Nhớ về người thầy tuổi thơ tôi
Ngọc Hà
Hơn bốn mươi năm qua, tôi vẫn không nguôi nhớ về ông, người thầy tuổi thơ của tôi, người đã khơi dậy trong tôi tình yêu cuộc sống và nghĩa vụ của người công dân đối với đất nước. Ông là thầy giáo Nguyễn Hữu Huân – Một người thầy, một chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tôi đã nhiều lần tìm kiếm, mong có được một tấm ảnh của thầy nhưng cho đến tận bây giờ tôi không làm sao có được. Tất cả những gì về thầy đã ăn sâu trong trí nhớ của tôi.
Thầy và trò trong chiến tranh ( Ảnh Internet minh họa) Sau khi học xong lớp sơ cấp sư phạm, thầy giáo Nguyễn Hữu Huân được điều về tham gia thành lập trường cấp 1 xã Đồng Lạc (xã Lại Thượng, Thạch Thất, Hà Nội bây giờ). Những năm 1958 – 1960, trường sở ở các vùng nông thôn thiếu thốn, sơ sài lắm. Các lớp phần lớn học nhờ ở đình, chùa các làng. Trên nền đất của khu trường hiện nay, hồi ấy chỉ có một ngôi nhà ngói được tháo dỡ từ một gia đình địa chủ và tiền đóng góp của hội đồng hương mà dựng nên. Các thầy cô giáo hầu hết là người địa phương nên trường không có khu tập thể giáo viên. Hàng ngày cả thầy và trò đều đi bộ đến trường. Thầy Nguyễn Hữu Huân là một trong những giáo viên đầu tiên của trường phổ thông cấp 1 Đồng Lạc. Vì trường mới thành lập nên những thanh thiếu niên thất học khi đó mới được đến trường. Học sinh cấp 1 nhưng có độ tuổi rất khác nhau. Trong một lớp học có khi học sinh chênh nhau bảy, tám thậm chí đến mười tuổi. Là giáo viên trẻ nên có lớp học sinh xấp xỉ tuổi thầy. Vì có chuyên môn vững nên thầy được giao chuyên trách chủ nhiệm lớp 4 (lớp cuối cấp, tương đương lớp 5 bây giớ). Sau nhiều năm tiết kiệm, năm 1964 thầy cũng mua được một chiếc xe đạp Sputnic (xe đạp Liên Xô). Vượt qua những mặc cảm, những khó khăn của riêng mình, thầy Huân luôn luôn thể hiện một tình yêu đối với nghề nghiệp, đối với trẻ thơ. Hồi ấy học sinh còn nghèo lắm mà các thầy cũng rất thiếu thốn. Để duy trì được các lớp học, thầy cô giáo phải đi vận động các gia đình cho con em đi học, có những trường hợp các thầy phải giúp đỡ học trò sách vở và đồ dùng học tập. Hàng ngày đến trường thầy Huân thường đèo thêm một hoặc hai học sinh. Ngày mưa, ngày nắng trên chiếc xe đạp thầy vẫn đều đặn cùng học sinh đến trường. Kinh tế khó khăn, cả làng chỉ có một vài gia đình có đài Galen (máy thu sóng phát thanh). Ngoài giờ lên lớp thầy nghe tin tức qua chiếc đài Galen, tổng hợp để thông báo cho cả làng qua loa tay (loa cuốn bằng tôn để tăng và định hướng âm thanh) Năm 1963, tôi vào học lớp 4 do thầy Huân chủ nhiệm. Năm đó thầy đã có hai con gái nhưng cả gia đình 3 thế hệ vẫn ở nhờ nhà thờ họ. Thầy biết rất rõ hoàn cảnh của từng học sinh. Hầu hết học sinh lớp thầy dạy tuy chưa lớn lắm nhưng vẫn một buổi đi học, một buổi chăn trâu cắt cỏ, một vài học sinh lớn còn trực tiếp đi làm đồng như một xã viên hợp tác xã thực thụ. Thương những học sinh nghèo khó, tối tối thầy tập trung chúng ở nhà mình, bên ngọn đèn dầu thầy hướng dẫn chúng học bài. Hồi ấy sự giúp đỡ của thầy đối với học trò đều xuất phát từ tình yêu nghề, yêu trẻ, các thầy cô không hề nhận một sự trả công nào. Năm sau chúng tôi lên