Vượt qua con đường đất đỏ đầy nắng, chúng tôi đến thăm gia đình Anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Đình Xướng (tên thật là Nguyễn Đình Đê), sinh năm 1948, Chính trị viên phó, Trinh sát vũ trang, Ban An ninh nhân dân thành phố Huế, một trong nhiều người được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Ngôi nhà thơ ấu của liệt sĩ Nguyễn Đình Xướng ở phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế hiện còn một mình mẹ già sinh sống. Mẹ là Nguyễn Thị Rớt, năm nay 86 tuổi. Khi biết chúng tôi cùng đoàn cán bộ BĐBP vào thăm, mẹ rất mừng. Trong ký ức của người già lúc nhớ lúc quên, nhưng đó là những câu chuyện hiện tại, còn những ký ức về đứa con trai anh dũng mà hiếu nghĩa ấy, mẹ không quên một chi tiết nào. Rót cho chúng tôi bát nước lá vằng, vị đắng nhưng mát lịm, mẹ vừa nhẹ tay quạt chiếc quạt làm bằng lá dừa, vừa kể chuyện chiến đấu, công tác của người con trai anh dũng của mình. Với chất giọng Huế dịu dàng, ấm áp đầy tình mẫu tử, mẹ đưa chúng tôi trở lại câu chuyện của gần 50 năm về trước.
Năm đó khi còn 16 tuổi, Nguyễn Đình Xướng thoát ly gia đình tham gia hoạt động cách mạng. Ngay trong thời gian đầu, Xướng đã bộc lộ là một chiến sĩ có bản lĩnh chiến đấu dũng cảm, ngoan cường và đã lập nhiều chiến công. Trong đợt tổng tiến công, nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, anh chiến đấu tại địa bàn quê nhà, diệt được nhiều tên ác ôn, được cấp trên tin tưởng. Sau Tết Mậu Thân, địch phản kích, trả thù quyết liệt. Để củng cố địa bàn chiến đấu lâu dài, anh cùng đồng đội tổ chức chặn đánh địch bằng nhiều cách khác nhau, liên tục làm cho Mỹ, ngụy hoang mang lo sợ, ăn không ngon, ngủ không yên. Với trên 20 trận đánh, Nguyễn Đình Xướng cùng đồng đội đã tiêu diệt hàng chục tên Mỹ, ngụy, ác ôn nguy hiểm…
Kể đến đây, mẹ Rớt dừng lại hồi lâu, rơm rớm nước mắt nhìn vào khoảng không xa xăm như muốn chờ đón con trai mình trở về sau mỗi trận đánh. Chúng tôi im lặng cùng mẹ tưởng nhớ anh.
Mẹ Rớt kể rằng, trong chiến đấu, công tác, Nguyễn Đình Xướng là người chiến sĩ nhất mực trung thành; còn đối với gia đình, đặc biệt là đối với mẹ, anh luôn là người con chu đáo, thường xuyên quan tâm chăm sóc mẹ. Sợ mẹ ở nhà buồn, anh đã mang chiếc đài nhỏ của mình thường nghe trong những lúc đi công tác, những lúc rảnh rỗi về nhà cho mẹ nghe. Anh bảo: “Để mẹ nghe cho có tiếng người, như có con bên cạnh mẹ”. Không ngờ, đó lại là lần cuối cùng anh về thăm mẹ.
Trong trận đánh vào tháng 2-1971, trinh sát vũ trang Nguyễn Đình Xướng trực tiếp chỉ huy một phân đội đánh vào Sở chỉ huy Cảnh sát địch, tiêu diệt 15 tên địch, bao gồm: Cảnh sát, ngụy quân và ngụy quyền cấp xã, tạo thêm lòng tin cho với đồng bào, phục hồi, củng cố các cơ sở, đẩy mạnh phong trào đấu tranh cách mạng. Lần khác, phân đội trinh sát do Nguyễn Đình Xướng trực tiếp làm Chính trị viên phó phối hợp với 3 đồng chí biệt động của thành phố Huế tổ chức trận đánh tại thôn Hương Tây, xã An Thủy, giáp núi Ngự Bình. Khoảng 1 giờ sáng, Xướng dẫn một tổ vào diệt tên ác ôn đầu sỏ và 36 tên khác, làm cho bọn địch không dám kháng cự.
