Lá thư cuối cùng của người lính xe tăng cảm tử
Bài, ảnh: MAI NGỌC- HƯƠNG SEN
Những lá thư cuối cùng của liệt sĩ Nguyễn Đắc Lượng, thành viên kíp xe tăng 377- kíp xe đã lập công xuất sắc và anh dũng hy sinh trong trận đánh căn cứ Đắc Tô- Tân Cảnh ngày 24-4-1972 được trưng bày tại Bảo tàng Lực lượng Tăng-Thiết giáp đã để lại dấu ấn sâu đậm với đông đảo khách tham quan.
Những thuyết minh viên của Bảo tàng đã nhiều lần được cầm, ngắm, đọc và cảm nhận đến từng nét chữ, từng lời viết trong lá thư của người chiến sĩ xe tăng viết cho anh trai mình trước khi bước vào chiến dịch Tây Nguyên (năm 1972). Mỗi lần xem thư và giới thiệu trận đánh căn cứ Đắc Tô – Tân Cảnh cho khách tham quan là một lần trong lòng các thuyết minh viên lại trào dâng xúc động, sự hoài cảm khôn nguôi về một con người.
Cán bộ Bảo tàng Lực lượng Tăng-Thiết giáp giới thiệu hiện vật về kíp xe tăng 377 |
Anh Nguyễn Đắc Lượng sinh ra và lớn lên ở một làng quê nghèo vùng trung du Phú Thọ. Rời ghế nhà trường, anh xung phong nhập ngũ. Tạm biệt quê hương, gia đình, Nguyễn Đắc Lượng hành quân vào chiến trường miền Nam chiến đấu trong đội hình “lính xe tăng”. Anh mang theo mình tình yêu và nỗi nhớ quê hương cùng những người thân yêu da diết. Miền Nam đau thương và anh dũng đang chờ những chàng trai như anh ra trận. Là người lính tuổi đôi mươi, anh xác định rõ trách nhiệm của mình, sẵn sàng cống hiến và hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân mà quên đi hạnh phúc riêng mình. Tình yêu ấy, lý tưởng ấy quện chặt trong anh; để những khi rảnh rỗi, anh lại gói vào những cánh thư, gửi về hậu phương, nơi những người thân đau đáu ngóng trông. Những lá thư vượt Trường Sơn, vượt qua bao nhiêu đèo cao, suối sâu, vực thẳm, vượt qua bom đạn ác liệt của kẻ thù, được đổi bằng máu của những chiến sĩ quân bưu mới về đến quê hương. Sự khốc liệt của chiến tranh đã làm cho những cánh thư đi về không trọn vẹn, chỉ có 3 lá thư tới đúng địa chỉ. Gia đình đón nhận, nâng niu, gìn giữ đến giờ. Khi trao những bức thư này cho Bảo tàng Lực lượng Tăng-Thiết giáp, anh Nguyễn Đắc Lực – anh trai liệt sĩ Nguyễn Đắc Lượng đã nói: “Đó là kỷ vật cuối cùng của người em trai yêu quý của tôi”.
Phong bì lá thư cuối cùng của liệt sĩ Nguyễn Đắc Lượng. |
Thời gian trôi qua hơn một phần ba thế kỷ, những phong bì thư đã cũ sờn các góc, nhưng những nét chữ trong thư vẫn tươi nguyên màu mực, lá thư cuối anh viết cho người anh trai của mình vào ngày 31-10-1971, khi đang ở chân dãy núi Trường Sơn. Nội dung thư mộc mạc, giản dị, chứa chan tình cảm của người chiến sĩ ở độ tuổi đôi mươi, nhưng toát lên một tinh thần lạc quan cách mạng, bản lĩnh và nghị lực, một ý chí và lý tưởng sống cao đẹp. Những dòng thư ngắn ngủi anh viết tuy chưa nói hết những điều muốn nói, nhưng tôi biết, chứa đựng trong đó là đầy ắp ký ức tuổi thơ đẹp đẽ, tình yêu quê hương cháy bỏng, ngọn lửa cách mạng nhiệt thành, bầu nhiệt huyết và con tim tha thiết được sống và hiến dâng giá trị đích thực của con người cho lý tưởng. Lý tưởng ấy luôn được thắp sáng và hun đúc bằng một niềm tin mãnh liệt, đó là đất nước nhất định độc lập, Bắc- Nam xum họp một nhà, trong niềm vui chung của dân tộc có niềm vui riêng của anh và gia đình.
