Liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị He, sinh năm 1921, hy sinh ngày 6 tháng 9 năm 1963, hưởng dương 42 tuổi, quê quán: ấp Xóm Bưng, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh. Mẹ có 02 người anh trai, chồng và 3 con trai đã anh dũng hy sinh trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Mẹ Nguyễn Thị He còn là con của Bà mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Trèn (1890-1952).
Mẹ Bùi Thị He sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, đông con. Mẹ có tất cả 6 anh chị em, trong đó có 02 người anh là liệt sĩ: người anh cả công tác ở ban Kinh tài xã Nhuận Đức là Bùi Văn Dốc (1913- 1970). Người anh thứ năm công tác ở Ban Kinh tài quận Củ Chi là Bùi Văn Cá (1919- 1971). Gia đình mẹ thuộc thành phần bần nông, sống bằng nghề làm ruộng rẫy, mẹ còn làm nghề cạo mủ cao su mướn cho đồn điền Đỗ Cao Lụa (nay là nông trường Phạm Văn Cội).
Năm 16 tuổi mẹ làm liên lạc cho các anh chị dân quân ấp Xóm Bưng, xã Nhuận Đức, Củ Chi. Năm 18 tuổi, mẹ lập gia đình, chồng mẹ là ông Đặng Văn Gạo, quê quán ở ấp Gò Nổi, xã An Nhơn Tây, Củ Chi, là người tích cực hoạt động cách mạng từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Mẹ đã động viên, giúp đỡ rất nhiều cho chồng để ông hoàn thành tốt nhiệm vụ của cách mạng giao cho. Năm 1940, mẹ gia nhập vào đội du kích xã Nhuận Đức, lúc đó mẹ đã có 1 người con (anh Đặng Văn Thóc). Mẹ sinh được 7 người con (6 trai, 1 gái), gồm: Đặng Văn Thóc; Đặng Văn Khổng; Đặng Thìn; Đặng Văn Lình; Đặng Thị Nàng; Đặng Văn Xình và Đặng Văn Nga.
Từ ngày tham gia hoạt động cách mạng đến lúc hy sinh, má luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ khi được phân công. Ảnh hưởng ý chí bất khuất của ba mẹ, các con của mẹ đã xin được tham gia hoạt động cách mạng. Noi gương sáng của ba mẹ, các anh luôn hoàn thành tốt moi nhiệm vụ và đã lập được nhiều chiến công.
Năm 1963, Mẹ Bùi Thị He là Trưởng ban cán bộ phụ nữ xã, Trưởng ban vận động biểu tình xã Nhuận Đức. Vào ngày 6/9/1963 mẹ Bùi Thị He dẫn đầu đoàn biểu tình tiến ra chợ Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi để đấu tranh chính trị với giặc. Mẹ đã bị bọn giặc bắn trọng thương và trên đường về nhà mẹ đã hy sinh.
Mẹ Bùi Thị He có chồng, 03 con trai là liệt sĩ
Chồng mẹ- Liệt sĩ Đặng Văn Gạo, nhập ngũ năm 1939, kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1945. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược, ông làm Trưởng Ban Kinh tài Chi đội 6. Hy sinh ngày 20/3/1970, trên đường công tác bị lọt vào ổ phục kích của giặc. Chức vụ trước lúc hy sinh: Trưởng Ban Quân nhu Quân khu 9.
Liệt sĩ Đặng Văn Thóc (con trai thứ hai), sinh năm 1940, tại xã Nhuận Đức, Củ Chi, nhập ngũ năm 1959. Anh hy sinh trong một trận đánh xe tăng Mỹ ngày 5/9/1967. Chức vụ trước lúc hy sinh: Trưởng Ban bảo vệ Ban Tuyên huấn khu Sài Gòn- Gia Định.
Liệt sĩ Đặng Văn Khổng (con trai thứ ba), sinh năm 1943, tại xã Nhuận Đức, Củ Chi, nhập ngũ 1962. Anh hy sinh tháng 1/1968, khi ôm trái tấn công vào sân bay Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai). Chức vụ trước lúc hy sinh: Tiểu đội trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, đơn vị công tác: Công trường 9.
Liệt sĩ Đặng Văn Lình (con trai thứ năm), nhập ngũ năm 1960. Anh hy sinh năm 1967. Chức vụ trước lúc hy sinh: Tiểu đội trưởng, đơn vị: Tiểu đoàn Vinh Quang khu Sài Gòn- Gia Định (Biệt động Thành).
Ngoài người chồng, 03 con trai, Mẹ Bùi Thị He còn có 02 người anh trai cũng là liệt sĩ đã anh dũng hy sinh cho Tổ quốc, Đó là:
Người anh thứ hai của mẹ- Liệt sĩ Bùi Văn Dốc, sinh năm 1913, tham gia kháng chiến từ năm 1945, nguyên là cán bộ Ủy ban kháng chiến xã Nhuận Đức, sau làm Trưởng Ban Kinh tài xã, hy sinh ngày 27/08/1969, trong khi đang cùng đồng đội họp bàn kế hoạch công tác thì bị pháo địch bắn hy sinh.
Người anh thứ năm của mẹ- Liệt sĩ Bùi Văn Cá, sinh năm 1919, tham gia kháng chiến từ năm 1945, Xã đội trưởng xã Nhuận Đức, sau chuyển công tác ở huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, hy sinh năm 1970 ở Đồng Ớt, xã Lộc Thuận, huyện Trảng Bàng.
Mẹ Bùi Thị He được Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng Tổ quốc ghi công và Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký quyết định truy tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam anh hùng ngày 24/4/1995. Hiện con trai của mẹ là Đặng Văn Xình lo việc thờ cúng mẹ tại nhà số 164, đường 538, ấp Xóm Bưng, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi.
Nguồn Bảo tàng phụ nữ Nam Bộ