Từ quê hương Thái Lan, mẹ theo chồng về Việt Nam. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, 5 người con của mẹ tòng quân ra trận thì 2 người nằm lại chiến trường. Năm 2014, mẹ được phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng.
Mẹ Việt Nam anh hùng Tống Thị Hiền.
Trong ngôi nhà tình nghĩa ở khối Đồng Tâm 2 (phường Hòa Hiếu, thị xã Thái Hòa, Nghệ An), mẹ Tống Thị Hiền (SN 1921) sống giản dị một mình, các con của mẹ sống gần đó vẫn thường xuyên chạy qua chăm nom. Năm 2014, mẹ vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng. Đó là phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước dành cho những hi sinh thầm lặng, lớn lao của mẹ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Mẹ Hiền thuở con gái có tên là Khăm Xóm Chèm Chăn, sinh ra ở Xà Vàng, Xà Cồn, Thái Lan. Cô gái Thái Lan xinh đẹp bén duyên với chàng trai Việt Nam Tống Văn Hiền (SN 1921) vốn theo gia đình sang Thái Lan sinh sống từ nhỏ.
Năm 1960, Đảng và Bác Hồ vận động kiều bào Thái Lan về Việt Nam xây dựng quê hương. Lúc này, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang ở giai đoạn ác liệt nhưng ông Tống Văn Hiền vẫn quyết định đưa cả gia đình về xã Thạch Xuân (Thạch Hà, Hà Tĩnh). “Thuyền theo lái”, bà cùng 6 người con rời Thái Lan về Việt Nam với chồng. Năm 1962, cả gia đình bà Hiền dắt díu nhau lên vùng Phủ Quỳ (Nghệ An) xây dựng kinh tế mới.
“Hồi về Việt Nam mẹ mới bập bẹ được đôi từ tiếng Việt, hầu như giao tiếp với người ngoài phải nhờ chồng con. Thấy mãi thế này không ổn, mẹ quyết tâm học tiếng Việt. Học từ chồng, từ con, từ hàng xóm. 5 năm sau, mẹ đã có thể nói tiếng Việt như người Việt Nam”, mẹ Hiền kể.
Năm 1963, người con trai đầu của mẹ – anh Tống Văn Hiếu (SN 1943) lên đường nhập ngũ. Chỉ 2 năm sau anh Hiếu hi sinh trong một trận đánh ở Rú Nài (Tp. Hà Tĩnh), mãi 4 năm sau mẹ mới nhận được giấy báo tử của anh. Mỗi khi nhớ về anh mẹ lại khóc: “Ngày con lên đường mẹ dúi vào tay hắn 10 đồng để phòng khi cần đến mà dùng nhưng hắn nhất định không nhận. Hắn bảo mẹ giữ lấy mà lo cho các em rồi chỉ xin cái khăn Thái của bà ngoại để làm kỷ niệm. Hắn đi chiến đấu rồi hi sinh, chưa về thăm mẹ, thăm em được lần nào”.
Ngày nhận được giấy báo tử của anh Hiếu, ông Hiền đổ bệnh rồi qua đời sau đó ít lâu, để lại cho mẹ mấy đứa con dại mà đứa út mới hơn 9 tháng tuổi.
Năm 1968, mẹ tiễn người con trai thứ hai Tống Văn San tòng quân. Hai năm sau, người con thứ 3 Tống Văn Xiên lại tiếp bước hai anh. Năm 1972, anh Xiên hi sinh ở chiến trường Lào. Chỉ trong một thời gian ngắn, mẹ mất đi hai đứa con trai và người chồng yêu quý. Đau đớn tưởng như mẹ có thể ngã quỵ nhưng rồi nén nỗi đau vào trong, mẹ quần quật làm việc để nuôi các con, để quên đi nỗi đau đớn, mất mát.
Sinh con trong thời loạn lạc, mẹ cũng muốn giữ con lại bên mình nhưng Tổ quốc cần các con của mẹ. 2 người con của mẹ là Tống Văn Ước và Tống Thị Nang lại tiếp bước các anh, xung phong ra trận tuyến. Mẹ sợ điều không may lại đến nhưng mẹ không giữ con lại. “Mất đi núm ruột của mình, mẹ đau đớn lắm nhưng con mẹ ra đi vì nước, vì dân và ngã xuống vì nền độc lập của nước nhà. Mẹ đau, mẹ thương các con lắm nhưng mẹ tự hào vì các con của mẹ đã đóng góp cho hòa bình của đất nước”, mẹ Hiền tâm sự.
Vượt qua nỗi đau về sự mất mát, mẹ dồn hết tâm huyết để chăm sóc các con và hoàn thành nhiệm vụ của một người cán bộ xóm. Hiện hài cốt của liệt sỹ Tống Văn Hiếu đã được quy tập về Nghĩa trang liệt sỹ thị xã Thái Hòa. Liệt sỹ Tống Văn Xiên yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Việt – Lào (huyện Anh Sơn, Nghệ An). 94 tuổi đời, 55 năm mẹ sống ở Việt Nam, trở thành người con của nước Việt Nam, người mẹ Việt Nam. Năm 2014, mẹ Tống Thị Hiền được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng như một lời tri ân cho những hi sinh, mất mát của người phụ nữ Thái Lan ấy.
Hiện giờ, ở tuổi xưa nay hiếm, mẹ sống bình yên và giản dị trong ngôi nhà tình nghĩa do Nhà nước xây tặng. “Nhà nước tặng mẹ danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng, mẹ vui và tự hào lắm. Mẹ tự hào vì các con mẹ đã ra đi vì nghĩa lớn. Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương rất quan tâm đến mẹ, mẹ không có gì phải phàn nàn nhưng thằng Hiếu hi sinh gần 50 năm rồi nhưng vẫn chưa được tặng cái Bằng Tổ quốc ghi công. Đối với mẹ, đó không phải là tờ giấy mà là sự ghi nhận của đất nước đối với xương máu của con mẹ”, giọng mẹ như trầm xuống.
Hơn nửa thế kỷ xa nơi chôn nhau cắt rốn, mẹ mới về thăm quê được 2 lần. “Lá rụng về cội”, mẹ cũng nhớ quê hương bản quán của mình nhưng Việt Nam là một phần cuộc đời của mẹ, là nơi các con mẹ đã hi sinh tuổi thanh xuân, hi sinh xương máu để bảo vệ. Bởi vậy, đối với mẹ, Việt Nam là quê hương thứ hai của mình, là nơi cho mẹ cuộc sống nhiều đau thương nhưng cũng rất đỗi tự hào. “Mẹ là mẹ Việt Nam”, mẹ nở nụ cười hiền từ.
Nguồn : Dantri.com.vn