Tối 2/6, tại thành phố Đồng Hới, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Quảng Bình long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình (1604 – 2024); 75 năm Ngày Quảng Bình quật khởi (15/7/1949 – 15/7/2024) và 35 năm ngày tái lập tỉnh (1/7/1989 – 1/7/2024) với khí thế sôi nổi, quyết tâm tiếp tục kế thừa truyền thống quý báu của quê hương, xây dựng Quảng Bình giàu đẹp, văn minh.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm. Cùng dự sự kiện có: Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; lãnh đạo các Ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương; đại diện lãnh đạo nhiều tỉnh, thành trong cả nước; lãnh đạo tỉnh Khăm Muồn, tỉnh Sạ-vẳn-na-khệt, tỉnh Chăm-pa-sắc, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; lãnh đạo tỉnh Yamanashi – Nhật Bản cùng đông đảo cán bộ và nhân dân tỉnh Quảng Bình…
Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm gửi lẵng hoa và lời chúc mừng Lễ kỷ niệm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự Lễ kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình. Ảnh: TTXVN. |
* Vùng đất địa linh, nhân kiệt; hội tụ và lan tỏa
Diễn văn kỷ niệm do đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình nêu rõ: Quảng Bình là vùng đất đã hình thành từ lâu đời. Thuở các vua Hùng dựng nước, vùng đất Quảng Bình hiện diện trong cơ cấu hành chính Nhà nước Văn Lang với tên gọi “Bộ Việt Thường”. Đến năm 1604, sau khi quyết định chọn vùng đất Quảng Bình khởi đầu cho sự nghiệp khai mở phương Nam, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng thống nhất lại các đơn vị hành chính thuộc quyền và chính thức đổi tên phủ Tiên Bình thành phủ Quảng Bình để tỏ lòng ước vọng một nền “Thái bình rộng lớn”. Từ đó, danh xưng “Quảng Bình” chính thức đi vào lịch sử và tồn tại sâu thẳm trong tâm thức các thế hệ cư dân Quảng Bình cho tới ngày nay.
420 năm đã qua là thời gian kết nối, hội tụ và bồi đắp các giá trị lịch sử, văn hóa của mảnh đất, con người Quảng Bình. Đây là vùng đất văn vật, có nhiều làng khoa bảng, văn hóa danh tiếng, được truyền tụng từ đời này qua đời khác; là một trong những cái nôi thu hút, đào luyện và sản sinh, nuôi dưỡng nhiều bậc danh nhân, anh hùng, hào kiệt trí dũng song toàn làm rạng danh cho quê hương, đất nước như Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, người có công mở cõi phương Nam; Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, một tài năng quân sự kiệt xuất, người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh…
Đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình trình bày Diễn văn kỷ niệm. Ảnh: TTXVN |
Từ bề dày lịch sử và văn hóa được trao truyền qua hàng ngàn năm lịch sử đã hun đúc nên giá trị truyền thống của mảnh đất và con người Quảng Bình. Trong đó, truyền thống yêu nước và cách mạng như một dòng chảy xuyên suốt, là mạch nguồn nuôi dưỡng ý chí, nghị lực, bản lĩnh và khát vọng vươn lên của mảnh đất, con người Quảng Bình trước bao khó khăn, thử thách. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và trực tiếp lãnh đạo cách mạng, vùng đất Quảng Bình lại tiếp nối hành trình lịch sử để viết nên những trang sử mới.
Trải qua 420 năm hình thành và phát triển, dù phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách, nhưng ở thời kỳ nào, vùng đất và con người Quảng Bình vẫn luôn thể hiện bản lĩnh kiên cường và khát vọng vươn lên mạnh mẽ. Mỗi bước phát triển của Quảng Bình hôm nay và mai sau sẽ mang trong mình hào khí ngàn xưa của ông cha và bản sắc, văn hóa, truyền thống để Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Quảng Bình vững tin, quyết tâm trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng chuyển lời thăm hỏi, lời chúc mừng tốt đẹp nhất của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Quảng Bình nhân sự kiện quan trọng này.
Thủ tướng Chính phủ cho biết, trong suốt lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, dù qua nhiều lần thay đổi địa giới và tên gọi, Quảng Bình luôn là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, có vị trí chiến lược quan trọng của đất nước, là trọng trấn của nhiều triều đại phong kiến, nơi chứng kiến nhiều thăng trầm của lịch sử, chịu đựng nhiều nỗi đau chia cắt và khởi đầu cho quá trình mở cõi về phương Nam của đất nước Việt Nam.
Quảng Bình cũng là nơi giao thoa, hội tụ nhiều nền văn hóa lớn của dân tộc ta, như văn hóa Việt – Chăm, văn hóa Đàng Trong – Đàng Ngoài, văn hóa Thăng Long – Phú Xuân, nền văn hóa Đông Sơn và Sa Huỳnh. Nhờ đó, nơi đây đã hình thành, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử độc đáo, phong phú, đa dạng.
