Sau cuộc họp của lãnh đạo Chính phủ với các bộ, ngành, doanh nghiệp về điều hành xăng dầu tối 11-11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chia sẻ rõ hơn về nguồn cung và tình trạng đứt gãy nguồn cung ở một số phân khúc.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói về nguyên nhân gây khan hiếm xăng dầu

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên:  Nguồn cung xăng dầu không thiếu nhưng vẫn bị đứt gãy ở một số phân khúc. Ảnh: vtv.vn

Nguồn cung xăng dầu không thiếu, nhưng vẫn bị đứt gãy ở một số phân khúc

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong cuộc họp, Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Phó thủ tướng Lê Văn Thành cùng lãnh đạo các bộ, ngành liên quan thống nhất nhận định như sau:

Trước tiên, về nguồn cung, theo báo cáo của Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, 2 nhà máy lọc dầu trong nước đã đạt tổng sản lượng 12,9 triệu tấn xăng dầu thành phẩm.

“Theo số liệu của cơ quan chức năng về xuất nhập khẩu thì 10 tháng năm 2022 các doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu đã nhập 5,7 triệu tấn xăng dầu. Như vậy, tổng nguồn xăng dầu cho đến giờ này là 18,6 triệu tấn – đạt trên dưới 90% nhu cầu tiêu dùng trong cả năm”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thừa nhận, trên thực tế vẫn bị đứt gãy nguồn cung ở một số phân khúc. Vì vậy, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý theo quy định của pháp luật các hành vi đầu cơ, trục lợi, găm hàng chờ tăng giá hoặc là các hành vi vi phạm pháp luật khác.

“Cuộc họp thống nhất nguyên nhân chính của hiện tượng mà các doanh nghiệp trong hệ thống phân phối hạn chế xuất hàng, hạn chế bán ra là do các định mức chi phí và các định mức chi phí phát sinh trong bối cảnh rất dị biệt của thị trường xăng dầu hiện nay chưa được cập nhật đầy đủ kịp thời trong công thức tính giá cơ sở”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết.

Hoàn thiện Đề án nâng mức dự trữ quốc gia về xăng dầu

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, trước thực tế nêu trên, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, rà soát và cập nhật các chi phí phát sinh thực tế đó để liên bộ điều hành giá bán lẻ phù hợp với diễn biến của thị trường thế giới.

Chính phủ cũng giao cho liên bộ điều hành hợp lý, hiệu quả Quỹ bình ổn xăng dầu để góp phần ổn định thị trường xăng dầu trong nước.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, bảo đảm khách quan, trung thực và góp phần ổn định vững chắc thị trường xăng dầu trong nước.

Chính phủ giao Bộ Công an tăng cường nắm bắt thông tin và điều tra xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm pháp luật hoặc tung tin giả, gây nhiễu loạn thị trường.

Chính phủ cũng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1-11-2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3-9-2014 về kinh doanh xăng dầu để khắc phục những bất cập, hạn chế đã bộc lộ ra trong thời gian gần đây theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Đồng thời, Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện Đề án nâng mức dự trữ quốc gia về xăng dầu theo chủ trương của cấp có thẩm quyền.

THẢO NGUYÊN – BÁO QĐND