Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, nhằm chi viện cho chiến trường, Quân chủng Phòng không – Không quân đã tổ chức một số chuyến bay để tiếp tế lương thực, vũ khí vào Thừa Thiên – Huế. Trong số những chuyến bay ấy, có những chuyến bay đã ra đi và mãi mãi không trở về. Những chiến sĩ trên những chuyến bay ấy đã hy sinh mà gia đình, người thân và đồng đội không biết chính xác họ đã hy sinh ở đâu. Trong số đó có một người con của quê hương Hưng Yên.
![]() |
Trung úy Nguyễn Văn Tê (người ngồi thứ 2 từ phải sang) chụp ảnh cùng các chiến sĩ trong tổ bay trước khi lên đường làm nhiệm vụ |
Ông Trần Tê bồi hồi nhớ lại: Tổ bay IL-14 thuộc Trung đoàn không quân vận tải 919 (nay là Đoàn 919). Khi cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968 đang ngày càng gay go và phức tạp, nhu cầu viện trợ thuốc men, lương thực, vũ khí cho mặt trận Trị – Thiên – Huế trở nên cấp bách. Nhận được nhiệm vụ, 6 chiếc máy bay của tổ bay IL-14 đã xuất phát mang hàng chi viện cho chiến trường và tấn công đồn Mang Cá. Do yêu cầu nhiệm vụ, tất cả các chuyến bay phải thực hiện trong đêm tối. Không có ra đa dẫn đường, 6 chiếc máy bay đã “bay mò” trong bóng tối mịt mùng. Do áp lực của nhiệm vụ cùng với tình hình thời tiết rất xấu, lại bay vào ban đêm nên rất khó khăn trong việc xác định mục tiêu cũng như hướng bay. Để tránh ra đa của địch phát hiện, các máy bay phải bay ở độ cao thấp, dựa theo dãy Trường Sơn hiểm trở. Yêu cầu công việc khó khăn là vậy nhưng các chiến sĩ ta vẫn quyết tâm thực hiện nhiệm vụ, họ coi những chuyến bay đó như những chuyến bay cảm tử. Trước lúc lên đường, trực tiếp Phó Tư lệnh Quân chủng PKKQ đến giao nhiệm vụ, nói rõ tình hình địch, tình hình của ta. Từng tổ được giao nhiệm vụ riêng và họ hiểu rằng đây là nhiệm vụ hết sức đặc biệt và quan trọng. Từ lúc giao nhiệm vụ đến lúc máy bay cất cánh chỉ diễn ra trong một thời gian rất ngắn. Các chiến sĩ tham gia phải bỏ lại mọi thứ tư trang hành lý, nhất là các giấy tờ tùy thân. Trước khi xuất kích, các chiến sĩ được chụp ảnh kỉ niệm vì nếu có mệnh hệ gì xảy ra thì cũng còn tấm ảnh. Mọi người ở tổ bay IL-14 đều xác định nhiệm vụ đi là phải mang chiến thắng trở về và làm được việc gì đó góp với chiến trường, vì vậy họ đều rất quyết tâm xuất kích với khẩu hiệu “Bay an toàn, bay tới nơi, thả trúng đích”. Trên mỗi chuyến bay được bố trí hai người lái, một người làm công tác dẫn đường, một thông tin, một thợ máy và một số người làm nhiệm vụ thả dù.
![]() |
Con trai liệt sỹ Nguyễn Văn Tế trò chuyện với ông Trần Tê để tìm hiểu thông tin về cha mình |
Anh Nguyễn Văn Mừng, Trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an tỉnh Hưng Yên là con trai liệt sĩ Nguyễn Văn Tê. Trong kí ức của anh Mừng, tất cả những kỉ niệm về bố anh chỉ qua lời kể của mẹ, bởi ngày bố hy sinh, anh chưa đầy ba tháng tuổi. Vào tháng 10 âm lịch năm 1967, nhận được tin báo từ gia đình là vợ đã sinh con trai, trung úy Nguyễn Văn Tê vô cùng phấn khởi và hứa với gia đình vào khoảng mồng 10 tháng Giêng được nghỉ sẽ về thăm vợ con. Nhưng đó chỉ là lời hứa mà không thực hiện được. Ngày mùng 10 tháng Giêng năm 1968 (ngày 7.2 dương lịch), tổ bay của trung úy Nguyễn Văn Tê xuất kích làm nhiệm vụ và đã không trở về. Khoảng 5 tháng sau ngày trung úy Tê hy sinh, gia đình nhận được giấy báo tử cùng với một số kỷ vật cá nhân của ông như: chăn dù, mũ… Còn về địa điểm hy sinh và phần mộ thì đơn vị cũng không hay biết. Mấy chục năm qua, gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Tê đã nhiều lần tìm kiếm thông tin nhưng vô vọng. Tuy nhiên vào khoảng tháng 6.2005, nhận được tin báo từ một chiến sĩ quê Hải Phòng đến Huế thăm lại chiến trường xưa, Quân chủng Phòng không – Không quân phối hợp cùng Đoàn bay 919 vào huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế để tìm đến địa điểm máy bay rơi. Căn cứ vào lời kể và một số hiện vật còn sót lại được tìm thấy tại hiện trường, các đồng chí trong đoàn tìm kiếm cho rằng rất có thể đây là chiếc máy bay của tổ bay có liệt sĩ Nguyễn Văn Tê. Tuy nhiên đó cũng chỉ là dự đoán vì mọi thứ tìm thấy rất ít ỏi và chiếc máy bay gặp nạn đã lâu…. Thế nhưng 8 phần hài cốt tượng trưng vẫn được đoàn tìm kiếm mang về làm đầy đủ các thủ tục mai táng cho liệt sĩ. Sự hy sinh thầm lặng của những chiến sĩ trong các tổ bay cảm tử, trong đó có người con của quê hương Hưng Yên trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968 và biết bao anh hùng liệt sĩ đã góp phần cho đất nước nở hoa độc lập, kết quả tự do. Trong lòng người thân và đồng đội, họ vẫn còn sống mãi.