Những yếu tố địa lý, hoàn cảnh lịch sử và văn hóa đó đã hun đúc cho các thế hệ người dân Quảng Bình những phẩm chất cao đẹp và chân quý, nhân ái, nhân văn, dung dị, ôn hòa, thông minh, sáng tạo, tràn đầy lòng yêu nước nồng nàn, can trường, bất khuất, đoàn kết, gắn bó, vượt qua thiên tai, địch họa và mọi khó khăn, thử thách. Chúng ta tự hào, Quảng Bình là vùng đất văn vật, nhân kiệt, quê hương của nhiều danh thần, tướng giỏi, hiền tài.
Những phẩm chất, giá trị con người Quảng Bình luôn được thể hiện xuyên suốt trong lịch sử hình thành, phát triển. Cùng cả nước trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Quảng Bình đã phát huy cao độ truyền thống yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, lập những chiến công vang dội.
Cao trào “Quảng Bình quật khởi” diễn ra vào ngày 15/7/1949 với việc đồng loạt tấn công địch bằng quân sự, chính trị, kinh tế, tạo thế và lực mới, chuyển từ thời kỳ “cầm cự tích cực” sang thời kỳ “tổng phản công”, góp phần cùng cả nước đánh bại thực dân Pháp.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quảng Bình là tiền tuyến của miền Bắc và là hậu phương trực tiếp của miền Nam. Dù phải chịu nhiều khó khăn, gian khổ, hy sinh, mất mát, nhưng Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình luôn giữ vững quyết tâm chiến đấu, quyết đánh, quyết thắng quân xâm lược. Cũng chính từ vùng đất lửa Quảng Bình đã ra đời những khẩu hiệu “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”, “Xe chưa qua nhà không tiếc”, “Đường chưa thông không tiếc máu xương” – thể hiện rõ nét tinh thần dũng cảm, kiên cường, bất khuất của quân và dân Quảng Bình.
Những địa danh Cổng Trời, Khe Gát, hang Tám Cô, phà Xuân Sơn, Long Đại, Quán Hàu, ngã tư Thạch Bàn… và những con người như Mẹ Suốt, đại đội pháo binh Ngư Thủy, đội lão dân quân Đức Ninh… đã đi vào lịch sử, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ghi dấu ấn đóng góp to lớn của quân và dân Quảng Bình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Không chỉ anh dũng trong chiến đấu, Quảng Bình còn là nơi sáng tạo ra nhiều hình thức thi đua, đặc biệt là phong trào “Gió Đại Phong” (thi đua trong nông nghiệp), phong trào thi đua “Hai giỏi” (chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi), tiêu biểu cho phong trào cách mạng của quần chúng, tạo động lực hoàn thành nhiệm vụ làm hậu phương cho tiền tuyến miền Nam.
Phát huy truyền thống lịch sử, cách mạng, khai thác hiệu quả mọi tiềm năng, thế mạnh, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Quảng Bình luôn đoàn kết, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu, đề ra và thực hiện hiệu quả những định hướng, chiến lược đột phá, đưa Quảng Bình từ tỉnh nghèo thành tỉnh phát triển khá toàn diện, ngày càng giàu đẹp.
Theo Thủ tướng, sau gần 50 năm đất nước được thống nhất, nhất là giai đoạn 35 năm tái lập tỉnh – một chặng đường ngắn trong lịch sử 420 năm của Quảng Bình – nhưng đó là thời kỳ đạt được nhiều kết quả to lớn, những thành tựu đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa đối với sự phát triển của tỉnh. Quảng Bình ngày càng khẳng định vai trò, vị trí quan trọng, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của đất nước, được minh chứng qua những con số ấn tượng trên nhiều lĩnh vực.
Kinh tế tăng trưởng liên tục ở mức cao, bình quân thời kỳ 1991 – 2023 đạt 7,9%/năm. Năm 2023 so với năm 1990, quy mô kinh tế có bước nhảy vọt, gấp 180 lần, xếp thứ 25/63 cả nước; tổng vốn đầu tư toàn xã hội gấp 656 lần. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nâng cao giá trị gia tăng.
Các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đóng vai trò chủ lực. Du lịch trở thành ngành mũi nhọn, khẳng định vị thế trong nước và quốc tế. Kinh tế biển, năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái được thúc đẩy mạnh mẽ, tạo động lực cho phát triển mới. Quảng Bình ngày càng hấp dẫn, thu hút được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến nghiên cứu, triển khai những dự án lớn.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng. Năng lực lãnh đạo của các tổ chức Đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên và hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền được nâng lên. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh không ngừng được củng cố, tăng cường.
