Liệt sĩ Đặng Thị Kim (tên thường gọi là Đặng Thị Oanh), sinh ngày 19.12.1929 trong một gia đình viên chức nghèo tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, H.Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Năm 1945, chị cùng các anh chị vào Nha Trang (Khánh Hòa) sống với cậu ruột. Chị sớm giác ngộ cách mạng và tham gia công tác trong Đội thiếu niên P.3, TX.Nha Trang lúc bấy giờ.
Năm 16 tuổi, chị được Tỉnh ủy Khánh Hòa phân công vào Đội tuyên truyền xung phong, hoạt động bí mật tại Nha Trang và các cùng phụ cận.
Tháng 7.1946, chị được cử vào Ban chấp hành Hội Phụ nữ cứu quốc Nha Trang. Thời gian này, chị tham gia lãnh đạo cuộc biểu tình ngày 30.10.1946, đòi Chính phủ Pháp phải thi hành Hiệp định sơ bộ 6.3 và Tạm ước 14.9.1946. Tháng 12.1946, chị vinh dự được kết nạp Đảng và tham gia hoạt động bí mật tại Nha Trang.
Đầu năm 1948, địch khủng bố gắt gao, nhiều cán bộ bị bắt và bị giết hại, nhưng chị Đặng Thị Kim vẫn không nản chí, tiếp tục bám sát địa bàn, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Ông Lê Xuân Thân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa (phải) trao danh hiệu Anh hùng LLVTND truy tặng liệt sĩ Đặng Thị Kim cho thân nhân của gia đình bà |
Tháng 8.1948, trên đường từ Nha Trang về Vĩnh Xương dự Hội nghị, chị cùng hai cán bộ nam đi thuyền qua eo biển thì bị địch đón bắt. Địch đưa một kẻ phản bội để nhận diện và biết chị là vợ ông Trương An, Phó bí thư Tỉnh ủy lâm thời Khánh Hòa. Biết chị có nhiều mối quan hệ, nắm được nhiều cơ sở quần chúng và biết rất rõ về cơ quan đầu não của ta ở chiến khu nên chúng đã tra tấn chị rất dã man: quay điện, treo người lên rồi đánh, tra nước, “lộn mề gà” cho hộc máu, đạp giày đinh lên bụng (lúc này chị có thai khoảng 3 tháng)… nhằm lấy lời khai của chị.
Với ý chí kiên cường, chị nhất quyết không khai báo. Không khuất phục được, địch cho một tên lính lê dương bí mật vào xà lim hãm hiếp chị; sau đó bóp cổ, nhét giẻ vào miệng, bỏ chị vào bao tải rồi chở ra sân bay Nha Trang để xử tử. Năm đó, chị mới 19 tuổi…