Đầu Xuân Ất Mùi, về Lữ đoàn phòng không 210 (Quân khu 1), chúng tôi cảm nhận được cùng với niềm háo hức của ngày ra quân huấn luyện, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn còn tự hào, phấn khởi bởi trước đó vài hôm, một cán bộ mẫu mực, ưu tú của đơn vị đã được truy tặng Danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Đó là Thiếu úy, Liệt sĩ Trần Văn Ca.
Chính ủy Lữ đoàn 210, Đại tá Hà Văn Tịnh xúc động chia sẻ, hôm đơn vị tổ chức lễ đón nhận Danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho Liệt sĩ Trần Văn Ca, có một số bạn chiến đấu của đồng chí Ca về dự. Họ đã chia sẻ những ký ức sâu sắc về người đại đội trưởng pháo phòng không năm nào.
Trần Văn Ca sinh năm 1942, tại thôn Định Trạch, xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Anh nhập ngũ tháng 4-1963, rồi về phục vụ trong lực lượng Phòng không-Không quân.
Tháng 6-1967, Trần Văn Ca được cấp trên điều động từ lực lượng PK-KQ về Đại đội 106, Trung đoàn 210 (nay là Lữ đoàn 210, Quân khu 1). Đây là thời điểm Mỹ tập trung lực lượng đánh phá ác liệt các tuyến giao thông phía Nam vĩ tuyến 20 mà trọng tâm là từ Nghệ An trở vào. Trước tình hình đó, cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 210, trong đó có đội hình Đại đội 106 do Trần Văn Ca làm Đại đội trưởng được lệnh cơ động lên đường bảo vệ thành phố Vinh, sân bay Vinh, phà Bến Thủy, Ngã ba Đồng Lộc…Dưới sự chỉ huy của Trần Văn Ca, Đại đội 106 đã làm nên nhiều trận đánh xuất sắc, đạt hiệu suất chiến đấu cao trên vùng trời Hà Tĩnh.
![]() |
Noi gương Anh hùng LLVT nhân dân Trần Văn Ca, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 210 hôm nay không ngừng đẩy mạnh huấn luyện, nâng cao khả năng SSCĐ, để “đã bắn là trúng”. |
Trận đánh ngày 11-5-1968, địch sử dụng một số tốp nhỏ máy bay đánh phá sân bay Vinh. Trung đoàn 210, trong đó có Đại đội 106 do Trần Văn Ca chỉ huy, phát huy tốt hỏa lực, bắn rơi 1 chiếc A4. Ngày 12-5-1968, máy bay địch lại vào đánh phá sân bay Vinh. Lúc 15 giờ 35 phút, khi Đại đội trưởng Trần Văn Ca đang cơ động đến từng khẩu đội, cùng bộ đội sửa chữa và ngụy trang công sự thì nghe tiếng máy bay vọng lại ngày càng rõ. Một tốp máy bay lợi dụng hướng mặt trời lao thẳng xuống trận địa. Trần Văn Ca vững vàng ở vị trí chỉ huy, vừa lệnh bắn vừa phất mạnh cờ hiệu. Sau những tiếng nổ đanh thép của các khẩu pháo 57mm, 1 chiếc máy bay A4 của địch trúng đạn, bốc cháy và lao đầu xuống đất, cách trận địa của Đại đội 106 không xa…
Đầu tháng 6-1968, Trung đoàn 210 nhận lệnh cơ động về Can Lộc (Hà Tĩnh), chiến đấu bảo vệ trọng điểm Nga ba Đồng Lộc. Ngày 22-6-1968, địch tập trung lực lượng tổ chức 8 đợt đánh phá trận địa của Đại đội 105 và 106. Có đợt máy bay địch vào 12 chiếc, trong khi 4 chiếc đánh hệ thống giao thông thì 8 máy bay còn lại tập trung đánh phá trận địa. Trần Văn Ca chỉ huy các khẩu đội vừa bắn những chiếc bổ nhào đánh cầu, rồi lập lại tức quay nòng bắn những chiếc bổ nhào đánh trận địa. Trong trận này, 1 quả bom rơi ngay gần sở chỉ huy Đại đội 106, làm Chính trị viên Trần Văn Thám bị thương, còn Trần Văn Ca bị hất ra ngoài công sự. Trận địa Đại đội 106 đã bị lộ nhưng chưa được lệnh cơ động, Đại đội trưởng Trần Văn Ca chỉ huy cán bộ, chiến sĩ tiếp tục bám trụ trận địa và chuẩn bị cho các đợt chiến đấu tiếp theo.
Sang ngày 23-6-1968, Đại đội 106 được lệnh cơ động sang trận địa cầu Tùng Cóc. Ngay sau khi chiếm lĩnh trận địa mới, Trần Văn Ca động viên bộ đội tổ chức đào hầm và đưa toàn bộ vũ khí vào công sự trước khi trời sáng.
Trận đánh ngày 25-6-1968 bắt đầu khi trời vừa mờ sáng. 2 chiếc máy bay A4 từ hướng Đông bất ngờ xuất hiện và đồng loạt phóng rốc két vào trận địa của Đại đội 106. Trần Văn Ca và 2 chiến sĩ hy sinh anh dũng, 7 pháo thủ khác bị thương. Ngay sau đó, Trung đoàn 210 đã phát động đợt thi đua học tập tấm gương của Liệt sĩ Trần Văn Ca, quyết bám đường chiến đấu, thà sy sinh chứ quyết không để đường tắc, xe cháy. Qua 147 ngày đêm bám trụ Ngã ba Đồng Lộc (từ 8-6 đến 30-10-1968), Trung đoàn 210 đã bắn rơi 8 máy bay các loại của Mỹ, giữ vững huyết mạch giao thông giữa hậu phương lớn miền Bắc với tuyến lớn miền Nam, góp phần vào chiến thắng chung của cả dân tộc.