Lặng lẽ hy sinh bảo vệ đồng đội
Đinh Hữu Hanh
Ngày 15 tháng 3 năm 1973, tổ trinh sát do Phạm Minh Tâm làm tổ trưởng cùng Nguyễn Văn Hương, Lục Cá Dẫu và Trần Đức Thiết có nhiệm vụ vượt qua phòng tuyến trên dãy Ba Lô, đánh quấy phá hậu phương của địch, thực hiện kế “dương đông, kích tây” tạo thời cơ cho chủ lực Trung đoàn đánh chiếm căn cứ Nguyễn Trãi, nay thuộc xã Xuân Lộc, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đội hình hành tiến do Lục Cá Dẫu đi đầu, khi còn cách yên ngựa vài ba chục mét thì nghe tiếng địch nói chuyện rì rầm. Dẫu ra hiệu cho phía sau dừng lại, anh bò lên xem xét tình hình. Thật không may, anh đụng vào một tổ ong nên đành rúc đầu vào khóm giang gai góc chằng chịt, nằm im không một tiếng kêu la, mặc cho ong đốt.
Không nghe động tĩnh gì, Tâm cử Hương lên quan sát, thấy Dẫu đang cắm đầu vào khóm giang bất động, khẩu AK báng gập vẫn khoác trước ngực, đám ong màu vàng bu bám đầy người anh. Chờ cho đàn ong về tổ, Hương lấy dây võng buộc vào cổ chân, hai người nấp vào một gốc cây cố kéo Dẫu ra nhưng không thể được.
Hương quay ra, 2 giờ chiều thấy tình hình yên ắng, Hương lại bò lên để buộc dây vào chân Dẫu. Người Dẫu đã lạnh ngắt, sưng phồng – Anh đã hy sinh. Hai người cố tình kéo cho bụi giang rung động. Bảy, tám quả lựu đạn được ném tới chỗ Dẫu nằm. Biết địch đã phát hiện ra Dẫu, chúng đang dùng thi thể anh làm mồi để tiêu diệt quân ta, Tâm đành để anh nằm lại, dẫn hai người còn lại tìm hướng khác vượt qua phòng tuyến của địch để thực thi nhiệm vụ.
Sau 3 đêm đánh hết cơ số đạn, trở lại nơi Dẫu hy sinh, Hương bò vào quan sát. Nơi Dẫu nằm đã cháy loang lổ, thi thể anh đã được lính ngụy chôn sát ngay phía dưới chỗ anh nằm. Mọi người lặng lẽ ra về.
Thời gian trôi đi, rồi miền Nam được giải phóng, mỗi người một nơi, ai cũng bộn bề với công việc mưu sinh. Lục Cá Dẫu lặng yên trên đỉnh đèo heo hút ấy hơn 40 năm trời. Nơi quê nhà, người thân, đồng đội vẫn luôn thương nhớ một con người quả cảm đã lặng lẽ hy sinh để bảo vệ đồng đội bảo vệ sự bí mật hướng tiến công của chiến dịch. Sau những nỗ lực tìm kiếm, tháng 6 vừa qua, người thân và đồng đội đã đưa được hài cốt anh về an nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ quê nhà.
Xúc động trước sự hy sinh cao cả của Lục Cá Dẫu, đồng đội anh đã hoài niệm về anh qua những vần thơ :
ANH CÒN SỐNG MÃI
Hơn bốn chục năm trời ai tỏ
Đêm đêm nằm nghe gió ngàn reo
Một mình anh đơn chiếc đỉnh đèo
Chiều lại chiều trăng treo tròn khuyết
Đồng đội xưa nào ai có biết
Bốn mươi năm hiu hắt chờ mong
Tiếng gió ngàn cứ ngỡ tiếng ong
Thân đau buốt cắn răng anh chịu
***
Ai có biết rằng sau cuộc chiến
Bao năm trời biền biệt tin nhau
Lại gặp nhau giữa chốn rừng sâu
Lại ôm nhau trong tình đồng đội
Gặp các em mừng mừng tủi tủi
Cùng cháu trai cháu gái vui đùa
Niềm sướng vui ập đến không ngờ
Chuyện thật mà cứ ngỡ như mơ
Bao kỷ vật năm xưa còn đó
Dẫu thân anh hoá thành cây cỏ
Đất Xuân Lộc : Cờ đỏ – Lộc xanh
Nơi anh nằm, rừng vẫn nguyên sinh
Toả bóng che anh cây cổ thụ
Trông xa chừng đất trời làm dấu
Cho anh em đồng đội đón về
Tạm biệt Xuân Lộc một chiều hè
Anh kéo mây làm mảnh ô che
Cứ ngỡ anh còn trên trần thế
Cùng lên rừng, xuống bể năm nào
Thay nhau đài quan sát Chúc Mao
Dãy Răng Cưa năm nào ta vượt
Nhưng đồi Nghệ, núi Bông, hòn Vượn
Đèo Hải Vân in bước chân ta
Lên Tà Lương, A Lưới không xa
Dịp này về ghé qua Bến Ngự
***
Anh bảo em là thằng hay nói chữ
Tao thích nghe ví dặm quê mày
Mộc mạc mà nghe mãi thấy hay
Dân xứ mày sống ngay, nói thẳng
Tao hẹn mày đến ngày chiến thắng
Đón mày về Quảng Ninh quê tao
Đãi món ăn dân tộc Sán Dìu
Mày sẽ hết chê tao “dân tộc”
Than ôi!
Giờ nghĩ lại lòng đau như cắt
Cả đàn ong vây chặt thân anh
Cắn răng chịu đựng nằm im
Cho lành lặn trái tim đồng đội
Ngày chiến thắng cháy lòng mong mỏi
Không còn anh đi giữa rừng cờ
Giấc ngủ say đến tận bây giờ
Bỗng tỉnh dậy đứng chờ đỉnh núi
Bóng hình anh xa trông vời vợi
Cho người đời vươn tới thanh cao
Gương hy sinh còn đó năm nào
Anh mãi mãi đi vào bất tử
***
Tiễn anh về quê hương xứ sở
Viết mấy dòng bày tỏ tâm can
Thay chân đưa tiễn dặm đường
Về quê yên nghỉ tình thương ngập tràn
Về nơi có xóm có làng
Có đàn cháu nhỏ dâng ngàn nén hương
Còn ai nằm lại chiến trường
Xin anh chỉ lối đưa đường về theo
***
Ngày mai em lại vượt đèo
Anh về em vẫn dõi theo dặm trường
Thương anh biết mấy là thương
Tiễn anh xin đốt nén hương lòng thành
Anh về quê mẹ Quảng Ninh
Chúc anh yên nghỉ, giấc lành ngàn thu
Đừng ai gieo rắc hận thù
Để anh nghe trọn lời ru mẹ hiền.