Cách đây 45 năm, sau khi được huấn luyện lớp kế toán pháo binh, Trung sĩ Nguyên được điều về Đại đội 15 dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Lê Xuân Đĩnh. Đĩnh quê Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, trước khi đi bộ đội là sinh viên Lớp Điện 13, Trường Đại học Nông nghiệp I (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam). Ở Đĩnh toát lên một sự tự tin, hết mực thương yêu, gắn bó với đồng chí, đồng đội. Nguyên là một người yêu thơ, Đĩnh lại hay sáng tác thơ nên hai người đã trở thành bạn tâm giao gắn bó với nhau trong những lúc tạm im tiếng súng.
Anh hùng LLVT nhân dân, liệt sĩ Lê Xuân Đĩnh. Ảnh tư liệu.
Một ngày cuối tháng 8-1974, Đĩnh nói chuyện với Nguyên: “Pháo hạng nặng của địch ở trận địa phía nam sông Mỹ Chánh bắn gây thiệt hại cho quân ta rất nhiều. Ta phải tiêu diệt trận địa pháo này, nhưng cần nắm chắc tọa độ trận địa pháo của địch để ĐKB phát huy hiệu quả tối đa. Vậy nên, phải thành lập tổ đài vào vùng địch xác định chính xác tọa độ trận địa pháo và căn cứ hậu cần của địch. Nhiệm vụ lần này rất nguy hiểm, vì khi báo tọa độ về là địch sẽ dò được địa điểm phát tín hiệu và cho quân bao vây tiêu diệt tổ đài. Từ trước đến giờ, hiếm có người của tổ đài nào vào vùng địch quay về, Nguyên ạ!”.
Biết được tâm tư của đại đội trưởng, Nguyên xung phong nhận nhiệm vụ. Tổ đài do trực tiếp Lê Xuân Đĩnh chỉ huy, Nguyên mang theo bản đồ, một khẩu AK và ống nhòm làm nhiệm vụ đo đạc, tính toán phần tử bắn cho pháo binh; hai đồng chí Lê Xuân Đường (quê Hà Tĩnh) và Lê Đức Gần (quê Thanh Hóa) làm nhiệm vụ thông tin. Sau khi được trung đoàn giao nhiệm vụ, 17 giờ ngày 3-9, tổ đài lên đường. 19 giờ 30 phút, tổ đài gặp du kích quân dẫn đường luồn sâu vào vùng địch. Vừa dò dẫm trong đêm tối, du kích đưa tổ đài đi theo những con đường khó khăn, hiểm trở nơi địch không ngờ đến và lội giữa dòng suối để xóa dấu vết. Cuối cùng, sau chặng đường dài mệt mỏi, tổ đài đã đến đỉnh mỏm cao 200 (đỉnh cao nhất của khu vực địch chiếm đóng).
Sáng 4-9, sau khi đo đạc lấy phần tử bắn xong, theo lệnh của Đại đội trưởng Đĩnh, bộ phận thông tin bật máy thông tin 2W lên truyền tọa độ về đơn vị. Khoảng 12 giờ 30 phút, loạt đạn pháo từ trận địa của ta giội thẳng vào trận địa pháo hạng nặng của địch gây thiệt hại hoàn toàn. Tiếp đó, căn cứ hậu cần, kho súng đạn, xăng dầu và sở chỉ huy sư đoàn thủy quân lục chiến ngụy tại nam sông Mỹ Chánh, tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng chịu chung số phận, gây cho chúng tổn thất rất lớn về sinh lực và phương tiện chiến tranh.
Đúng như tình huống dự kiến, tần số sóng tổ đài 2W đã bị địch dò và nắm được vị trí của tổ đài trên mỏm cao 200. Địch ngay lập tức tổ chức lực lượng lùng sục, một trung đội thám báo đã phát hiện và bao vây đài luồn sâu của ta. Trước tình huống đó, Đại đội trưởng Lê Xuân Đĩnh quyết định ra lệnh cho các thành viên của tổ đài khẩn trương, bí mật lui về đơn vị, còn mình ở lại chiến đấu chặn địch.
CCB Phạm Xuân Nguyên kể tiếp: “Nhận lệnh chỉ huy, chúng tôi lập tức rút lui. Tôi, Đường và Gần lợi dụng địa hình địa vật và rừng cây rậm rạp rút xuống. Đến xế chiều, khi xuống dưới chân đồi, nhìn lên thấy phía trên bùng lửa, chúng tôi gạt lệ tìm đường về căn cứ. Lê Xuân Đường rút theo ngả khác được du kích đưa về. Còn tôi và Lê Đức Gần lạc trong rừng, mỗi người còn nửa bánh lương khô. Hơn ngày sau, chúng tôi đến được điểm du kích trú quân trước đó. Qua hơn 3 ngày lạc trong rừng, chúng tôi đã tìm về được đến đơn vị. Đến nơi, du kích cho biết, giặc điên cuồng thiêu xác anh Đĩnh sau khi bắn chết anh. Nghe vậy, chúng tôi ôm nhau khóc nức nở vì uất hận và nhớ thương người đại đội trưởng dũng cảm”.
43 năm sau ngày liệt sĩ Lê Xuân Đĩnh bị kẻ thù giết hại, trong lòng những đồng chí tổ đài ngày ấy không nguôi nỗi nhớ và sự biết ơn người chỉ huy đã hy sinh thân mình để cho đồng đội được bình yên trở về. Ngày 30-1-2011, Đại đội trưởng Lê Xuân Đĩnh được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
NGỌC GIANG (QĐND)