“Dũng sĩ đâm lê” Trần Huyền
Cách đây gần 50 năm, Thiếu úy Trần Huyền, nguyên Phó đại đội trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn 74, Cục Nghiên cứu (nay là Tổng cục 2) đã anh dũng hy sinh trong trận chiến không cân sức nhằm thu hút địch, tạo điều kiện cho đồng đội đem được bản đồ địa chỉ cứ điểm Cồn Tiên – Dốc Miếu và tài liệu về đơn vị an toàn. Thời gian đã dần trôi xa nhưng ký ức về liệt sĩ Trần Huyền vẫn in sâu trong trái tim của cựu chiến binh Hà Đình Vạn, nguyên Chính trị viên phó Đại đội 2, người bạn thân thiết của Trần Huyền ngày ấy.
Di ảnh liệt sĩ Trần Huyền. Ảnh tư liệu. |
“Trong đơn vị, tôi và Trần Huyền thân nhau nhất”, ông Hà Đình Vạn, hiện ở số 6, tổ 20, phường Thượng Thanh, quận Long Biên, TP Hà Nội, khẳng định. Năm 1966, đang công tác ở Quân khu 3, ông Vạn được điều về Đại đội 2, Tiểu đoàn 74 với chức danh Chính trị viên phó, đóng quân và huấn luyện tại xã Yên Vân, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Đây là lần đầu tiên ông Vạn gặp Trần Huyền. Về đơn vị, ông và Trần Huyền được bố trí ở cùng nhau trong gia đình bác Ngọc Vân. Ở cùng gian, ăn cùng mâm, cùng tham gia huấn luyện nên số phận đã dần thắt sợi dây tình bạn giữa hai người thêm bền chặt. Ông Vạn nhớ lại:
– Trần Huyền có dáng người cao gầy, đẹp trai, rất giỏi võ thuật và hay hát, quê ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Bố Huyền mất khi Huyền còn nhỏ, mẹ Huyền cũng bị bom Mỹ giết hại. Huyền còn có người anh trai nhưng gia đình nghèo khó. Sống với Huyền, tôi học được ở anh rất nhiều từ sự chịu thương chịu khó và quyết tâm trong học tập, công tác.
Đáp ứng yêu cầu của chiến trường, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 2 tích cực làm công tác chuẩn bị. Hằng ngày, Vạn và Huyền thức dậy khi còn tờ mờ sáng, đeo ba lô gạch luyện tập hành quân bộ. Lúc đầu chỉ 3km là Vạn đã mệt nhoài, nhưng được sự động viên của Huyền, cự ly hành quân mang vác nặng của Vạn ngày càng được cải thiện, thậm chí Vạn đã theo kịp Trần Huyền, người được coi là lực sĩ của đại đội. Cường độ huấn luyện càng ngày càng cao, từ Từ Sơn, đơn vị còn thực hiện hành quân đường dài đến Quảng Ninh, Cẩm Phả, vượt dãy Yên Tử, thực hành nhiều kế hoạch tiềm nhập để vẽ sơ đồ địa chí. Những lần ấy, Trần Huyền đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, luôn là người đứng đầu và là tấm gương, động lực của các cán bộ, chiến sĩ.
Đầu tháng 6-1967, Đại đội 2 nhận lệnh hành quân vào chiến trường Quảng Trị thực hiện nhiệm vụ trinh sát, báo cáo tình hình địch, binh địa phía tây căn cứ địch tại Dốc Miếu, sông Ba Lòng; đánh bắt tù binh Mỹ khai thác tin tức. Theo dõi nắm chắc quy luật hoạt động của thám báo Mỹ, chuẩn bị một số trận địa cho bộ đội ta. Địa bàn hoạt động của đại đội ở các thôn Tân Lạc, Miếu Môn, Tân Hà Thương, bắc Đường 75. Sau hơn một tháng hành quân, tháng 7-1967, Đại đội 2 đã đến Quảng Trị và khẩn trương tổ chức điều tra nắm hoạt động của địch tại các cứ điểm ở Cồn Tiên, Dốc Miếu, quy luật hoạt động của Mỹ-ngụy, hệ thống hầm hào, bố trí lực lượng phòng thủ tại Quảng Trị, hỏa lực khống chế tuyến đường giao thông chi viện của ta từ Bắc vào Nam. Lúc này, Trần Huyền ở Phân đội 3 còn Vạn phụ trách hậu cứ.
