3 cha con là liệt sĩ

Năm 1943, ông Đàm Văn Sơn kết hôn cùng bà Nguyễn Thị Nghiên, người cùng làng Kẻ và lần lượt sinh được 3 người con: Đàm Cao Núi (sinh năm 1944), Đàm Thị Đồi (1946) và Đàm Huy Côi (1948). Cuối năm 1945, ông Sơn tham gia du kích đánh Pháp, rồi làm Thôn đội trưởng. Bà Nghiên tần tảo gánh hàng bánh giầy đi bán ở chợ Phùng (thuộc huyện Đan Phượng, Hà Nội bây giờ) lấy tiền nuôi con và để ông yên tâm công tác. Giữa năm 1950, quân Pháp cho xe tăng càn quét chợ Phùng, giết chết mấy người, trong đó có bà Nghiên. Ông Sơn cùng họ hàng mai táng cho bà trong nỗi uất hận và căm thù tột độ…

Vợ chồng bà Đàm Thị Đồi. 

Một đêm cuối năm 1951, ông và 2 đồng chí du kích là Nguyễn Văn Thận, Ngô Văn Vê men theo sườn đê, qua thôn Đông Ba (giáp thôn Thượng Cát) để ra vùng Tân Hội, thuộc tỉnh Hà Đông cũ nhận nhiệm vụ mới. Không may bị bọn Pháp từ bốt Hương Dũng đi tuần phát hiện, ông Sơn chỉ đạo đồng đội tản ra, thoát nhanh theo lối khuất, còn mình ở lại đối phó với quân địch. Sáng sớm hôm sau, người dân quanh vùng đi chợ thấy mấy thằng lính Pháp “xì xồ” lò dò lần theo vết máu, lôi một người đàn ông từ bụi dứa dại, chiếc quần dài quấn ngang hông đỏ thẫm máu. Chúng dùng báng súng trường tra khảo rất dã man, nhưng ông không nói nửa lời. Phút cuối, ông gượng dậy đả đảo quân cướp nước và bọn Việt gian bán nước. Bọn giặc bất lực, xả đạn giết hại ông rồi hai thằng lính kéo thi hài ông ra bãi ngô ven sông vùi xuống cát. Ở vùng tự do, ông Ngô Văn Vê dò la tin tức. Đêm 6-1-1952, ông Vê bí mật về làng Thượng Cát báo cho người thân của ông Sơn biết việc ông hy sinh… Phần mộ của liệt sĩ Đàm Văn Sơn được đặt ở Nghĩa trang Liệt sĩ Từ Liêm, nay là Nghĩa trang Liệt sĩ Hà Nội.

Từ ngày không còn bố mẹ, ba anh em Núi, Đồi, Côi được cụ Ngô Thị Tự (thím ruột ông Sơn) nuôi nấng, dạy bảo.

Đàm Cao Núi là con liệt sĩ, gia cảnh neo đơn nên khi đến tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự thì được tạm hoãn nhập ngũ. Nhiều lần anh Núi đến UBND xã xin nhập ngũ. Nghe lời khuyên của đồng chí chủ tịch, anh về hỏi ý kiến của cụ Tự trước, nhưng cụ Tự dứt khoát không đồng ý. Năm 1965, sau lễ kết hôn, nghĩ rằng cụ Tự đã có cháu dâu thì dễ dàng đồng ý cho mình tòng quân giết giặc, cứu nước, trả thù cho bố mẹ, anh Núi lại đề nghị chính quyền và xin phép cụ Tự… Cụ Tự hết nhìn anh lại cầm bàn tay cháu dâu mới mà không nói được thành lời! Thế là sau đấy mấy hôm, anh Núi trở thành chiến sĩ thông tin. Hai năm sau, giấy báo tử về gia đình ghi rõ, anh hy sinh ở Mặt trận phía Nam. Người vợ trẻ thất thần đổ sụp xuống, ngất đi tỉnh lại… Ít lâu sau, cụ Tự nuốt nước mắt vào trong, bảo chị đi lập gia đình…

Năm 2013, theo mục “Thông tin liệt sĩ” trên trang web: trianlietsi.vn, gia đình tìm được phần mộ liệt sĩ Đàm Cao Núi tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 (Quảng Trị) và đưa hài cốt về đặt cạnh phần mộ của cha là liệt sĩ Đàm Văn Sơn, tại Nghĩa trang Liệt sĩ Hà Nội.

