Dưới cái nắng chói chang của những ngày giữa tháng 4, ông Trương Hoàng Lâm (61 tuổi) cùng hàng chục người dân thôn Bình Tuý (xã Bình Giang, Thăng Bình, Quảng Nam) hì hục đào bới miệng hầm, nơi chị gái Trương Thị Xáng đã hy sinh 50 năm trước với hy vọng khôi phục hệ thống địa đạo đã bị chôn vùi.
“Lúc đó tôi mới 11 tuổi nhưng ký ức về chị gái còn rất rõ”, ông Lâm chia sẻ. Gia đình có 3 chị em, người cha ra Bắc tập kết từ năm 1954. Là con đầu nên từ nhỏ chị Xáng phải cáng đáng hầu hết công việc của gia đình. Năm 16 tuổi, chị tham gia du kích địa phương.
Năm 2007, ông Lâm cùng người dân trong thôn lập đài tưởng niệm để tưởng nhớ sự kiện ngày 23/2/1965. Ảnh: Tiến Hùng. |
Là một trong 300 cán bộ, du kích được chị Trương Thị Xáng giải vây từ đường địa đạo, ông Nguyễn Xuân Tuế (70 tuổi, thôn Bình Hoà, Bình Giang), kể lúc đó ông từ Tiểu đoàn 70 đang đóng quân ở huyện Phước Sơn (Quảng Nam) về quê nghỉ phép, đồng thời mua nhu yếu phẩm mang lên đơn vị.
Rạng sáng 22/2/1965, ông Tuế trên đường về nhà, khi đi qua thôn Bình Tuý thì bị phục kích. “Nghe tiếng súng nổ, biết lính Việt Nam Cộng hòa đang đi càn nên chúng tôi phải trốn vào nhà dân bên đường, sau đó được người dân đưa xuống địa đạo để ẩn nấp”, ông Tuế kể.
“Trời vừa hửng sáng, dưới địa đạo hàng trăm bộ đội, du kích trong đó có nhiều cán bộ chủ chốt của tỉnh đang ẩn nấp. Trăm người ngồi im thin thít theo một hàng dài, trên mặt đất tiếng xe tăng gầm rú, tiếng súng càn… làm cho không khí càng thêm ngột ngạt”, ông Tuế nhớ lại.
Một lát sau, miệng địa đạo nằm trong khu vườn nhà chị Trương Thị Xáng bị phát hiện. Biết có người đang nấp ở dưới, lính Việt Nam Cộng hòa dàn quân phía bên trên. “Phá xong miệng hầm, họ bắt một số phụ nữ trong đó có tôi buộc dây dù vào chân, ép xuống địa đạo với mục đích chiêu hàng cán bộ. Tuy nhiên, xuống đến nơi chúng tôi tháo dây dù ra rồi ở lại dưới đó luôn”, bà Phan Thị Thâu (74 tuổi, xã Bình Giang) kể.
Sau khi được chị Xáng giải vây, ông Tuế tiếp tục hoạt động và bị mất một cánh tay. Ảnh: Tiến Hùng. |
Không thể chiêu hàng được, lính Việt Nam Cộng hòa dùng lá cây chất ở miệng hầm đốt, xông khói nhằm tạo áp lực với những người ở dưới. “Khói toả mù mịt xuống hầm, nhưng địa đạo được thiết kế có nhiều lỗ thông hơi theo những bụi tre phía trên dày đặc nên không có người nào bị ngạt”, ông Tuế nói.
Tuy nhiên, do khói bay lên theo ống thông hơi và một số điểm thoát hiểm nên sau đó bị phát hiện. Lúc này do cả bên đều không nắm rõ về lực lượng của nhau, sợ bị tấn công bất ngờ nên lính Cộng hòa không dám buông súng để đào bới các điểm thoát hiểm này. Họ chỉ cho quân lính canh chừng, chờ chi viện.
Có lúc lính Cộng hòa dùng xăng đổ vào miệng hầm rồi đốt, mùi xăng nồng nặc xộc xuống địa đạo. “Một số bộ đội phía dưới phải dùng xẻng đào đất để lấp miệng hầm lại. Sau đó lính Cộng hòa ở bên trên lại xới tung lên rồi ném lựu đạn và nổ súng nhưng bị bắn trả. Không khí rất căng thẳng”, ông Tuế nhớ lại.
Biết 300 cán bộ, du kích đang ở phía dưới sẽ không chịu đựng được lâu nữa trong khi lính Việt Nam Cộng hòa được điều động đến ngày càng đông, chị Trương Thị Xáng liền chạy tới miệng hầm trong vườn mình.
“Chị Xáng giải thích với lính canh rằng, cả hai bên đều là người Việt cả. Không nên đốt xăng, xông khói nữa kẻo gây hại đến đồng bào”, ông Tuế nói và cho rằng một số lính Cộng hòa tỏ ra quá mệt mỏi với cuộc chiến, với súng đạn. Họ có vẻ không muốn làm hại phía bên kia nên sau khi được chị Xáng vận động, họ ngừng đốt và giãn vòng vây.
Miệng địa đạo nơi chị Xáng hy sinh vô tình được người dân phát lộ sau 50 năm bị vùi lấp. Ảnh: Tiến Hùng. |
Đến tối cùng ngày, chị Xáng xin nhóm lính canh mang nước uống xuống cho những người phía dưới địa đạo. Lính Cộng hòa đưa cả đèn pin để chị xuống hầm. Xuống tới nơi, biết được lối địa đạo thông ra hướng sông Trường Giang không có quân canh gác, nên đến khoảng 22h, nhóm người đầu tiên kẹt dưới hầm được chị Xáng dẫn lên trên rồi bơi qua sông, thoát khỏi vòng vây.
5h sáng 23/2/1965, 300 cán bộ, du kích thoát khỏi địa đạo theo chỉ dẫn của chị Xáng. Sợ có người vẫn còn sót lại do đuối sức, chị Xáng cầm đèn pin quay xuống địa đạo tìm. Không thấy ai, nghĩ đám lính canh đã được vận động sẽ không làm hại nên chị leo lên miệng hầm trong chính khu vườn nhà mình.
“Lúc này lính Việt Nam Cộng hòa đã đổi gác nên thấy chị cầm đèn từ dưới ngoi lên, họ đã nổ súng. Chị Xáng trúng đạn, hy sinh khi mới 18 tuổi”, ông Trương Hoàng Lâm kể và cho hay nữ du kích khi đó mới cưới chồng, đang mang bầu 3 tháng. Chồng và người em trai của chị Xáng cũng tham gia bộ đội, hy sinh ở chiến trường sau đó 3 năm. Năm 2012, Trương Thị Xáng được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.
Miệng địa đạo sau đó bị vùi lấp bằng mìn và thuốc nổ. Cuối năm 1965, người dân trong thôn muốn khôi phục đường hầm để tiếp tục phục vụ kháng chiến. Tuy nhiên trong lúc đào bới, một người không may cuốc trúng quả mìn còn sót lại, tử nạn. Từ đó đến nay, địa đạo Bình Tuý chỉ còn trong ký ức của những bậc cao niên trong làng