Về thăm miền Đất Đỏ…
Lê Quý Hoàng
Chúng tôi về ấp Phước Sơn, xã Long Thọ (nay là khu phố Phước Sơn, Thị trấn Đất Đỏ, huyện Long Đất (hay còn gọi là huyện Đất Đỏ) tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, quê hương của người anh hùng Võ Thị Sáu. Bên vườn cây trái xanh mướt, những nhành lêkima hoa nở trắng muốt rung rinh trong nắng sớm. Nhìn những gương mặt trẻ thơ tràn đầy hạnh phúc với tà áo trắng và khăn quàng đỏ trên vai cắp sách tới trường, tôi thấy đâu đây lời bài hát “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” vang vọng sâu lắng, thiết tha. Hình bóng người thiếu nữ anh hùng của quê hương Đất Đỏ đang hát quốc ca, hiên ngang trước pháp trường đã đi vào huyền thoại.
Huyện Long Đất có chừng 386 ngàn dân, riêng thị trấn Đất Đỏ có hơn 20 ngàn dân, đời sống người dân nơi đây chủ yếu làm nông nghiệp. Vùng đất này đã và đang hồi sinh mạnh mẽ, những cánh đồng tưới tiêu 2 vụ, mùa về dạt dào biển vàng gợn sóng. Trên những làng cá Phước Tỉnh, Phước Hải từng đoàn ghe đua nhau ra khơi buông lưới. Trường học, Trung tâm y tế của vùng quê Đất Đỏ khang trang mọc lên. Người dân nơi đây luôn tự hào là một vùng quê giàu truyền thống cách mạng đã sinh ra người thiếu nữ anh hùng Võ Thị Sáu. Không chỉ vậy, thị trấn Đất Đỏ, núi Châu Viên, chợ Long Điền, nhà hội Long Nhung, xã Long Mỹ… là nơi mà lá cờ đỏ búa liềm đã xuất hiện sớm nhất trong vùng Bà Rịa-Vũng Tàu.
Tượng chị Võ Thị Sáu
Căn nhà chị Sáu rộng hơn 30m2 lợp ngói, vách gỗ và bài trí đơn sơ. Chiếc sập gỗ và chiếc bàn ăn cơm là hai hiện vật còn lưu lại được từ thủa ấu thơ của chị Sáu. Từ năm 1995, sau khi bố mẹ chị Sáu mất, khu nhà này được Nhà nước thu lại, giao cho địa phương quản lý và được công nhận là Di tích lịch sử -Văn hóa cấp quốc gia, nhà Lưu niệm Võ Thị Sáu.
Bà Nguyễn Thị Bảy, năm nay đã gần 80 tuổi, chủ một quán cơm gần trước tượng đài và nhà thờ Chị Sáu kể cho biết: “Tui nhỏ hơn chị Sáu 4 tuổi, chúng tôi biết chị là vì lúc nhỏ chị luôn quý mến chúng tôi, tuy còn nhỏ nhưng chị hoạt bát, nhanh nhẹn và rắn rỏi như người lớn vậy! Chị đi hoạt động cách mạng từ năm 14 tuổi. Sau này khi nghe tin chị bị địch bắn, chúng tôi khóc ròng mấy ngày vì nhớ thương chị”. Năm 2012, kỷ niệm 60 năm ngày chị Sáu hy sinh, Khu tưởng niệm Võ Thị Sáu gồm tượng đài, nhà thờ và khuôn viên được làm mới cách nhà chị không xa. Trước tượng đài Chị Sáu, hai cây Giáng hương xanh tốt xum xuê, phía sau tượng đài là bức phù điêu khắc họa về cuộc đời hoạt động của chị từ khi tham gia cách mạng đánh Pháp, rồi bị địch bắt tra tấn, xử bắn tại nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo) 7 giờ sáng ngày 23 tháng 1 năm 1952. Phía sau tượng đài là nhà thờ chị, bàn thờ Chị Sáu và bố mẹ chị khói hương nghi ngút, bên cạnh là các hiện vật trưng bày liên quan đến cuộc đời hoạt động tuy ngắn ngủi nhưng đầy vẻ vang của chị. Trong đó, có Quyết định số 149 KT/CTN ngày 02-8-1993 của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Lê Đức Anh truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Võ Thị Sáu. Đọc những dòng cảm xúc của các đơn vị, tập thể và các nhân đến viếng thăm chị, chúng tôi càng nhớ thương, cảm phục và tự hào về người anh hùng bất tử sống mãi tuổi 19…
Tên chị đã trở thành tên sách, tên trường, tên đường, tên quỹ học bổng…ở khắp mọi miền đất nước, được Bác Hồ nhắc tới trân trọng như những bậc anh hùng liệt sĩ tiền bối của dân tộc. Chị vẫn đang sống cùng quê hương Đất Đỏ, sống mãi với đất nước và các thế hệ người Việt Nam.