“Anh yêu quý! đơn vị em hiện đang ở chân dãy Trường Sơn, đợt này em đi có thể đến ngày thống nhất đất nước em mới về. Lúc này, giữa cánh rừng Trường Sơn bao la, em rất nhớ và muốn được về thăm quê hương và gia đình. Nhưng tuổi trẻ phải cống hiến và hy sinh, em và những đồng đội phải làm tròn nhiệm vụ Tổ quốc giao cho. Còn chuyện hạnh phúc riêng của em, em sẽ đợi đến ngày đất nước ca khúc khải hoàn, lúc đó sẽ vui hơn rất nhiều anh nhỉ…”- Nguyễn Đắc Lượng viết lá thư này trước khi đơn vị bước vào trận đánh, đó là trận tiến công căn cứ Đắc Tô- Tân Cảnh mà anh linh cảm thấy sự khốc liệt và những mất mát, hy sinh.
Ngày 24-4-1972, Nguyễn Đắc Lượng cùng kíp xe tăng mang số hiệu 377 thuộc Trung đội 3, Đại đội 7, Tiểu đoàn tăng 297, tham gia trận đánh Đắc Tô- Tân Cảnh. Sau khi quân ta thắng lợi giòn giã và làm chủ Tân Cảnh, trung đội 3 được lệnh tiến công căn cứ Đắc Tô 2. Kíp xe 377 dẫn đầu đội hình vượt qua nhiều đợt bắn phá ác liệt của máy bay địch, đến Đắc Tô 2 sớm nhất. Thấy xe tăng ta ít, quân địch trong căn cứ cho xe tăng ra phản kích. Với ý chí quyết tâm cao độ và lòng căm thù giặc, xe 377 đã nhanh chóng làm chủ tình thế, lao thẳng vào đội hình xe tăng địch, bắn cháy liên tiếp 7 xe tăng M41, làm quân địch hoảng loạn, tạo thời cơ cho xe tăng và bộ binh ta tiến lên tiêu diệt địch và làm chủ căn cứ Đắc Tô 2. Nhưng cả kíp xe 377 đã anh dũng hy sinh, các anh đã mãi mãi nằm lại nơi đất mẹ thân yêu khi tuổi đời còn rất trẻ.
Ảnh liệt sĩ Nguyễn Đắc Lượng trong Bảo tàng Lực lượng Tăng-Thiết giáp |
Ngày cả nước tưng bừng mừng chiến thắng, ca khúc khải hoàn, người anh trai của anh giở lá thư cuối cùng ra đọc. Nước mắt anh đã thấm nhoè nét chữ, anh nhớ thương người em yêu quý của mình… Tây Nguyên được giải phóng, cuộc sống mới đã làm đổi thay diện mạo nơi đây. Những toà nhà công sở, trường học, bệnh viện, những rừng cao su, cà phê bạt ngàn…Tây Nguyên ngày càng giàu, đẹp. Tổ quốc không quên những người con cảm tử. Chiến công của anh cùng kíp xe tăng 337 đã hoá thành bất tử. Ngày 9-2-2009, kíp xe 377 được Chủ tịch nước ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Ở một vị trí đẹp nhất của thành phố Kon Tum hiện nay, chiếc xe tăng 377 được tôn vinh sừng sững giữa núi rừng. Ngày ngày, các em học sinh và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đặt dưới chân tượng đài những bông hoa rừng thơm ngát với tấm lòng thành kính… Một cựu chiến binh, sau khi đọc bức thư của liệt sĩ Nguyễn Đắc Lượng đã viết trong sổ ghi cảm tưởng của Bảo tàng: “Lá thư của liệt sĩ Nguyễn Đắc Lượng đã làm chúng tôi rất xúc động, bởi lẽ nội dung trong thư và trận đánh vào căn cứ Đắc Tô- Tân Cảnh đã đánh thức lý tưởng sống cao đẹp, biết gạt bỏ những ham muốn tầm thường để cống hiến, hy sinh trọn đời cho non sông đất nước…”.
Bạn Hoàng Trung Dũng, sinh viên trường Đại học Ngoại Thương ngậm ngùi: “Khi được đọc bức thư của người chiến sĩ xe tăng cảm tử, tôi càng thêm tin rằng vẫn còn có những tâm hồn cao đẹp, biết cống hiến đời mình cho Tổ quốc thân yêu như các liệt sĩ, thành viên kíp xe tăng 377. Cám ơn các chị, các anh trong Bảo tàng Lực lượng Tăng thiết giáp, cám ơn liệt sĩ Nguyễn Đắc Lượng, đã giúp tôi tìm lại chính mình, chúng tôi nguyện phấn đấu hết mình để thật xứng đáng với sự hy sinh to lớn của các anh, mong rằng Bảo tàng tiếp tục là nơi để thế hệ trẻ chúng tôi soi mình trong đó”.