Thời kỳ chống thực dân Pháp, trong chiến dịch Điện Biên Phủ xuất hiện tấm gương Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân Phan Đình Giót thì trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước, quê hương Tiền Giang tự hào có Anh hùng LLVT nhân dân Trừ Văn Thố, cả hai đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, lấy thân mình lấp lỗ châu mai của địch, tạo điều kiện cho đồng đội xông lên giành chiến thắng.
Đồn Cây Trường có địa thế rất lợi hại, án ngữ Quốc lộ số 13 và khu tam giác Dinh Điền Văn Hữu- Căm Xe, có cấu trúc hình tam giác, hàng rào kẽm gai chắc chắn với nhiều công sự, lô cốt ngầm ở giữa. Địch bố trí một đại đội phòng phủ rất kiên cố cẩn mật, kiểm soát kỹ từng người dân ra vào. Căn cứ này là bàn đạp của bọn biệt kích ác ôn tổ chức đánh phá vào chiến khu Đ. Trận chiến diễn ra rất ác liệt, sau khi nổ bộc phá mở rào, diệt các hỏa điểm ở tiền duyên, bộ đội nhanh chóng phát triển vào trung tâm diệt lô cốt bên phải và lô cốt bên trái. Địch còn lại rút xuống lô cốt ngầm ở giữa cố thủ chống trả quyết liệt.
Các mũi đột phá của ta chịu nhiều thương vong vẫn không dập tắt hỏa điểm hầm ngầm. Trừ Văn Thố lúc này bị thương nhẹ nhưng vẫn cố gắng trườn lên với quyết tâm phải dập tắt hỏa lực địch, để đồng đội xông lên dứt điểm. Được đồng đội phía sau bắn kiềm chế, ông lao lên dùng hết thủ pháo, lựu đạn, đánh đến quả bộc phá cuối cùng nhưng vẫn không dập tắt được hỏa điểm địch. Đội hình tiến công của bộ đôi ta bị đánh chặn lại, nhiều đồng chí tiếp tục hy sinh.
Trước tình hình gay go tưởng chừng như không thể vượt qua nổi, Trừ Văn Thố lúc này bị thương rất nặng vẫn cố trườn lên rồi bất ngờ đứng dậy. Ông lao người vào lỗ châu mai, lấy thân mình bịt kín họng súng trung liên của địch, tạo thời cơ cho bộ đội ta xung phong lên chiến đấu và giành thắng lợi hoàn toàn. Đây là trận đánh diệt gọn cứ điểm công sự kiên cố của địch đầu tiên trên chiến trường miền Nam. Trừ Văn Thố là người đầu tiên của Sư đoàn 9 được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Để tưởng nhớ đến công ơn của liệt sĩ, Anh hùng LLVT nhân dân Trừ Văn Thố, tại huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang và huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương đã thành lập 2 ngôi trường mang tên Trường THCS Trừ Văn Thố.
Chia đôi cái chết với kẻ thù là hành động anh hùng và chiến công oanh liệt của liệt sĩ Huỳnh Văn Mãnh (Năm Mãnh) ở xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây. Mặc dù làm Trưởng ban Tài chánh của xã nhưng đồng chí Huỳnh Văn Mãnh luôn sát cánh cùng đồng đội cầm súng chiến đấu với quân thù. Ông đã trực tiếp tham gia đánh 35 trận, tiêu diệt được 15 tên địch, trong đó có trận phục kích chặn đánh địch đi lùng sục ở ấp Thới Thuận Tây, tiêu diệt được tên chỉ huy và bắn bị thương 2 tên khác vào ngày 26/3/1963.
Từ năm 1964 – 1965, ông cùng với Ban Binh vận đã vận chuyển hàng trăm tấn hàng chiến lược từ những chuyến tàu không số chuyển vào tỉnh Bến Tre và vùng Gò Công. Tháng 4/1966, trên đường đi thu đảm phụ nông nghiệp ở ấp An Hòa Long, ông lọt vào ổ phục kích của trung đội biệt kích quận do tên Chín Bông chỉ huy tại cầu Miễu. Chúng bắn Năm Mãnh bị thương gãy chân, không thể chạy được. Thấy Năm Mãnh mang ba lô trên lưng, chúng biết Năm Mãnh đi thu tài chính về nên tranh nhau chạy đến giành giựt. Quyết không để tiền bạc và tài liệu lọt vào tay quân thù, lợi dụng sự sơ hở của địch, Năm Mãnh nhào tới ôm chặt tên Chín Bông và rút chốt lựu đạn. Lựu đạn nổ, Năm Mãnh anh dũng hy sinh, tên ác ôn Chín Bông chết tại chỗ và hai tên lính khác bị thương. Chín Bông là tên ác ôn, tay sai đắc lực của Quận trưởng quận Hòa Đồng, tiêu diệt được tên này coi như ta đã “chặt đứt một cánh tay” của tên quận trưởng.
Hành động dũng cảm tiêu diệt tên Bông của đồng chí Mãnh đã được Huyện ủy nêu gương học tập trong toàn đơn vị và Nhạc sĩ Anh Vũ đã sáng tác bài hát “Nhớ tên anh”, để đồng đội và nhân dân ghi nhớ tấm gương dũng cảm của liệt sĩ Huỳnh Văn Mãnh. Với hành động anh hùng và chiến công oanh liệt, liệt sĩ Huỳnh Văn Mãnh đã được Chủ tịch nước quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Cổng thông tin điện tử tỉnh Tiền Giang (Anh Đậu)