Nghị quyết số 26-NQ/TW về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị đã đặt ra những mục tiêu phát triển rất cụ thể cho toàn bộ khu vực là “mặt tiền” của quốc gia.
Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung bao gồm 14 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, trong đó có 3 tiểu vùng là: Bắc Trung Bộ (Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị); vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định); và vùng Nam Trung Bộ (Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận).
Cần nhìn thẳng vào sự thật là khu vực đẹp nhất của đất nước, địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng lại có nhiều chỉ số phát triển thấp hơn mức trung bình của cả nước. Tiềm năng, lợi thế của Vùng, nhất là lợi thế về kinh tế biển, chưa được khai thác hợp lý.
Xin trích dẫn một chỉ số về phát triển doanh nghiệp ở Nghệ An mà chúng tôi từng cảnh báo. Năm 2021, Nghệ An có gần 12.000 doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm khoảng 1,4% tổng số doanh nghiệp hoạt động trên cả nước; trung bình chỉ có 3,5 doanh nghiệp/1.000 dân, chưa bằng ½ số bình quân chung cả nước. Trong giai đoạn 2017-2020, tốc độ tăng số doanh nghiệp thành lập mới ở Nghệ An rất thấp, chỉ trung bình 1%, thấp một cách đáng ngạc nhiên so với bình quân chung của cả vùng, cả nước. Nghệ An là tỉnh dẫn đầu trong khu vực, mà các chỉ số về doanh nghiệp như vậy là điều rất đáng báo động.
Một trong các giải pháp để thúc đẩy phát triển vùng là phát triển con người, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra. Ông nhấn mạnh, cần khơi dậy và phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước; tính chủ động, sáng tạo; ý thức tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên và nhân dân các địa phương trong Vùng; quyết vượt lên chính mình, khắc phục tư tưởng tự ty hoặc tự mãn, bằng lòng với những gì đã làm, trung bình chủ nghĩa; trái lại, phải có ý chí và quyết tâm cao hơn nữa, quyết không cam chịu đói nghèo, thua kém các tỉnh khác, vùng khác.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, đối mặt với nhiều thiên tai, người miền Trung luôn kiên cường, có ý trí vươn lên, cần cù, chăm học, học giỏi, tạo ra nhiều nhân tài. Mà nhân tài là nguồn lực cơ bản của phát triển. Miền Trung đang sở hữu nguồn lực quan trọng nhất của phát triển.
Nghị quyết đặt ra một vấn đề rất đặc biệt: Cần phải đổi mới mạnh hơn nữa tư duy phát triển, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động, phát triển nhanh và bền vững.
Rõ ràng, phát triển con người, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là đòi hỏi cấp thiết cho phát triển ở vùng đất, nơi sinh ra biết bao các anh hùng, hào kiệt, đã làm rạng danh lịch sử nước nhà.
Tư Giang (Vietnamnet)