Ngày 17-8-1967, Trần Huyền trực tiếp chỉ huy tổ trinh sát luồn sâu, cải trang làm ngư dân tiếp cận điều tra địch ở khu vực xóm Đông-Tân Lịch, theo dõi hoạt động của địch ở căn cứ Dốc Miếu, vẽ sơ đồ và tổ chức bắt tù binh khai thác tin tức, kế hoạch hoạt động của địch. Khoảng 15 giờ cùng ngày, có khoảng hai đại đội lính Mỹ cùng hai chiếc xe M113 đang tiến thẳng về vị trí quan sát của tổ. Khi địch còn cách khoảng 300m, Trần Huyền lệnh cho cán bộ, chiến sĩ trong tổ rút xuống lòng suối cạn Tân Lịch. Địch phát hiện dùng hỏa lực trên xe M113 thay nhau bắn vào hai bờ suối cạn hòng chặn đường rút của tổ. Ông Vạn cho biết: “Đồng chí Nguyễn Văn Hoàng Đạo (sau này là Thiếu tướng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Quân y 175) có lần kể lại với chúng tôi: “Lúc đó, trước tình thế không có lợi, Trần Huyền lệnh cho tôi và mọi người rút lui còn đồng chí ở lại để chặn hậu và thu hút địch. Lúc đó, tất cả mọi người đều quyết tâm đánh trận tử thủ với quân thù. Thế nhưng Trần Huyền cương quyết: “Các đồng chí bằng mọi giá phải đem được bản đồ tây Dốc Miếu và tài liệu về đơn vị an toàn, không được để rơi vào tay giặc”. Chấp hành mệnh lệnh, chúng tôi lặng lẽ rút lui về căn cứ còn Huyền ở lại chặn đánh, thu hút địch để tạo điều kiện thuận lợi cho đội hình rút lui an toàn”.
Lợi dụng địa hình, địa vật, Trần Huyền nhanh nhẹn di chuyển, ẩn nấp sau các tảng đá to và làm quân địch hoảng sợ trước những loạt đạn AK chính xác. Hết đạn, Trần Huyền dùng lựu đạn đánh trả địch. Sau đó, địch phát hiện Huyền chỉ có một mình, chúng ỷ đông siết chặt vòng vây hòng bắt sống đối phương. Hết lựu đạn, Trần Huyền dùng lưỡi lê, dao găm và võ thuật chiến đấu với quân địch, với quyết tâm không để rơi vào tay giặc. Bị thương vong, bọn Mỹ điên cuồng lồng lộn từ bỏ ý định bắt sống mà dùng súng đánh tiêu diệt Trần Huyền. Trần Huyền anh dũng ngã xuống khi anh mới 27 tuổi. “Chiều hôm đó, khi đi trinh sát tình hình địch, tôi cũng bị 2 chiếc máy bay trực thăng địch phát hiện và bao vây. Rất may, tôi kịp trốn xuống ngòi sen và di chuyển thoát khỏi vòng vây của địch. Về đến nơi, tôi nhận được điện vào Cửa Tùng gấp vì Trần Huyền đã bị địch bao vây và giết hại. Đêm đó, lực lượng trinh sát tổ chức đưa thi hài Trần Huyền ở suối cạn Tân Lịch về. Đơn vị thương xót tổ chức lễ an táng Trần Huyền ở Duy Viên, Vĩnh Đông, Vĩnh Linh, Quảng Trị”- giọng ông Vạn nghẹn lại.
Trận đánh hôm ấy, Trần Huyền đã tiêu diệt 26 tên Mỹ và được truy tặng Huân chương Chiến công hạng nhất cùng danh hiệu “Dũng sĩ đâm lê diệt Mỹ”, “Dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú”. Hòa bình lập lại, ông Vạn lặn lội đi tìm kiếm mộ chí người đồng đội thân thiết, sau đó cùng gia đình cải táng và đưa hài cốt liệt sĩ Trần Huyền vào Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Quảng Trị… Ngày 28-4-2000, liệt sĩ Trần Huyền được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
VIỆT HÀ (Báo QĐND nguyết san)