Phóng viên chỉ biết đứng thẳng
Trong chuyến đi công tác về Quảng Trị, đoàn nhà báo chúng tôi có dịp gặp gỡ các nhân chứng, ghi lại những câu chuyện chiến đấu và phản ánh sự hồi sinh trên vùng đất chiến trường ác liệt năm xưa của tỉnh Quảng Trị. Vùng đất mà bom đạn địch cày xới đến không còn viên gạch nào nguyên vẹn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trước tiên, chúng tôi vào Nghĩa trang liệt sĩ huyện Gio Linh để thắp hương tưởng niệm nhà báo, anh hùng liệt sĩ Lê Đình Dư và các anh hùng liệt sĩ nơi đây.
Nghĩa trang liệt sĩ huyện Gio Linh nằm sát bên đường lớn. Trong nắng chiều vàng cam, gió từ Cửa Việt thổi về khiến những chiếc lá dương liễu khô bay lăn tăn trên không trung. Không khí trầm lắng trên nghĩa trang khiến mỗi người trong đoàn nhà báo chúng tôi cảm thấy linh thiêng hơn. Bằng lòng thành kính, chúng tôi dâng lễ, thắp nén hương thơm lên mộ liệt sĩ, nhà báo Lê Đình Dư và các ngôi mộ xung quanh. Gió vẫn dào dạt thổi. Nhìn khói hương tỏa lên, trong mỗi chúng tôi lại hình dung về một thời chiến tranh ác liệt mà thế hệ cha anh đi trước qua những câu chuyện kể…
– Làm nhà báo, phóng viên của Báo Quân đội nhân dân cần phải có phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, dũng cảm, không ngại hy sinh, gian khổ và luôn “đứng thẳng”, như anh Lê Đình Dư!
Nhà báo, Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng nói với những nhà báo trẻ chúng tôi như vậy. Tôi đã được nghe nhiều câu chuyện về liệt sĩ, nhà báo Lê Đình Dư, qua các nhà báo sống cùng thời với ông kể trong những cuộc gặp mặt truyền thống các thế hệ của Phòng Quân sự (nay là Phòng biên tập Quốc phòng-An ninh), Báo Quân đội nhân dân. Câu chuyện tác nghiệp trên chiến trường và chiến đấu anh dũng của phóng viên Lê Đình Dư, tôi cũng được nghe kể tường tận khi đi cùng Đại tá Trần Văn Thà, nguyên là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 47, Trung đoàn 270, trên đường về quê xã Thụy Lôi, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên ngày 13-12-2005. Ngày ấy, Đại tá Trần Văn Thà về xã Thụy Lôi, thông báo cho cấp ủy, chính quyền địa phương và gia đình liệt sĩ, nhà báo Nguyễn Ngọc Nhu biết về việc tìm kiếm và nơi an táng phần mộ của anh tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Gio Thành, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Nhà báo Nguyễn Ngọc Nhu và nhà báo Lê Đình Dư, cùng là phóng viên Báo Quân đội nhân dân, vào chiến trường B5 tháng 1-1968. Cả hai phóng viên cùng được phân công đi theo Tiểu đoàn 47 để phản ánh tinh thần chiến đấu, quyết tâm đánh Mỹ của bộ đội và LLVT, nhân dân địa phương nơi tuyến lửa Quảng Trị.
Các phóng viên (từ trái sang): Nguyễn Đức Toại, Nguyễn Ngọc Nhu và Lê Đình Dư Vĩnh Linh (Quảng Trị). Ảnh tư liệu. |
– Cuối năm 1967, tôi được cấp trên điều động từ đảo Cồn Cỏ về nhận nhiệm vụ mới, làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 47 thuộc Trung đoàn 270-Đại tá Trần Văn Thà kể. Nhiệm vụ của trung đoàn là tác chiến, chốt giữ khu vực Cửa Việt, không cho địch tạo bàn đạp, vận chuyển vũ khí, phương tiện chiến tranh, hàng quân sự từ cảng Cửa Việt lên Đông Hà, căn cứ Khe Sanh, sân bay Tà Cơn (Quảng Trị). Tiểu đoàn 47 thực hiện nhiệm vụ của trung đoàn giao, phải đánh cho địch thiệt hại nặng, ngăn chặn sự tiếp tế của địch cho chiến trường Quảng Trị, góp phần để Bộ tư lệnh B5 thực hiện kế hoạch tác chiến và LLVT cùng nhân dân địa phương chiến đấu trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968.
