Để có được hòa bình, thống nhất như hôm nay đã có hơn một triệu người con ưu tú đã Anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc. Để ghi nhận sự hy sinh của những mẹ đã mất chồng, mất con trong các cuộc kháng chiến. Ngày 29/8/1994, Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. để tặng cho các Mẹ, trong số đó có những Mẹ là liệt sĩ. Trianlietsi.vn xin giới thiệu cùng bạn đọc một số liệt sĩ được phong danh hiệu “Bà Mẹ Việt Nam anh hùng” .
1. Liệt sĩ Phạm Thị Nính (1916-1954)
Liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Nính, sinh năm 1916 trong một gia đình nông dân nghèo ở ấp Chánh (nay là ấp Trung), xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, hy sinh ngày 10/7/1954, hưởng dương 38 tuổi. Mẹ có một con trai duy nhất và một con nuôi đã anh dũng hy sinh tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.
Sinh ra và trưởng thành trên quê hương có truyền thống đấu tranh cách mạng từ lâu đời, nhân dân xã Tân Thông Hội luôn có tinh thần đoàn kết, yêu thương đùm bọc gắn bó nhau, có tấm lòng mến khách, thủy chung, trọng nghĩa khinh tài, thẳng thắng cương trực, nói thẳng nói thật rồi sẵn sàng bỏ qua, tha thứ cho nhau để cùng tiến bộ. Người dân nơi đây đã nung nấu trong lòng tinh thần yêu nước, ý chí căm thù giặc sâu sắc và lòng khác khao tự do, công bằng, tôn trọng lẽ phải, không chịu khuất phục trước áp bức bất công nào. Cũng như những bà mẹ Việt Nam anh hùng khác, mẹ Nính là người phụ nữ Việt Nam rất đỗi bình dị nhưng kiên cường bất khuất trong đấu tranh giành độc lập dân tộc. Tiếp thu được truyền thống tốt đẹp của quê hương, Mẹ Nính sớm giác ngộ và tham gia cách mạng trong suốt thời kỳ 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược. Năm 1943, mẹ lập gia đình với ông Bùi văn Kheo (1913-1982), người cùng xã và là một nông dân hiền lành chất phát.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 như một luồng gió mới thổi đến khắp mọi miền đất nước Việt Nam, ai ai cũng mùng vui vì từ đây nước nhà được độc lập, có chính quyền cách mạng, có Chủ tịch nước của mình. Nhưng cuối tháng 09/1945, giặc Pháp trở lại đánh chiếm Nam bộ. Năm 1946, giặc Pháp đã tràn về Củ Chi, xóm làng xao xác, nhân dân tiếp tục sống trong cảnh loạn lạc, bom đạn giặc ngày đêm giết hại dân lành. Mẹ Nính đã cùng bà con xóm ấp tham gia công tác, phục vụ chiến đấu như đóng góp lương thực cho cách mạng, tham gia các cuộc đấu tranh biểu tình chặn đường giặc vào ruồng bố cướp phá xóm làng.
Từ năm 1949, mẹ Nính đã cùng bộ đội, du kích và bà con tích cực tham gia phong trào đào địa đạo, xây dựng ấp xã chiến đấu. Trong xã ấp chiến đấu còn có những bãi chông, bố trí những nơi giặc hay lùng sục, rải rác trên đường đi. Ở gia đình thì bố trí hầm chông, hố chông xung quanh chuồng heo, chuồng gà, những bụi chuối, cây đang có quả, dọc hàng rào, trên các đường vào nhà hoặc từ nhà này sang nhà bên cạnh…
Tháng 9/1952, một cơn bão lớn chưa từng có ở Nam bộ, đã gây ngập lụt khắp nơi. Đồng Tháp Mười là vựa lúa kháng chiến đã trở thành một biển nước mênh mông kéo dài cả tháng trời. Sau cơn lũ lụt, nạn đói nghiêm trọng đã diễn ra, buộc Đảng ta phải có biện pháp giải quyết, trước mắt là phải triệt để tiết kiệm lương thực, vận động nhân dân đoàn kết, tương trợ nhau, lá lành đùm lá rách, đồng thời đẩy mạnh sản xuất hoa màu ngay sau khi nước rút. Trước khó khăn, mẹ Nính đã cùng bà con nhân dân trong xã đã hết lòng chi viện cho cán bộ, chiến sĩ.