Tháng 6-1971, Nguyễn Đình Xướng được cấp trên phân công về xây dựng cơ sở tại xã Mỹ Thủy Tây, đẩy mạnh các hoạt động của quần chúng nổi dậy diệt ác, phá kìm. 8 giờ sáng ngày 19-6-1971, địch lùng sục và chúng xăm đúng hầm bí mật, trong đó có 3 người: Một huyện ủy viên, một xã đội trưởng và Xướng. Tình thế rất nguy cấp, anh đã bật ra khỏi hầm, dùng súng AK và lựu đạn diệt tại chỗ 12 tên, một số lớn bị thương, đội hình địch rối loạn. Lợi dụng thời cơ, hai đồng chí vượt khỏi vòng vây địch, riêng Xướng vẫn giữ quả lựu đạn cuối cùng, chờ địch đến gần mở chốt an toàn, diệt thêm một số tên. Đó cũng là khoảnh khắc Nguyễn Đình Xướng hy sinh anh dũng ngay trên mảnh đất quê hương, cách nhà chừng 500m. Tấm gương hy sinh quên mình vì Tổ quốc của người chiến sĩ quả cảm Nguyễn Đình Xướng như tiếp thêm sức mạnh cho phong trào nổi dậy đấu tranh của nhân dân địa phương.
Với thành tích quyết tâm diệt ác phá kìm, đẩy mạnh đấu tranh cách mạng, Nguyễn Đình Xướng được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhất; 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba; 1 danh hiệu Chiến sĩ thi đua; nhiều danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ trừ gian cấp ưu tú; được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 6-6-1976.
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, chiếc đài, kỷ vật cuối cùng của người con trai tặng, mẹ Rớt vẫn dùng. Chiếc đài đã bị mất ốc, mẹ phải lấy dây vải để buộc lại, nhưng nó luôn là kỷ vật thân thương, song hành bên mẹ. Nhưng, thật cảm động khi Thượng tá Lê Quỳnh An, Phó Giám đốc Bảo tàng Biên phòng đi cùng đoàn công tác hôm ấy ngỏ ý muốn được sưu tầm chiếc đài để tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau, mẹ Nguyễn Thị Rớt nói: “Cuộc đời mẹ có tiếc gì cho cách mạng đâu, nay còn chiếc đài kỷ niệm cũng là vật dụng hằng ngày của mẹ, mẹ giao cho cách mạng để phục vụ nhân dân, đất nước”. Cầm chiếc đài từ tay mẹ, chúng tôi thật cảm động. Tấm lòng của người mẹ Việt Nam muôn đời vẫn thế, luôn trao hết cho các con, cho cách mạng mà không nghĩ gì đến bản thân.
Hiện tại, mộ Anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Đình Xướng vẫn đặt trong vườn nhà, cùng với mộ của chị gái anh, như để mẹ luôn thấy hai con mẹ vẫn gần bên. Thắp nén nhang thơm cho anh, chị trước lúc tạm biệt ngôi nhà cấp 4 đơn sơ của mẹ, nơi từng là cơ sở cách mạng nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ trong những năm tháng ác liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ, chúng tôi không sao cầm được nước mắt. Sự hy sinh kiên cường của Anh hùng lực lượng Công an nhân dân vũ trang Nguyễn Đình Xướng cũng giống như bao anh hùng liệt sĩ khác, đã góp phần làm nên chiến thắng thần kỳ, mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc ngày hôm nay. Câu chuyện về các anh và những kỷ vật thiêng liêng, cao quý này sẽ còn mãi với thời gian, sẽ là những chứng tích nhắc nhở thế hệ trẻ hãy sống và làm việc xứng đáng với sự hy sinh của bao lớp người đi trước.
Khánh Ngọc (Báo Biên phòng)