Khi ta mở cuộc tiến công vào các căn cứ của địch ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) trong Chiến dịch Khe Sanh-1968, Quân đội Mỹ khẩn trương điều động lực lượng, vũ khí, phương tiện chiến tranh, hàng quân sự qua cảng Cửa Việt, lên Đông Hà, theo Đường 9 để tiếp tế Khe Sanh. Đây là thời cơ chiến đấu tiêu diệt quân Mỹ và Quân đội Sài Gòn của Trung đoàn 270. Tiểu đoàn 47 được trung đoàn giao nhiệm vụ cơ động vào sâu sát Cửa Việt, chốt giữ đánh địch. Tiểu đoàn được tăng cường quân số, phái viên của mặt trận, đặc biệt là hai phóng viên Báo Quân đội nhân dân là Thượng úy Lê Đình Dư và Trung úy Nguyễn Ngọc Nhu. Tôi cảm nhận được tính chất quan trọng của nhiệm vụ mà tiểu đoàn đảm nhiệm và sự quyết liệt của các trận chiến đấu sắp tới trên vùng đất Cửa Việt này. Tại đây, địch cũng bị Bộ đội Đặc công Đoàn 126 Hải quân và LLVT tổ chức đánh nhiều trận, chịu những tổn thất, thiệt hại lớn, nên càng điên cuồng tìm và tiêu diệt các đơn vị bộ đội ta, quyết tâm “nhổ chốt” cản trở chúng.
Gặp tôi, nhà báo Lê Đình Dư giới thiệu: Báo cáo đồng chí Tiểu đoàn trưởng, tôi, Thượng úy Lê Đình Dư, phóng viên Báo Quân đội nhân dân, từng là sĩ quan hải quân, biết sử dụng thành thạo các loại vũ khí bộ binh. Như vậy, ngoài cương vị nhà báo, tôi còn là chiến sĩ thực thụ trong đội hình chiến đấu của tiểu đoàn, nếu đạt danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”, xin Tiểu đoàn trưởng ghi nhận cho, đừng nghĩ tôi là “khách” của tiểu đoàn.
Mới gặp mà tôi đã rất ấn tượng và cảm tình với hai nhà báo quân đội, nhất là với Lê Đình Dư. Các anh không sợ khó khăn, gian khổ, hy sinh, dám vào chiến trường, bám sát bộ đội, theo đội hình chiến đấu của đơn vị để tác nghiệp, ghi lại những hình ảnh, tư liệu thực tế để viết nên những bài báo, câu chuyện chiến đấu đăng trên báo. Cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn chúng tôi thấy vinh dự, nhưng cũng thấy trách nhiệm lớn lao, nhất là việc bảo đảm an toàn cho hai nhà báo.
Tôi nói đùa với nhà báo Lê Đình Dư: – Đơn vị ta chốt giữ tại khu vực Cửa Việt này để đánh tàu chiến và chống lại sự tiến công, càn quét của quân địch, đặc biệt là lực lượng tinh nhuệ thủy quân đánh bộ Mỹ. Bây giờ tiểu đoàn ta cũng có một chiến sĩ “thủy quân đánh bộ”, thế là một chọi hàng nghìn tên thủy quân đánh bộ địch!
Ban chỉ huy tiểu đoàn hội ý nhanh và phân công nhiệm vụ cho các đại đội, phân đội hỏa lực. Nhà báo Nguyễn Ngọc Nhu đi theo Đại đội 1, chiến đấu khu vực làng Nhĩ Hà, huyện Gio Mỹ (nay là xã Gio Thành), do đồng chí Nguyễn Quang Khanh làm Chính trị viên đại đội. Nhà báo Lê Đình Dư đi cùng với tôi, chỉ huy Tiểu đoàn 47.
Theo nhiệm vụ phân công của trung đoàn, toàn tiểu đoàn khẩn trương làm công tác chuẩn bị. Từ đêm 19-1-1968, đơn vị chúng tôi hành quân vượt sông Bến Hải vào chiếm lĩnh trận địa. Tiểu đoàn cùng với lực lượng phối thuộc, hành quân dưới giao thông hào, ra bến đò Tùng Luật để vượt sông. Bến đò có 5 ghe do các o dân quân chèo, mỗi ghe chở được 30 người. Chừng hơn một giờ sau, cả đơn vị tôi đã chiếm lĩnh các vị trí theo đúng phương án tác chiến. Theo sự phân công của tiểu đoàn, phân đội đặc công làm nhiệm vụ thả mìn, thủy lôi từ Xuân Khánh lên Xóm Kênh. Đại đội bộ binh 2 chiếm lĩnh Xuân Khánh-Hoàng Hà. Đại đội bộ binh 1 chiếm lĩnh thôn Nhĩ Hà-Gio Mỹ. Đại đội Bộ binh 3 chiếm lĩnh thôn Xóm Kênh. Hỏa lực ĐKZ đánh tàu địch ở bờ sông. Còn lực lượng súng máy 12,7mm bố trí ở khu rừng Lâm Xuân Đông. Đại đội bộ binh địa phương huyện Gio Linh chiếm lĩnh làng Mai Xá, Lâm Xuân Tây.
