Bức thư viết bằng dự cảm
Nếu ai đã đọc nhiều ký sự, truyện chiến tranh hẳn không thấy lạ khi một người lính có những biểu hiện khác thường hoặc có linh cảm trước khi chết. Tuy nhiên, trường hợp có thể viết thư cho gia đình báo việc mình chết từ trước 3 tháng thậm chí chỉ rõ cả nơi mình được đồng đội chôn cất thì có lẽ liệt sĩ Lê Văn Huỳnh là duy nhất.
Anh Huỳnh sinh năm 1949, trong một gia đình nông dân ở Thái Bình. Đang học năm thứ 4 trường đại học Xây dựng thì chiến dịch xuân hè 1972 nổ ra ác liệt. Như bao bạn bè sinh viên khác, anh Huỳnh xung phong nhập ngũ vào Quảng Trị chiến đấu bảo vệ thành cổ.
![]() |
Bức thư của liệt sĩ Huỳnh được trưng bày trong bảo tàng thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Người Đưa Tin. |
Vào tháng 9/1972 đơn vị Huỳnh đang ở bên này sông Thạch Hãn thì được lệnh vượt sông sang thành cổ. Trong 81 ngày đêm ở thành cổ, tướng lĩnh ta sau này thống kê trung bình mỗi ngày ta mất khoảng 1 đại đội. Sự khốc liệt như thế nên vào giữ thành cổ là xác định khó có ngày về. Bởi vậy anh Huỳnh đã viết thư về vĩnh biệt gia đình.
Anh viết: “Quảng Trị, ngày 11 tháng 9 năm 1972. Hôm nay con ngồi đây biên những dòng chữ cuối cùng, phòng khi đã “đi nghiên cứu bí mật dưới lòng đất” thì gia đình khỏi thấy đó là điều đột ngột.
Mẹ kính mến!… Con đi, mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu. Coi như con lúc nào cũng nằm bên mẹ. Mẹ đừng buồn cho linh hồn con được thoải mái bay đi. Bố con đã đi xa, để lại cho mẹ bao khó nhọc. Nay con đã đến ngày khôn lớn thì… Thôi nhé, mẹ đừng buồn, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau!”.
![]() |
Chân dung liệt sĩ Huỳnh. Ảnh: Người đưa tin. |
Điều đặc biệt nhất trong lá thư của anh Huỳnh là anh đã dự cảm chính xác ngày mình hy sinh là ngày 2/1/1973 và còn hướng dẫn tỉ mỉ cho vợ mình đường đi để tìm hài cốt anh về nếu sau này có điều kiện. Trong lá thư cho người vợ là Đặng Thị Xơ, anh viết: “Em sẽ đọc bức thư này cho mọi người trong gia đình nghe trong buổi lễ truy điệu anh. Cho anh gửi lời chúc sức khỏe những người thân thuộc trên quê hương trong buổi lễ truy điệu lịch sử này.
…Thôi nhé em đừng buồn, khi được sống trong hòa bình hãy nhớ tới anh. Nếu thương anh thực sự thì khi hòa bình có điều kiện vào Nam lấy hài cốt anh về.
Đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hi sinh khi đưa hàng qua sông. Từ thị xã qua cầu ngược trở lại hỏi thăm về Nhan Biều 1, sẽ thấy tấm bia ghi dòng chữ tên anh đục trên mảng tôn. Thôi nhé, đấy là có điều kiện, còn không thì em cứ làm tốt những điều anh dặn ở trên là tốt rồi…”.
Nhờ những hướng dẫn đó, sau này gia đình đã tìm thấy mộ liệt sĩ Huỳnh. Về phần bức thư, phải 3 năm sau ngày anh Huỳnh mất mới về tới đích. Ngày 5/3 vừa qua, Trung tâm bảo tồn di tích – danh thắng tỉnh Quảng Trị đã thông báo phục chế thành công bức thư này và hiện tại nó được trưng bày tại Bảo tàng thành cổ Quảng Trị.