Tổ đặc công quả cảm ngày ấy
TRỊNH DŨNG
Tháng 11-1967, một tổ Đặc công nước của Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác đã bí mật phục kích đánh chìm một tàu chở vũ khí kéo theo 8 xà lan trọng tải cả nghìn tấn/chiếc và hàng trăm lính Mỹ. Họ đã anh dũng hy sinh. Ghi nhớ chiến công này, bà con xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đã xây dựng một ngôi đền nhỏ ngay tại bến sông, nơi các chiến sĩ đặc công phá hủy con tàu để hằng ngày hương khói thờ phụng và nhắc nhở mọi người không quên sự hy sinh của họ.
Đại tá Nguyễn Hoàng Dục, nguyên chiến sĩ Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác kể lại: Vào cuối tháng 11-1967, tại rừng tràm ấp Bà Bông, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), nơi đặt Sở chỉ huy của chiến khu Rừng Sác, đồng chí Lương Văn Nho (tức Hai Nhã)-Tư lệnh, đêm đêm không ngủ, trăn trở suy nghĩ, tìm cách chặn đánh, tiêu diệt các đoàn tàu địch trên sông Đồng Nai. Sau khi bàn bạc, thống nhất chủ trương, ý định tác chiến trong Đảng ủy, chỉ huy, đồng chí Hai Nhã quyết định giao nhiệm vụ cho một tổ đặc công nước gồm 3 đồng chí của Đại đội 2 sang phối thuộc cho Y4 bên Thủ Đức nghiên cứu, lập trận địa, tổ chức đánh tàu địch (Y4 là Đoàn biệt động Sài Gòn-Gia Định). Ba đồng chí trong tổ Đặc công gồm đồng chí Hoàng Nhật, tổ trưởng, anh nhập ngũ năm 1963, quê ở Quảng Bình. Hai tổ viên là đồng chí Đại, cũng quê ở Quảng Bình và đồng chí Cốt quê ở xã Thái Đô, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Bên Y4 biệt động có một đồng Lê Ngọc Thăng, quê ở huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, cùng tham gia trinh sát, bảo đảm cho trận đánh này.
Bộ đội Đặc công Rừng Sác với những chiến công huyền thoại trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh tư liệu. |
Cả tổ bí mật vượt qua các tuyến án ngữ dày đặc của địch từ Phước Lý đến thành Tuy Hạ để điều tra, nghiên cứu, chọn khúc sông địch có nhiều sơ hở để lập trận địa. Ba đêm liền nhờ du kích dẫn đường, vượt qua các chốt ngăn chặn của địch, anh em đến một căn nhà lá đơn sơ ẩn mình trong những khóm dừa nước rậm rạp, đó là nhà của ông Năm, một cơ sở tin cậy của ta. Cả tổ nhanh chóng cất giấu súng B41, tiểu liên AK. Ban ngày ém ở bìa sông, nhân dân tiếp tế cơm, nước, đến tối cùng nhau lặn hụp dưới dòng sông Đồng Nai sâu thẳm. Để giữ bí mật cho nhiệm vụ, bà con cô bác có hỏi, anh em chỉ bảo ra sông câu cá lớn về liên hoan. Anh em xin ông Năm mấy cây cau già cao vút, chặt hạ rồi hí húi đục đẽo…
Như thường lệ, trước khi đoàn tàu vận tải hành trình, Mỹ đều cho phi pháo đánh phá, sử dụng các tàu rà quét mìn chạy trước hai bên dọn đường với những móc sắt, răng cào sát mặt bùn đáy sông nhằm cắt đứt mọi dây điện điểm hỏa thủy lôi. Dùng thân cây cau già, đục ruột, luồn dây điện, chôn xuống bùn chính là để chống lại các biện pháp kỹ thuật rà quét của tàu địch. Giải pháp kỹ thuật này được đặc công nước Rừng Sác nghiên cứu vận dụng đánh chắc thắng các đoàn tàu địch trên sông Lòng Tàu, làm như vậy khi móc sắt cắt dây điện kéo tới, nếu đụng phải, nó sẽ lăn tròn theo và trượt qua, bảo vệ được dây điểm hỏa. Mọi công việc bố trí trận địa thủy lôi đánh tàu địch được hoàn tất trước khi trời sáng.
Sáng tinh mơ, gió se se lạnh của một ngày cuối tháng 11-1967, những vạt lúa Long Tân chín cong trái me trải khắp vùng quê, có một số bà con ra đồng gặt lúa. Bỗng chốc máy bay đầm già (L19) bay lượn, nghiêng trao nhòm ngó hai bìa sông. Khi các tàu rà quét mìn di chuyển ngược lên thượng lưu thì từng tốp máy bay trực thăng quần đảo sát những lùm cây, gió cuốn nghiêng ngả. Những trận địa pháo thi nhau nã đạn vào những nơi chúng nghi ngờ lực lượng ta phục kích. Cả một vùng quê chấn động bởi pháo quân thù. Cứ mỗi khi có tàu địch hành trình trên sông thì “bản nhạc” này lại tấu lên, trình diễn khoảng hơn nửa giờ, mãi rồi dân ở đây cũng thành quen, mặc kệ chúng, lại cày cuốc, lao động mưu sinh. Từ phía Cát Lái vọng về tiếng máy tàu ì ầm. Một chiếc tàu lớn, kéo sau 8 xà lan trọng tải cả nghìn tấn/chiếc, chở đầy bom đạn, hai bên sườn đoàn xà lan là 4 chiếc tàu chiến chở đầy lính Mỹ, súng pháo lăm lăm, xé nước ngược xuôi hộ tống bảo vệ đoàn tàu. Các chiến sĩ đặc công nước bí mật phục chờ trong lùm cây lau sậy, một người sẵn sàng dùng súng B41 bắn yểm trợ và cũng phòng khi kíp trái nổ bị lép thì bắn thẳng vào đoàn xà lan, kích cho bom đạn trên đó nổ. Một người làm nhiệm vụ điểm hỏa ở phía sau, cách mép sông khoảng 7m lấy đầu đồng chí phía trước làm lộ tiêu ngắm đoàn tàu, sẵn sàng điểm hỏa. Căng thẳng tột độ, thời cơ đã đến, cả tổ nghiến răng, dồn hết tâm lực vào trận đánh, họ cùng nhau đếm một, hai, ba… Đánh!
Một tiếng nổ long trời lở đất kèm theo cột nước khổng lồ dâng cao hàng trăm mét, vét cạn ló bùn cả một đoạn sông Đồng Nai do cùng một lúc cả chục ngàn tấn bom đạn phát nổ, phá toang và nhấn chìm cả 8 chiếc xà lan, một tàu kéo hạng nặng và 4 chiếc tàu chiến đấu cùng hàng trăm lính Mỹ xuống dòng sông sâu. Chiếc máy bay trinh sát L19 đang bay phía trên đoàn xà lan, bị bom đạn nổ văng cánh, đâm thẳng xuống sông. Sức công phá của bom đạn quăng cả những mảnh xác tàu, xà lan vung vãi khắp cánh đồng…
Chiến thắng này đã làm nức lòng quân, dân cả nước, nhưng các chiến sĩ đặc công nước thì vĩnh viễn ra đi, máu của họ đã thấm đẫm mảnh đất Long Tân, họ đã hóa thân vào mảnh đất này.
Nguồn : QĐND Online