Dự kiến, khoảng 1 triệu mẫu ADN thân nhân liệt sĩ sẽ được xét nghiệm miễn phí.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng mất mát, hy sinh vẫn hiện hữu khi còn hàng trăm nghìn hài cốt liệt sĩ chưa xác định được danh tính, chưa được quy tập về với đất mẹ. Hiện Bộ Công an đang tích cực thực hiện việc lấy mẫu ADN toàn bộ thân nhân trực tiếp của các liệt sĩ để giám định, lưu trữ trong ngân hàng gen phục vụ việc đối sánh sau này. Đây là việc làm ý nghĩa, đòi hỏi phải chạy đua với thời gian vì thân nhân của các liệt sĩ hiện đều đã cao tuổi.
Gần 90 tuổi, đi lại khó khăn, nhưng không ngăn được mong mỏi và quyết tâm của cụ Lê Trạch Tiêu tìm kiếm hài cốt người em trai liệt sĩ. Hàng chục năm qua, gia đình cụ thực hiện nhiều chuyến đi tìm mộ nhưng không có kết quả. Được tham gia giám định mẫu ADN, gia đình có thêm hy vọng.
“Gia đình tôi đi tìm liệt sĩ Lê Tràng Quát, tìm kiếm mong mỏi nhiều năm nay nhưng vẫn chưa tìm thấy. Tìm được, đưa bố tôi về, đó là mong muốn nhất của tôi lúc này”, bà Lê Thị Kỷ, con gái Liệt sĩ Lê Tràng Quát, bày tỏ.
Lấy vân tay Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Lộc 90 tuổi. (Ảnh: Nhân dân)
Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Lộc có 2 con là liệt sĩ hy sinh tại chiến trường miền Nam, một anh đến nay vẫn chưa có thông tin. Tuổi cao, sức yếu, niềm ước ao lớn nhất của mẹ lúc này là sớm được tìm thấy con.
“Ưu tiên của chúng tôi là lấy mẫu của tất cả các trường hợp là mẹ liệt sĩ hiện nay, đặc biệt là những mẹ cao tuổi. Sau đó chúng tôi sẽ sàng lọc tất cả trường hợp là thân nhân bên ngoại của liệt sĩ, ưu tiên các trường hợp lớn tuổi và sẽ triển khai các lứa tuổi tiếp theo”, Trung tá Nguyễn Thành Lâm, Trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an Thành phố Hà Nội, cho biết.
Dự kiến có khoảng 1 triệu mẫu ADN thân nhân liệt sĩ sẽ được xét nghiệm miễn phí. Ưu tiên lấy mẫu người thân liệt sĩ là: mẹ, bà ngoại, bác, cậu, dì, anh chị em cùng mẹ… Dữ liệu này được Bộ Công an lưu trữ tập trung tại Cơ sở dữ liệu căn cước để đối sánh, tìm kiếm thông tin hài cốt liệt sĩ chưa xác định thông tin.
Ngân hàng gen đặt mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 20.000 mẫu được xác định danh tính bằng phương pháp giám định ADN, 60% mộ liệt sĩ còn thiếu thông tin được xác minh bằng phương pháp thực chứng. Sớm “tìm được tên cho liệt sĩ” là việc làm ý nghĩa để tri ân, góp phần xoa dịu những mất mát, hy sinh của các thân nhân liệt sĩ.
Việc thực hiện lấy mẫu ADN chưa xác định được thông tin và toàn bộ thân nhân trực tiếp của các liệt sĩ để giám định, lưu trữ trong ngân hàng gen sẽ là bước chuẩn bị tốt nhất cho hành trình dài tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.
Thời gian qua, 10 gia đình liệt sĩ đầu tiên đăng ký giám định ADN nhận được kết quả giám định, trong đó có 4 gia đình đã chính thức xác định được thân nhân liệt sĩ của mình. Đây là hy vọng cho các gia đình liệt sĩ, đồng thời là niềm mong mỏi trong tương lai không xa, tất cả các liệt sĩ sẽ được quy tập và xác định được danh tính.
Theo: Việt Linh (VTV.vn)