học cấp 2, thầy không trực tiếp dạy chúng tôi nữa, nhưng lũ học sinh chúng tôi vẫn thường xuyên tập trung học tối ở nhà thầy và thầy vẫn thường xuyên chỉ bảo chúng tôi. Mùa hè năm 1966, quê tôi thành lập HTX măng non. Các thiếu niên học sinh chúng tôi được tập trung trong các đội măng non tham gia đắp bờ vùng, bờ thửa, đào đắp kênh mương thủy lợi… giúp HTX . Với tinh thần “ Người nhỏ làm việc nhỏ”, chúng tôi tham gia lao động rất say sưa. Thầy Huân được phân công tham gia quản lý, hướng dẫn chúng tôi làm việc. Những lúc nghỉ và cả khi làm việc, thầy vừa làm, vừa kể cho chúng tôi nghe chuyện về các danh nhân đất nước. Lớp học sinh chúng tôi ngày ấy bây giờ vẫn nhớ chuyện thầy kể về sứ thần “Bất nhục quân mệnh” Giang Văn Minh. Giọng kể trầm ấm truyền cảm và phương pháp kể chuyện hấp dẫn của thầy đã khắc sâu vào tâm trí chúng tôi tấm gương bất khuất của cụ Giang Văn Minh. Khi kể đến đoạn Chu Do Kiểm ra vế đối rất ngạo mạn cho cụ Giang Văn Minh ” Đồng trụ chí kim đài dĩ lục”, thầy đã giảng giải cho chúng tôi từng từ và ý nghĩa của cả về đối. Sau đó thầy dừng lại để đám học trò chúng tôi suy ngẫm. Thế rồi thầy cao giọng đọc vế đối của cụ Giang Văn Minh: “Đằng Giang tự cổ huyết do hồng”. Thầy lại chỉ cho chúng tôi từng từ và ý chí bất khuất của người dân Việt Nam, của cụ Giang Văn Minh trước thái độ ngạo ngược của Hoàng đế Minh Tư Tông (Chu Do Kiểm). Ngay từ khi ấy thầy đã gieo vào tâm hồn trẻ thơ của chúng tôi lòng yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc. Hè năm 1967, chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ngày càng ác liệt nhưng hoạt động của HTX măng non chúng tôi vẫn được duy trì, thầy Huân lại tiếp tục hướng dẫn chúng tôi làm việc và lại tiếp tục hấp dẫn chúng tôi bằng các câu chuyện lịch sử và danh nhân đất nước. Tôi đâu ngờ rằng, chúng tôi chỉ được nghe những câu chuyện của thầy vào mùa hè năm đó nữa thôi. Tôi cũng không thể ngờ rằng câu chuyện về Thủ Khoa Huân lại là câu chuyện cuối cùng thầy đặt ấn tượng trong lòng các học trò. Thầy đọc cho chúng tôi nghe những câu thơ của cụ Thủ Khoa Huân đã ngâm trước khi bước lên đoạn đầu đài : Thấy nghĩa thì làm đâu dám ngơ Làm trai trung hiếu trọn lòng thờ Thân này sống thác chi thèm kể Thương nỗi mẹ già tóc bạc phơ Trong tiềm thức tuổi thơ của chúng tôi ngày ấy, thầy Nguyễn Hữu Huân của chúng tôi như một sự nối tiếp truyền thống của cụ thủ khoa Nguyễn Hữu Huân chống Pháp ngày nào. Mùa xuân năm 1968, cùng với khí thế sục sôi của cả nước, thầy Huân đã lên đường nhập ngũ, để lại hậu phương gia đình yên ấm, mái trường thân yêu và lớp lớp học trò trìu mến. Thầy đã ra đi, và đi mãi không về. Cuộc đời nhà giáo, người chiến sĩ quân đội nhân dân Việt nam của thầy đã dừng lại ở tuổi 31 trên dãy Trường Sơn hùng vĩ. Tiếp bước thầy, lớp lớp học sinh chúng tôi lần lượt lên đường đánh Mỹ. Lớp học sinh ngày ấy đã góp phần cùng quân dân cả nước hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhiều người trong số họ cũng đã hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc. Những người trở về sau chiến tranh luôn phấn đấu để xứng đáng với sự hy sinh của thầy và các anh hùng liệt sĩ. |