* Khơi dậy khí phách “Quảng Bình quật khởi” trong thời đại mới
Ghi nhận, đánh giá cao sự đóng góp to lớn của quân và dân Quảng Bình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương những thành tựu ấn tượng, toàn diện của Quảng Bình trong thời kỳ đổi mới, Thủ tướng cho rằng, Quảng Bình có có hội to lớn phát triển bứt phá trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực miền Trung với trọng tâm là phát triển dịch vụ, du lịch; công nghiệp sạch, năng lượng tái tạo, chế biến, chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững.
Thủ tướng đề nghị Đảng bộ, chính quyền và quân và dân tỉnh Quảng Bình tiếp tục nâng cao tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, mảnh đất, khung trời, cửa biển, bằng sức mạnh nội sinh thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, nhất là bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững trật tự, an toàn xã hội và đẩy mạnh công tác đối ngoại.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: TTXVN. |
Quảng Bình cần phát huy hơn nữa những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, đặc biệt là các giá trị văn hóa, lịch sử, con người Quảng Bình; các giá trị tốt đẹp phong trào “Gió Đại Phong”, phong trào “Hai giỏi”, khí phách “Quảng Bình quật khởi” – coi đây là cốt cách, bản sắc riêng và là nguồn lực to lớn để Quảng Bình phát triển thịnh vượng, bền vững.
Đặc biệt, tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách tạo đột phá phát triển Quảng Bình trở thành trung tâm của du lịch khám phá thiên nhiên, là điểm đến hấp dẫn và khác biệt, tầm vóc thế giới, phát huy lợi thế “Vương quốc hang động” với hệ thống hơn 500 hang, trong đó có các hang Sơn Đoòng, hang Én “độc nhất vô nhị” của thế giới; để du lịch thật sự là ngành mũi nhọn, đột phá phát triển kinh tế – xã hội, gắn với lợi ích cộng đồng, phát triển bền vững.
Tỉnh cần xác định phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là yêu cầu tất yếu khách quan, là nguồn tài nguyên vô tận, là động lực quan trọng nhất để thúc đẩy mạnh tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, là con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất để đạt được mục tiêu phát triển nhanh, bền vững.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tỉnh đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, trong đó tập trung phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, tạo không gian phát triển mới, tiềm năng mới, giá trị mới, nâng cao sức cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội; hình thành các khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch mới, thúc đẩy thu hút đầu tư, thương mại, du lịch, tạo thêm sinh kế và nâng cao đời sống của người dân.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, năng lượng, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn và các ngành, lĩnh vực mới nổi. Phát huy lợi thế về cảng biển, sân bay, cửa khẩu quốc tế để đưa Quảng Bình trở thành một đầu mối giao thương quan trọng ở miền Trung.
Cùng với đó, tỉnh phải chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, không ngừng nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân; tập trung phát triển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội về giao thông, giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội… Làm tốt hơn nữa công tác quản lý tài nguyên, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; giữ gìn, bảo vệ môi trường, thiên nhiên, bảo đảm môi trường sống trong lành, an toàn, văn minh, hiện đại. Quảng Bình được thiên nhiên ưu đãi những thắng cảnh đẹp, hang động, biển xanh, cát trắng, nắng vàng, rừng xanh – đây là những tài sản quý giá cần nâng niu, gìn giữ và phát huy cho muôn đời sau.
Thủ tướng lưu ý tỉnh đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chú trọng hơn nữa công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục hoàn thiện bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, vì dân, gần dân, trọng dân gắn với nâng cao năng lực, phẩm chất của cán bộ lãnh đạo, quản lý và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Cho rằng, với lịch sử 420 năm, khí phách tinh thần quật khởi, giá trị của phong trào “Hai giỏi” và những thành tựu của 35 năm tái lập tỉnh, Quảng Bình đang có vận hội phát triển tươi sáng. Vùng đất “Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình” dù khó khăn, gian khổ nhưng dũng cảm, kiên cường, bất khuất trong chiến tranh và sẽ tiếp tục vươn lên phát triển mạnh mẽ, đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với tinh thần “Cả nước vì Quảng Bình, Quảng Bình vì cả nước”.
Cuối Lễ kỷ niệm là Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Quảng Bình hành trình khát vọng phát triển”, gồm 4 chương: Thuở hồng hoang; Quảng Bình – Danh xưng và khởi sắc; Thiên sử ca – Quảng Bình in dấu chân Người; Quảng Bình thẳng hướng tương lai.
Chương trình Kỷ niệm kết thúc với màn trình diễn ánh sáng bằng hệ thống máy chiếu công nghệ cao laser cùng 1.000 chiếc flycam Drone tạo hình khối hiệu ứng biểu diễn sân khấu, tạo nên hình ảnh tiêu biểu đẹp nhất về Quảng Bình./.