Đàm Huy Côi sinh năm 1948, tốt nghiệp cấp 3 năm 1965, được miễn nhập ngũ vì có bố là liệt sĩ, anh trai ở chiến trường B (lúc đó chưa có tin tức về việc anh Núi hy sinh). Năm 1967, đang học Trường Trung cấp Tài chính, anh giấu cụ Tự và chị gái, chích ngón tay lấy máu viết đơn gửi Ban giám hiệu nhà trường, tình nguyện nhập ngũ. Năm 1971, giấy báo tử về xã Thượng Cát, cho biết anh hy sinh ngày 10-10-1969 ở chiến trường Tây Nam Bộ; đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt.

Hai thím cháu là Bà mẹ Việt Nam anh hùng

Cụ Ngô Thị Tự gánh trên vai nỗi đau mất mát lớn: Người con trai cả của cụ là Đàm Văn Sáu hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Thời chống Mỹ, sau khi 2 người cháu (Núi, Côi) hy sinh, cụ lại nhận giấy báo tử người con đẻ là Đàm Quốc Hùng.

Cụ Tự còn nuôi dạy cháu gái Đàm Thị Đồi trở thành cán bộ ưu tú của xã Thượng Cát. Cụ “dựng vợ gả chồng” cho chị, chăm sóc 3 cháu nhỏ để anh chị yên tâm công tác. Ngày 24-11-1976, cụ về với tổ tiên trong niềm tiếc thương vô hạn của gia đình, họ hàng và làng xóm… Năm 2013, Nhà nước truy tặng cụ danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Trong lời phát biểu của đại diện chính quyền địa phương tại buổi lễ có đoạn: “Cụ Ngô Thị Tự là mẹ đẻ của hai liệt sĩ. Cụ còn nuôi dưỡng 3 người con của liệt sĩ Đàm Văn Sơn từ tấm bé, sau có 2 người là liệt sĩ, một người là cán bộ. Công lao của cụ Ngô Thị Tự thật lớn lao, để mỗi chúng ta thêm tự hào, nghiêng mình kính cẩn”.

Bà Nguyễn Thị Nghiên có chồng là ông Đàm Văn Sơn và 2 con trai (Đàm Cao Núi, Đàm Huy Côi) là liệt sĩ. Năm 1995, Chủ tịch nước đã ký quyết định truy tặng bà Danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Vậy là trong một gia đình, cả hai thím cháu đều được truy tặng danh hiệu cao quý: Bà mẹ Việt Nam anh hùng!

… Thắp một nén hương lên bàn thờ gia tiên, nơi đặt di ảnh các liệt sĩ, bà Đồi ôn lại những ngày vợ chồng chung tay xây dựng gia đình, tri ân các anh hùng liệt sĩ, góp phần tô đẹp quê hương, đất nước. Năm 2015, bà nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Tuy sức khỏe không được tốt, song nhờ tình yêu thương chồng vợ và sự chăm sóc, động viên của con cháu, ông bà vẫn lạc quan chống chọi với bệnh tật. 6 người con và các cháu nội ngoại của ông bà đều chăm ngoan. Thỉnh thoảng ông bà, con cháu lại tổ chức sum vầy quanh mâm cơm gia đình, tưởng nhớ những người đã khuất…

Bài và ảnh: NGUYỄN THANH BÌNH (QĐND)