từng đối tượng cụ thể, nên chỉ sau một thời gian ngắn Chi bộ Hòn Khoai còn giác ngộ được cả những người gác đèn biển, công tác điện đài giữ kho vũ khí,… của địch ngã theo cách mạng. Và cuộc khởi nghĩa ở Hòn Khoai đã nổ ra theo đúng kế hoạch.
Trước tình hình đó, bọn địch điều 2 tàu chở đầy lính có vũ trang vào Rạch Gốc truy tìm. Cuối cùng chúng bắt được Phan Ngọc Hiển và 9 đồng chí khác.
Ngày 20/02/1941 toà án binh mở phiên toà kéo dài 7 ngày xử “Vụ án Hòn Khoai”. 38 chiến sĩ và đồng bào yêu nước bị lưu đày đi Côn Đảo. Phan Ngọc Hiển và 9 đồng chí khác bị xử tử hình.
Tại pháp trường, Phan Ngọc Hiển giật chiếc băng đen bịt mắt và tuyên bố trước kẻ thù: “Những người Cộng sản coi cái chết rất tầm thường chúng tôi sẵn sàng chết để tranh đấu cho đồng bào được ấm no, nhất định những người kế tục chúng tôi sẽ tiêu diệt thực dân pháp, nhất định Việt Nam sẽ hoàn toàn độc lập”. Trước khi kẻ thù nổ súng, Phan Ngọc Hiển hô to khẩu hiệu: “Nước Việt Nam độc lập muôn năm! Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!”
Một nhà báo, nhà văn xuất sắc
Không được dạy học, Phan Ngọc Hiển chuyển sang Sa Đéc làm nghề viết báo. Ông đã viết nhiều bài chống lại chế độ sưu cao, thuế nặng của thực dân Pháp, lên tiếng bảo vệ quyền lợi của người nghèo. Khi ấy ông thường hay lui tới Cà Mau để lấy tài liệu viết báo. Năm 1936, Phan Ngọc Hiển gặp lại Phạm Hồng Thám, rồi đến tháng 3 cùng năm ông được kết nạp vào đảng ở Cà Mau.
Cuối năm 1937, ông nhận lệnh của Xứ uỷ Nam Kỳ về làm biên tập báo Lao Động, cơ quan ngôn luận của liên hiệp của công Đoàn Nam Kỳ đặt trụ sở tại Sài gòn. Tháng 10 năm 1938 theo đề nghị của Tỉnh uỷ Bạc Liêu, Xứ uỷ cử ông về phụ trách tờ báo Đảng của tỉnh này.
Đến thập niên 90 của thế kỷ XX, người ta mới phát hiện trong kho lưu trữ ở Sài Gòn có 70 tác phẩm báo chí, văn chương của thầy giáo liệt sĩ Phan Ngọc Hiển đã được in trên tuần báo “Tân Tiến” từ năm 1936. Trong số đó có hơn 50 tác phẩm báo chí gồm đủ các thể loại với những bài phóng sự xã hội, phóng sự điều tra như: “Vào quê”, “Trên sông lao động”, “Đêm ở kinh đô Hậu Giang”, “Vụ kiểm lâm Cà Mau”, bài “Yêu cầu Chính phủ ghé mắt vào lạm quyền” đã làm cho chính quyền thực dân và bè lũ tay sai điên đầu.
Các bài báo Phan Ngọc Hiển để lại, chứng tỏ ông là một tài năng đang độ sung sức nhất. Ông viết: “Ai lạm quyền? Chỉ có những người được Chính phủ giao quyền… còn gì đau đớn bằng một tên dân khờ dại bị dằn vặt như một con thú lúc đứng khoanh tay trước kẻ lạm quyền…”. Trong bài “Mấy lời với ông làng… trên mặt báo”, Phan Ngọc Hiển đã tỏ rõ quan điểm của một nhà báo Cách mạng: “Báo giới là lòng dân, trước mặt Chính phủ là ngọn đuốc giúp Chính phủ thấy rõ đâu chánh, đâu tà, đâu liêm sĩ, đâu ô trợc, đâu công bình, đâu bóc lột, đâu hiếp dân”.
Đáng chú ý là trong hơn 10 tác phẩm văn chương mà Phan Ngọc Hiển để lại, chỉ có một tiểu thuyết “Mương đào ổ yến” được viết trong một năm 1936, còn lại chủ yếu là truyện ngắn. Qua đó, người đọc hôm nay dễ dàng hình dung ra được cuộc sống cùng khổ, tâm trạng bế tắc, quẩn bách của lớp người quằn quại dưới đáy xã hội phong kiến ở vùng đất mũi Cà Mau được miêu tả một cách hết sức sinh động.
Có lẽ, Phan Ngọc Hiển là một trong số những người, ngay từ cuối những năm 30 của thế kỷ trước đã gợi ra lý tưởng cho những người cầm bút và phương pháp sáng tác văn chương cách mạng. Ông viết: “Một người văn sĩ bình dân thấy rõ chỗ cần dùng, chỗ đói khát của dân, biết tâm lý của dân thì đoạn văn, quyển sách ấy tự nhiên hữu ích… Nhà văn ngày đêm cặm cụi cạo óc trả nợ đời, trả hoài không dứt. Cảnh khuya lai láng tình non nước, nước mắt chan hòa…”.
Chỉ mười năm vừa làm thầy đứng trên bục giảng, vừa làm báo, viết văn, nhưng dù ở cương vị nào ông cũng lăn xả vào trường đời của một chiến sĩ Cộng sản kiên trung. Phan Ngọc Hiển đã tự vẽ nên bức chân dung đẹp nhất của một người Cộng sản trẻ tuổi anh hùng.
Với gần 70 tác phẩm báo chí và văn chương được Phan Ngọc Hiển viết cách đây hơn 80 năm, đến nay vẫn lấp lánh trí tuệ và tư tưởng của một trí thức trẻ yêu nước, kiên quyết đứng lên đấu tranh đòi quyền sống cho đồng bào mình. Văn phong của Phan Ngọc Hiển trong sáng, hào sảng như hào khí cách mạng của chính con người ông, sắt son một niềm tin vào tương lai tươi sáng của dân tộc.
Bất chấp sự theo dõi, truy nã của mật thám, bất chấp tù tội, mười năm ngắn ngủi ấy là mười năm người thầy giáo trẻ Phan Ngọc Hiển đã lập nên một kỷ lục với tư cách là một người thầy, một nhà báo, nhà văn Cách mạng. Hàng chục bài báo, cuốn sách của ông vừa là mẫu mực về ý chí cách mạng, về tư tưởng tranh đấu vì lợi quyền dân tộc, vừa là mẫu mực của một người cầm bút chân chính.
Ông đã thổi vào từng trang viết những tư tưởng, khát vọng về một tương lai tươi sáng, kêu gọi đấu tranh xóa bỏ chế độ áp bức, bóc lột của chế độ thực dân phong kiến, xây dựng một xã hội mới tươi đẹp hơn.