Tháng 5/1954, tin vui chiến thắng Điện Biên Phủ đến với nhân dân xã Tân Thông Hội, càng thôi thúc mẹ Nính cùng mọi người tiến lên giành thắng lợi cuối cùng trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Sáng ngày 10/7/1954, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Sáu Bân (Lê Công Tâm) – Bí thư Chi bộ, mẹ Phạm Thị Nính dẫn đầu đoàn biểu tình cùng với các đồng chí Liêu Bình Hương, Phan Thị Hối, Nguyễn Thị Nữ và các đảng viên và hơn 600 người thuộc các ấp Chánh, ấp Trung, ấp Bàu Sim và các xã lân cận đã tham gia tuần hành, biểu dương lực lượng tại Quán Đôi (khu vực ấp Bàu Sim trên quốc lộ 22). Đoàn người tập trung tại ấp Chánh (gần đồng mả Thầy Chùa), khu vực Quán Đôi kéo ra quốc lộ 22. Cờ đỏ sao vàng tung bay cùng với những băng rôn, khẩu hiệu, bà con hô vang: “Đã đảo đế quốc Pháp- đế quốc Pháp phải thi hành hiệp định đã ký”. Đoàn biểu tình dự định kéo về Nhà Việc tại Củ Chi để đấu tranh đòi thực dân Pháp và tay sai nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Giơ ne vơ. Giặc Pháp đã đàn áp, dìm cuộc biểu tình trong biển máu. Chúng xả súng vào đoàn người biểu tình giết hại 54 người (trong đó xã Tân Thông Hội có 29 người) và làm bị thương 57 người khác. Mẹ Phạm Thị Nính đã anh dũng hy sinh cùng nhiều đồng chí, đồng bào khác, như các đồng chí: Liêu Bình Hương, Phan Thị Hối…
Mẹ Phạm Thị Nính là người phụ nữ gan dạ, kiên cường, có tinh thần cách mạng, đã dâng hiến cả cuộc đời mình cho quê hương đất nước. Mẹ Nính hy sinh bỏ lại người con trai duy nhất của mẹ lúc đó chỉ mới 10 tuổi là anh Bùi Văn Sen. Anh Bùi Văn Sen đã nuôi ý chí giết giặc trả thù cho mẹ và góp phần vào sự nghiệp giành độc lập cho dân tộc. Tháng 1/1962, năm anh lên 18 tuổi đã xung phong vào đội du kích xã Tân Thông Hội. Anh chiến đấu và hy sinh tại vùng Bưng, ấp Chánh, xã Tân Thông Hội ngày 7/9/1963. Ngoài ra, mẹ còn người con nuôi là Bùi Văn Rảnh (con người chị chồng) được mẹ nuôi dưỡng từ năm lên 8 tuổi, anh là du kích xã, cũng đã hy sinh cùng một ngày với mẹ.
Mẹ Phạm Thị Nính được Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng Tổ quốc ghi công và Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký quyết định truy tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam anh hùng ngày 2/10/1998. Bà mẹ Việt Nam anh hùng là danh hiệu mà Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng cho mẹ Phạm Thị Nính vì đã có nhiều cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Chiến tranh đã đi qua, hoà bình đã trở về với dân tộc Việt Nam, niềm vui đã trở lại nhưng nỗi đau thì vẫn còn đấy. Mẹ Nính và người con trai duy nhất của mẹ đã không còn nữa vì đã hy sinh tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc. Tấm gương hy sinh của Liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Nính đã tô đậm màu cờ của Tổ quốc, làm rạng rỡ thêm truyền thống “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của phụ nữ Việt Nam.
Hiện con trai thứ hai (của mẹ sau) là Bùi Văn Phú lo việc thờ cúng mẹ và anh trai tại nhà số 74A, đường 26, ấp Trung, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi. Điện thoại liên hệ 01652734613.