Bà Trần Thị Việt chăm sóc ngôi từ đường thờ Bà mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Nhưỡng và 3 nhà giáo liệt sĩ.
|
Chúng tôi tìm về thôn Dũng Thúy Hạ vào một sáng tháng 7, tới thăm gia đình bà Trần Thị Việt, người trông giữ ngôi từ đường thờ Bà mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Nhưỡng và 3 nhà giáo liệt sĩ: Hà Minh Xuyên, Hà Thành Dương và Hà Ứng Khâm. Bà Việt là vợ của liệt sĩ Hà Minh Xuyên.
Dù năm nay đã xấp xỉ tuổi 80 nhưng bà Việt vẫn còn minh mẫn và nhanh nhẹn. Trong ngôi nhà cấp 4 được xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ trước, bà Việt chia sẻ: “Bao năm qua, một mình tôi nuôi 6 người con ăn học trưởng thành và trông nom hương khói cho mẹ và 3 liệt sĩ. Cũng may, tôi khỏe, ít ốm đau”.
Thắp nén nhang lên ban thờ, bà Việt tìm cái khăn, giặt sạch, nâng niu lau từng tấm ảnh và mặt bàn thờ. Mắt bà nhòa đi khi nhớ lại những ngày gia đình lần lượt nhận được giấy báo tử của các anh và những tháng năm cơ cực sau đó. Bà Việt bảo, đời bà vất vả cũng chẳng thấm vào đâu. Bà chỉ thương mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Nhưỡng đã gánh quá nhiều nỗi đau và mất sớm, không một ngày được an nhàn hưởng tuổi già.
Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Nhưỡng sinh được 5 người con (3 trai, 2 gái). Ngay từ những năm đầu giặc Pháp chiếm đóng Thái Bình, gia đình mẹ sớm trở thành một cơ sở cách mạng bí mật nuôi giấu và là nơi đi về của bộ đội, du kích các xã phía Tây tỉnh. Chính trong những năm tháng ấy, tinh thần yêu nước, cách mạng đã ngấm vào máu và suy nghĩ của các con mẹ. Lớn lên, các anh đã không do dự, phân vân khi tòng quân nhập ngũ cầm súng giết giặc, bảo vệ Tổ quốc.
Cuối năm 1965, cuộc kháng chiến chống Mỹ bắt đầu bước vào thời kỳ cam go. Nghe theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ, lớp lớp thanh niên miền Bắc hăng hái lên đường ra mặt trận. Năm ấy, thầy giáo Hà Ứng Khâm – con trai út của mẹ Nhưỡng tuổi mới tròn đôi mươi đã tạm xếp giáo án, chia tay mái trường, chia tay học sinh thân yêu để cầm súng đánh đuổi giặc ngoại xâm. Với khí thế phơi phới của tuổi trẻ, thầy giáo Khâm cùng với đồng đội “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Trong một trận giao tranh ác liệt ngày 10/3/1966, thầy giáo Khâm đã anh dũng hy sinh, mang theo ước mơ kết thúc chiến tranh sẽ trở về tiếp tục sự nghiệp dạy học.
Nỗi đau mất đi người con yêu quý chưa nguôi, trung tuần tháng 6 năm 1968, mẹ Nhưỡng một lần nữa nhận được tin sét đánh: thầy giáo Hà Thành Dương đã hy sinh ngày 9/5/1968 tại chiến trường Đà Nẵng khi vừa tròn 30 tuổi. Thày giáo Dương hy sinh để lại nỗi đau khôn cùng với mẹ Nhưỡng và một cuộc sống chông chênh đối với người vợ trẻ cùng 2 đứa con thơ dại. Ngôi trường làng đã vĩnh viễn mất đi hai thầy giáo giỏi và giàu lòng yêu nước, mến trẻ.
Học sinh của thầy giáo Dương giờ cũng đã ngoài 50 tuổi, nhắc lại chuyện xưa, nhiều người vẫn còn nhớ cái ngày cả trường biết tin cả 2 anh em thầy giáo đã hy sinh. Ông Nguyễn Văn Thụ kể lại: “Vào tiết chào cờ đầu tuần, thầy hiệu trưởng thông tin 2 nhà giáo đã anh dũng hy sinh. Cả giáo viên và học sinh nghẹn ngào, xúc động vô cùng trước thông tin mặc dù hai anh em trai hy sinh nhưng thầy giáo Hà Minh Xuyên lại tạm biệt nhà trường lên đường ra mặt trận”.
Mất đi 2 người con trai đã làm mẹ Nhưỡng héo hon, tiều tụy. Nhưng không vì thế mà mẹ ngăn cản thầy giáo Hà Minh Xuyên tòng quân. Bà Việt, vợ liệt sĩ Hà Minh Xuyên chia sẻ: “Khi ấy tôi đang mang bầu được 6 tháng. Xét về tiêu chuẩn thì chồng tôi được miễn không phải vào quân đội vì gia đình đã có 2 người là liệt sĩ. Nhưng mẹ tôi cứ động viên anh ấy nhập ngũ, làm tròn trách nhiệm của công dân. Bà Việt cho biết, trước mặt anh Xuyên thì mẹ mạnh mẽ, động viên con nhưng khi đêm về mẹ lại trằn trọc, khóc thầm một mình.
Và rồi lần thứ ba mẹ Nhưỡng ngất đi, tỉnh lại khi nhận giấy báo tử của con mình. Thầy giáo Xuyên đã hy sinh ngày 13/5/1969 tại mặt trận Quảng Nam. Vì quá thương nhớ các con, năm 1972 mẹ cũng theo các anh về với tiên tổ…
Tấm gương hy sinh anh dũng của các nhà giáo liệt sĩ luôn được Trường THCS Dũng Nghĩa và Đoàn Thanh niên mang ra giáo dục cho các thế hệ học sinh thông qua các tiết học ngoại khóa, các cuộc thi rung chuông vàng, thi tìm hiểu truyền thống quê hương… Nhà trường cũng thường xuyên tổ chức cho cán bộ, giáo viên và học sinh tới thăm, tặng quà và chăm sóc nhà cửa gọn gàng, sạch đẹp giúp gia đình các liệt sỹ.
Đó vừa là niềm tự hào của nhà trường, vừa là động lực thúc đẩy thầy trò tiếp tục phấn đấu đạt thành tích cao trong phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, xứng đáng với sự hy sinh của các anh.
Nguồn : Baothaibinh.com.vn