Anh hùng liệt sỹ Châu Văn Biếc
Châu Văn Biếc sinh năm 1951 tại ấp Mỹ Hòa, xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ, Bà Rịa Vũng Tàu, trong một gia đình bần nông, cha là ông Châu Văn Bông và mẹ là bà Phạm Thị Liếu. Anh có 5 anh em gồm: 3 trai, 2 gái.
Biếc có một người em trai tên là Châu Văn Hạnh cùng tham gia cách mạng ở đơn vị bộ đội C25 Huyện Long Đất. Anh Hạnh hy sinh vào tháng 01 năm 1975.
Châu Văn Biếc lớn lên trong một hoàn cảnh đầy khó khăn, gian khổ của đất nước nói chung và xã Long Mỹ nói riêng. Cùng một lúc nhân dân xã Long Mỹ phải đối đầu với 3 kẻ thù: đế quốc Mỹ, chư hầu Úc và ngụy quân, ngụy quyền.
Làng xóm nằm trong vòng kiềm kẹp của giặc, từ việc dồn dân, lập ấp chiến lược đến việc truy lùng, hù dọa, đánh đập dã man, bắt bớ đối với những gia đình có người thân đi làm cách mạng … nhằm áp đảo ý chí cách mạng của nhân dân. Tất cả những hành động bạo lực, phi nghĩa của giặc đã không làm cho nhân dân nao núng, lòng dân vẫn hướng về cách mạng, về kháng chiến. Tại Long Mỹ, chi bộ Đảng và lực lượng du kích vẫn tồn tại và hoạt động trong sự đùm bọc của nhân dân.
18 tuổi (1969) Châu Văn Biếc đã nhận thức được lý tưởng sống, đã chứng kiến những hành động dã tâm, tàn ác của giặc đối với xóm làng, với đồng bào, với quê hương. Châu Văn Biếc đã xác định cho mình một hướng đi, đó là theo Đảng làm cách mạng để giải phóng quê hương, giải phóng dân tộc.
Châu Văn Biếc đã tự sắm tư trang và lặng lẽ ra đi về lại vùng Long Mỹ (nơi này lực lượng du kích xã thường đi về hoạt động). Sau mấy ngày nằm chờ bắt liên lạc, anh được tổ chức gặp và đưa vào căn cứ. Từ đó, Châu Văn Biếc trở thành một chiến sĩ của lực lượng du kích xã Long Mỹ (cuối năm 1969).
Năm 1970, Châu Văn Biếc được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam. Năm 1972, anh là chi ủy viên Chi bộ Long Mỹ.
Trong gần 4 năm tham gia hoạt động cách mạng (cuối năm 1969 đến tháng 3/1973), Châu Văn Biếc trưởng thành từ một chiến sĩ du kích đến một xã đội trưởng. Suốt quá trình sống và chiến đấu, anh đã để lại cho đồng đội và nhân dân lòng cảm mến, thương yêu và kính trọng. Trong chiến đấu anh luôn thể hiện bản lĩnh gan dạ, dũng cảm, mưu trí và dứt khoát trong mọi hành động.
Tuy là một đơn vị du kích xã, nhưng các trận đánh Châu Văn Biếc tham gia hoặc trực tiếp tổ chức chỉ huy đều làm nên những chiến công hiển hách, làm nức lòng đồng đội, đồng bào, làm cho bọn giặc phải khiếp sợ (có lúc trong một trận càn vào căn cứ, bọn địch không gặp du kích ở đó, chúng để thư lại nài nỉ Châu Văn Biếc và đồng đội không về đánh phá chúng nữa, có lúc do bị liên tiếp những trận đòn do Châu Văn Biếc và đồng đội du kích Long Mỹ đánh, bọn giặc tức tối, chúng đã trao giải thưởng “ai diệt được Châu Văn Biếc sẽ được thưởng 20.000 đồng” (tương đương 10 lượng vàng lúc bấy giờ). Nhưng bọn giặc cũng thừa biết không ai có thể làm được việc ấy.
Sáng ngày 26/6/1973, trên đường từ căn cứ ra nắm tình hình giặc, Châu Văn Biếc bị lọt ổ phục kích của một trung đội bảo an. Ngay loạt súng đầu tiên, Châu Văn Biếc bị thương ở đùi phải, biết không thể thoát khỏi sự bủa vây của giặc, anh đã để khẩu AR15 dài theo người, mũi súng chỉa vào thái dương, sẳn sàng hy sinh. Địch liên tục gọi hang. Châu Văn Biếc trả lời xin hàng, dụ giặc tiến lên, để tung 1 quả lựu đạn nhưng lựu đạn không nổ. Quả lựu đạn còn lại anh nhanh chóng mở chốt gài vào thắt lưng mình rồi nằm úp xuống. Địch vừa bắn vừa tiến từng bước tới chổ Châu Văn Biếc nằm. Khi chúng vừa lật ngữa anh lên, lựu đạn nổ làm chết 02 tên và 1 tên khác bị thương.
Châu Văn Biếc đã anh dũng hy sinh khi mới 22 tuổi – Tuổi thanh xuân đẹp nhất đời người. Tấm gương hy sinh của Châu Văn Biếc là biểu tượng chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân xã Long Mỹ.
Với những chiến công đã đạt được và với sự dũng cảm trước lúc hy sinh, ngày 20/12/1994, Châu Văn Biếc đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.