Ngày 20-1-1968, đơn vị tôi bước vào chiến đấu. Các đại đội, trung đội đồng loạt nổ súng đánh địch. Bị đánh bất ngờ, địch thiệt hại nặng, nhiều tàu chiến bị đánh chìm. Đơn vị có thêm dũng sĩ diệt Mỹ, diệt xe tăng địch. Hai nhà báo Lê Đình Dư và Nguyễn Ngọc Nhu rất phấn khởi vì đã ghi chép được nhiều tư liệu chiến đấu thực tế quý báu, những tấm gương chiến đấu dũng cảm và chụp được những hình ảnh chiến đấu sinh động của quân và dân ta.
Sau ngày đầu chiến đấu, Ban chỉ huy Tiểu đoàn 47 họp đánh giá tình hình và nhận định: Bị đòn đau hôm nay, ngày mai địch sẽ huy động lực lượng với hải quân, không quân, bộ binh sẽ đánh ác liệt vào đội hình tiểu đoàn. Chúng quyết tâm “nhổ” các chốt của ta, để vận chuyển vũ khí, đạn dược và phương tiện chiến tranh lên Đông Hà và Khe Sanh, Tà Cơn. Toàn tiểu đoàn quyết tâm chốt giữ, trụ vững, chiến đấu đến người cuối cùng!
Tôi và Chính trị viên phó tiểu đoàn Trần Thanh Lục gặp gỡ hai nhà báo Lê Đình Dư và Nguyễn Ngọc Nhu, nói về tính quyết liệt của các trận đánh ngày mai và những hôm sau. Thương vong có thể xảy ra rất lớn và chúng tôi có ý đề nghị các nhà báo ở trong hầm công sự của chỉ huy cho an toàn. Nhưng những khó khăn, gian khổ và có thể hy sinh mà chúng tôi nêu ra không làm lay chuyển quyết tâm bám chốt, sát cánh cùng bộ đội chiến đấu của hai nhà báo.
Đúng như dự kiến, từ đêm 20 sang ngày 21-1-1968, địch bắn pháo dữ dội. Mới 6 giờ sáng, các loại máy bay địch thay nhau quần thảo ném bom, bắn rốc-két trên toàn trận địa. 8 giờ, bộ đội Tiểu đoàn 47 bắn chìm một tàu vận tải và bắn cháy hai sà lan, một tàu hộ tống trên sông Hoàng Hà-Mai Xá Thị. 10 giờ, Trung đoàn 2 Quân đội Sài Gòn, một tiểu đoàn biệt động và một tiểu đoàn thủy quân đánh bộ Mỹ dựa vào hỏa lực mạnh với 20 xe thiết giáp ồ ạt tấn công vào trận địa của ta. Bộ đội ta đánh trả quyết liệt, bắn cháy 3 xe thiết giáp và diệt nhiều tên địch. 15 giờ 30 phút, một đại đội bộ binh địch chiếm được một phần Xóm Kênh và khoảng hai đại đội bộ binh địch với 3 xe thiết giáp chiếm một phần thôn Lâm Xuân Đông. Ta kiên quyết giành giật lại những gì đã mất. Tôi vừa chỉ huy đơn vị, vừa chiến đấu như một chiến sĩ. Nhà báo Lê Đình Dư bên cạnh tôi cũng “tả xung hữu đột” chụp ảnh, ghi chép. Tôi nói với nhà báo Lê Đình Dư: Anh Dư ạ, anh đã cùng tôi suốt trận đánh, tư liệu có nhiều rồi, anh nên về chỗ đồng chí Trần Thanh Lục, ở đó có hầm tốt hơn. Anh Dư nói: Tôi không thể không ghi chép, ghi lại những hình ảnh bộ đội chiến đấu dũng cảm như thế này. Nhất là tôi cần phải thấy rõ hơn hình ảnh quả cảm, chỉ huy đơn vị đánh địch của anh, người Tiểu đoàn trưởng mà tôi quý mến và nung nấu câu chuyện chiến đấu mà anh là nhân vật chính!
(Còn nữa)
Nguồn qdnd.vn