Liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Tua, sinh năm 1915, hy sinh ngày 2/10/1950, hưởng dương 35 tuổi, quê quán xã Định Hòa, Thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Trú quán theo quê chồng về ở ấp Bốn Phú, xã Trung An, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh. Mẹ có chồng, một con trai đã anh dũng hy sinh tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh đất nước bị thực dân Pháp xâm lược, trưởng thành trên quê hương có truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm kiên cường, bất khuất. Xuất thân từ gia đình nông dân nghèo vốn có đức tính hiền hòa, nhân hậu, ngay thẳng, chất phát, cần cù, siêng năng trong lao động. Mẹ chỉ có 2 anh em (anh là Lê Văn Tông – hiện đang sinh sống tại xã Thới Hòa, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương). Năm 20 tuổi, mẹ lập gia đình và về sống bên quê chồng tại làng An Phú (sau đó đổi thành xã An Phú Thạnh và Trung An ngày nay). Cũng như bao người nông dân khác, mẹ Nguyễn Thị Tua làm ruộng rẫy và buôn bán nuôi con.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, gia đình Mẹ luôn là cơ sở đáng tin cậy của cách mạng. Bản thân mẹ luôn tích cực tham gia các công tác, nuôi giấu cán bộ về hoạt động cách mạng. Chồng đi kháng chiến, mẹ ở nhà làm lụn vất vã nuôi con, tiếp sức cho chồng yên tâm công tác. Mẹ sinh được 5 người con (4 trai, 01 gái), gồm: Nguyễn Văn Dợi; Nguyễn Văn Dậm; Hồ Văn Hát; Hồ Ngọc Lan và Hồ Văn Kiên. Được sự nuôi dưỡng, dạy dỗ, giáo dục của mẹ, các người con của mẹ lớn lên đều sống xứng đáng với truyền thống quê hương xã Trung An anh hùng, tất cả các con của mẹ đều thoát ly gia đình tham gia vào các lực lượng võ trang cách mạng, trực tiếp cầm súng chiến đấu bảo vệ quê hương trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Mẹ Tua là một cán bộ năng nổ trong công việc tiếp tế lương thực cho bộ đội. Ngày 2/10/1950, trong một lần đi mua lương thực, nhu yếu phẩm để về nuôi dưỡng thương binh, ghe của Mẹ đã bị giặc phục kích bắn chìm trên sông Rạch Kè, thuộc ấp Phú Trung, xã An Phú Thạnh (nay là ấp Bốn Phú, xã Trung An, huyện Củ Chi). Liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Tua hy sinh là tấm gương sáng cho muôn đời con cháu noi theo.
Mẹ có 2 người thân là liệt sĩ, gồm: Chồng mẹ Liệt sĩ Hồ Văn Kiểm (Bí danh Tám Đầu Bạc), sinh năm 1908. Ông tham gia hoạt động cách mạng tại địa phương từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Sang thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ông là Bí thư Chi bộ xã Trung An (giai đoạn 1961- 1962). Lúc này, bọn giặc truy lùng gắt gao và treo giải thưởng cao cho ai bắt sống hoặc lấy được đầu của ông Tám Đầu Bạc. Sau đó ông chuyển công tác vào Hậu cần Đoàn 83. Ông hy sinh ngày 12/8/1970 tại xã Phú An, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương cùng với nhiều đồng chí khác do hầm trú ẩn bị trúng pháo địch. Con trai thứ tư của mẹ – Liệt sĩ Hồ Văn Hát, sinh năm 1941, tham gia lực lượng du kích xã Trung An, hy sinh ngày 12/5/1968, tại ấp Bốn Phú do bị địch phục kích bắn chết trong lúc anh đang trên đường đi công tác.
Các con còn lại của Mẹ gồm: con trai thứ hai là ông Nguyễn Văn Dợi, sinh năm 1939, tham gia công tác cách mạng từ năm 1952, sau đó thoát ly vào bộ đội Chi đội 12 do đồng chí Tô Ký chỉ huy. Năm 1954, tập kết ra Bắc. Sau ngày 30/4/1975, về hưu, bị tai nạn mất năm 1989. Con trai thứ ba của mẹ là Nguyễn Văn Dậm, sinh năm 1941, tham gia công tác cách mạng từ năm 1953, sau đó thoát ly vào bộ đội Chi đội 12 do đồng chí Tô Ký chỉ huy. Năm 1954, tập kết ra Bắc học trường Lục quân. Năm 1963 trở vào Nam chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị- Thừa Thiên, chức vụ Tiểu đoàn trưởng. Năm 1972, anh bị thương được chuyển ra Bắc điều trị. Cuối năm 1972 được đơn vị cử đi nghiên cứu sinh ở Liên Xô và làm việc tại đây. Năm 2010, anh về nước và bệnh mất năm 2013. Con gái thứ tư của mẹ là Hồ Ngọc Lan, sinh năm 1943, tham gia công tác cách mạng từ năm 1964 làm công tác giao liên, sau đó chuyển sang công tác Thành. Sau giải phóng làm nhân viên Bưu điện thành phố Hồ Chí Minh, chị bệnh mất năm 1988. Con trai út của mẹ là Hồ Văn Kiên, sinh năm 1945, tham gia công tác cách mạng từ năm 1963, cán bộ trinh sát kỷ thuật quân báo Miền. Năm 1976, anh phục viên, hiện là Bí thư Chi bộ ấp Bốn Phú, xã Trung An, Củ Chi.
Mẹ Nguyễn Thị Tua được Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng Tổ quốc ghi công và Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký quyết định truy tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam anh hùng ngày 17/01/2002. Hiện con trai út của mẹ là Hồ Văn Kiên lo việc thờ cúng mẹ tại nhà số 418/01, đường Trung An, ấp Bốn Phú, xã Trung An, huyện Củ Chi. Điện thoại liên hệ: 09078352219.
Nguồn Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