Hi sinh bản thân vì sự sống của dân
Trận lũ lụt lịch sử xảy ra cách đây gần 19 năm mà nhiều người gọi là trận “Đại hồng thủy năm 1999”, bắt đầu từ đêm 1-11-1999 và kéo dài suốt một tuần. Dọc dải đất từ Quảng Trị đến Bình Định chìm trong biển nước. Tổng thiệt hại ước tính gần 3.800 tỉ đồng (tính tại thời điểm năm 1999). Thừa Thiên Huế là nơi gánh chịu thiệt hại nặng nhất. Trong tổng số 595 người chết trong đợt lũ này, người dân Thừa Thiên Huế chiếm quá nửa. Trong số đó có cả những người lính Biên phòng đã hi sinh mạng sống để cứu sống bao người khác. Thượng sĩ Lê Đình Tư và Đại úy Phạm Văn Điền là hai người như thế.
Thượng tá Nguyễn Đăng Tâm, nguyên Hải đội trưởng Hải đội 2, BĐBP Thừa Thiên Huế còn nhớ rất rõ về trận lũ lịch sử đã cướp đi sinh mạng của 2 đồng đội mình khi đó: Ngày 1-11-1999, trời bắt đầu đổ mưa. Ngay ngày hôm sau, mưa to lên đến 800mm, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. Nước từ sông Hương, sông Ô Lâu, sông Đỗ tràn về phá Tam Giang, trong khi cửa Thuận An vừa hẹp vừa cạn nên không thoát kịp. Nước bắt đầu dâng lên cao, tràn qua khu dân cư sát biển, đoạn giữa thôn Hải Thành, thị trấn Thuận An và thôn Hòa Duân, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên Huế) làm xói lở và tạo thành cửa biển mới rộng khoảng 800m, có nơi sâu đến chục mét. Nhà cửa hàng chục hộ dân sinh sống tại khu vực này bị trôi ra biển, khiến hàng chục người bị chết và mất tích.
Hải đội 2, BĐBP Thừa Thiên Huế được lệnh tổ chức lực lượng ứng cứu. Các cán bộ, chiến sĩ chia làm 3 mũi. Mũi 1 tổ chức di dời toàn bộ vũ khí, trang bị và lương thực lên Đồn Biên phòng Thuận An. Mũi 2 sử dụng tàu, ca nô hướng dẫn cho tàu ngư dân vào trú đậu tại cảng, vùng vịnh của đơn vị. Mũi 3 tổ chức lực lượng giúp dân di dời từ vùng bị ngập lên khu vực cao. Tính đến 24 giờ, ngày 2-11-1999, ngoài thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, cán bộ, chiến sĩ cùng nhân dân đã cố định hàng chục phương tiện tại vùng nước để tránh lũ, gần 20 phương tiện cũng được cán bộ, chiến sĩ chỉ dẫn giúp đỡ về nơi neo đậu an toàn.
Theo trí nhớ của đồng chí Nguyễn Đăng Tâm thì rạng sáng ngày 3-11, nước lũ dâng cao làm khu dân cư bị chia cắt, cảnh tượng khó có thể quên được. Trong đêm tối mịt mờ, tiếng gió rít lên từng hồi kéo đổ cây cối, nhà cửa, mưa xối xả, tiếng sóng lớn ồ ạt pha lẫn với nhiều tiếng la hét, kêu cứu thảm thiết của người lớn, tiếng khóc của trẻ con. Hơn 70 gia đình đang trong cảnh ngàn cân treo sợi tóc.
Trước tình huống khẩn cấp, vào lúc 3 giờ 30 phút, ngày 3-11-1999, 11 cán bộ, chiến sĩ trên 2 tàu BP 31.02.02 và BP 31.04.01 nhanh chóng tiến thẳng đến khu vực dân cư có nhiều tiếng kêu cứu. Sau những nỗ lực vật lộn với cơn lũ dữ, cán bộ, chiến sĩ Hải đội 2, BĐBP Thừa Thiên Huế đã cứu được nhiều bà con và hàng chục ghe thuyền đưa vào nơi an toàn. Cũng trong lúc cam go đó, tàu BP 31.02.02 cùng 5 cán bộ, chiến sĩ bị sóng và gió mạnh cuốn trôi ra biển. Đồng chí Đào Xuân Thành, lúc bấy giờ là phụ trách tàu quyết định thả neo cứu tàu và người, nhưng gió giật cấp 9, cấp 10, sóng biển lớn, kèm theo mưa to, trời tối, tàu lại bé nên 2 cái neo đã không bám được, con tàu bị trôi rồi bị chìm lúc 7 giờ 20 phút, ngày 3-11-1999. Các cán bộ, chiến sĩ phải rời tàu, kiên cường vật lộn với sóng biển, “chiến đấu” giữa lằn ranh sự sống và cái chết. Khoảng 9 giờ đến 10 giờ cùng ngày, 3 đồng chí Đào Xuân Thành, Vũ Xuân Tường, Nguyễn Quang Phú được đồng đội cứu sống. Còn lại 2 đồng chí Phạm Văn Điền và Lê Đình Tư đã hi sinh.
Trước sự hi sinh anh dũng của 2 đồng chí, Nhà nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho đồng chí Phạm Văn Điền và Huân chương Chiến công hạng Nhất cho đồng chí Lê Đình Tư. Bộ Quốc phòng truy phong đồng chí Phạm Văn Điền từ quân hàm Trung úy lên quân hàm Đại úy; đồng chí Lê Đình Tư từ cấp bậc Binh nhất lên cấp bậc Thượng sĩ, đồng thời quyết định công nhận liệt sĩ cho 2 đồng chí.
Thượng tá Nguyễn Văn Nga, lúc bấy giờ mang quân hàm Đại úy, nguyên Hải đội phó Chính trị Hải đội 2, BĐBP Thừa Thiên Huế vẫn chưa nguôi niềm thương tiếc đối với anh em, đồng chí của mình. Ông ngậm ngùi chia sẻ: “Liệt sĩ, Đại úy Phạm Văn Điền khi còn sống là người cán bộ tận tâm, tận tình với công việc, sống chan hòa, giản dị, luôn quan tâm, giúp đỡ mọi người và luôn được đồng đội và nhân dân yêu quý. Tuy thời gian công tác chưa lâu, nhưng Thượng sĩ Lê Đình Tư cũng luôn tận tâm, tận lực, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”. Lao mình vào lũ dữ, sẵn sàng hi sinh thân mình để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, của Nhà nước là nét đẹp bình dị của những người lính mang quân hàm xanh trên khắp dải đất hình chữ S này.
Thùy Trang (Báo Biên phòng)