Trần Đức Thông sinh năm 1944 tại xã Minh Hòa, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ngày 7 tháng 4 năm 1962, Trần Đức Thông nhập ngũ. Khi hy sinh anh là trung tá, phó lữ đoàn trưởng lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân. Anh còn là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Từ năm 1975 trở về trước, Trần Đức Thông đã trực tiếp tham gia chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Với nhiều cương vị từ thấp đến cao (thợ sửa chữa pháo cuả lữ đoàn 335 phòng không, trạm trưởng sửa pháo của trung đoàn 227, Quân khu Hữu Ngạn, trợ lý tác chiến Trung đoàn 223, Quân khu Trị Thiên). Trần Đức Thông luôn tận tụy công tác, chiến đấu dũng cảm, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.
Sau khi Tổ quốc thống nhất, Trần Đức Thông xác định nhiệm vụ, gắn bó với quân đội. Học xong chương trình trung cấp ở trường Phòng không, anh về nhận công tác ở đơn vị bảo vệ đảo Trường Sa. 11 năm gắn bó với nhiệm vụ xây dựng đảo, bảo vệ Trường Sa, Trần Đức Thông luôn nêu cao phẩm chất tốt đẹp của người cán bộ, đảng viên, gương mẫu, không ngại gian khổ, có tinh thần đoàn kết giữ nghiêm kỷ luật hết lòng thương yêu bộ đội; có tác phong lãnh đạo chỉ huv sâu sát, năng nổ, tỏ ra là một cán bộ có kinh nghiệm và năng lực tổ chức thực hiện, được nhân dân và đồng đội tin yêu. Ở đảo nào, Trần Đức Thông cũng góp phần xây dựng đáo vững mạnh về mọi mặt, đảo Sơn Ca (1982) từ trung bình lên khá nhất trong quần đảo Trường Sa (1983 – 1984). Trần Đức Thông thường trực đảo Nam Yết 3 năm (1984-1987) tổ chức tiếp nhận hàng ngàn tấn vật liệu và chỉ huy xây dựng đảo Thuyền Chài, tiếp nhận vũ khí, trang bị ra đảo an toàn, đúng kế hoạch.
Vừa là cán bộ trong ban chỉ huy lữ đoàn, vừa hoạt động trong ủy ban nhân dân huyện Trường Sa, Trần Đức Thông đã suy nghĩ, đóng góp và đề ra biện pháp công tác phù hợp, làm cho hoạt động quân sự và chính quyền có nền nếp. Huyện đảo Trường Sa đã thực sự trở thành nơi gắn bó đoàn kết giữa các khối đảo với các địa phương của tỉnh Phú Khánh, tạo điều kiện giúp đỡ tinh thần và vật chất có hiệu quả đối với bộ đội đảo, Trần Đức Thông được nhân dân yêu mến, tín nhiệm.
Trong cuộc chiến đấu chống lấn chiếm các đảo ở vùng biển tháng 3 năm 1988 của hải quân xâm lược,Trần Đức Thông đã tỏ rõ bán lĩnh vững vàng và quyết tâm cao trong việc chi huy bộ đội giữ vững chủ quyền của ta trên các đảo. Đầu tháng 3 năm 1988 Trần Đức Thông đang nghỉ phép thì có điện gọi về đơn vị. Đồng chí đã chỉ huy một lực lượng ra đóng giữ các đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao (thuộc cụm đảo Sinh Tồn). 16 giờ 30 phút ngày 13 tháng 3 tới vị trí, Trần Đức Thông tổ chức lực lượng đi khảo sát, xác định vị trí cắm cờ, làm nhà. 4 giờ sáng ngày 14 tháng 3, anh chỉ huy bộ đội bốc dỡ vật liệu từ tầu HQ604 xuống đảo Gạc Ma, lúc này tầu địch đang bao vây, uy hiếp, dùng xuồng máy đổ quân lên đảo hòng nhổ cờ, và chiếm đảo. Trần Đức Thông đã cho điện báo về sở chỉ huy và xác định quyết tâm “dù địch vây ép, dù mất tầu, chúng tôi quyết không lùi”. Trần Đức Thông lệnh cho bộ đội trên tầu xuống đảo hỗ trợ lực lượng bảo vệ cờ và đấu tranh với địch, đồng thời nhắc nhở bộ đội, hãy bình tĩnh, không được nổ súng khi chưa có lệnh để tránh sự khiêu khích của địch.
Trên đảo đã xảy ra đụng độ giữa ta và địch, tầu địch vòng dãn ra xa và dùng pháo bắn nhiều loạt vào tầu HQ604. Tầu ta trúng đạn, nước tràn vào và chìm nhanh, Trần Đức Thông bị thương nặng vào đầu nhưng vẫn ở mũi tầu chỉ huy bộ đội, cho đến lúc hi sinh.
Trần Đức Thông đã nêu cao tinh thần anh dũng chiến đấu, kiên quyết cùng bộ đội đấu tranh giữ vững chủ quyền của Tổ quốc trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
Quá trình công tác, Trần Đức Thông đã được tặng thương 1 Huân chương Quân công hạng ba, 2 Huân chương Chiến công hạng nhì, 12 bằng và giấy khen.
Ngày 13 tháng 12 năm 1989, liệt sỹ Trần Đức Thông đã được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.