Theo đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai), Quy hoạch tổng thể quốc gia là nhiệm vụ mới, quan trọng nhưng hết sức phức tạp, chưa có tiền lệ, chưa có nhiều kinh nghiệm và như một “người lính mở đường” cho sự phát triển…
Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ hai, sáng 7-1, tại nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quang cảnh phiên họp sáng 7-1. |
Quy hoạch tổng thể quốc gia không phải là bản tập hợp hay phép cộng đơn giản của các quy hoạch thành phần
Theo đại biểu Trịnh Xuân An, Quy hoạch tổng thể quốc gia là nhiệm vụ mới quan trọng nhưng hết sức phức tạp, chưa có tiền lệ, chưa có nhiều kinh nghiệm.
Đánh giá tầm quan trọng của Quy hoạch tổng thể quốc gia, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng Quy hoạch phải là tổng hợp có chọn lọc, định hướng lớn để phát triển đất nước chứ không phải là bản tập hợp hay phép cộng đơn giản của các quy hoạch thành phần.
Đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội trong hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia để trình Quốc hội lần này, nhấn mạnh đây là nội dung vô cùng quan trọng, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) cho rằng đây là nhiệm vụ chưa từng có tiền lệ và phức tạp song đây cũng là cơ hội để đưa khát vọng, định hướng lớn về xây dựng đất nước trở thành hùng cường.
Đại biểu Trịnh Xuân An khẳng định, dự thảo đã có cơ sở chính trị pháp lý và thực tiễn vững chắc. Do đó, đại biểu bày tỏ đồng tình để trình Quốc hội xem xét để thông qua tại kỳ họp này đưa ra định hướng lớn và cấp bách. Đại biểu cũng lưu ý đến yêu cầu Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia cần bảo đảm khả thi, hiệu quả, dễ đọc, dễ nhớ, dễ đánh giá và thuận lợi giám sát và thực hiện.
Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng các đại biểu Quốc hội tại phiên họp sáng 7-1. Ảnh: Tuấn Huy |
Cho rằng Quy hoạch tổng thể quốc gia như một “người lính mở đường” cho sự phát triển trong thời gian tới song đại biểu Trịnh Xuân An nhấn mạnh, việc xác định các nội dung của quy hoạch phải được tính toán một cách khoa học, hợp lý, bảo đảm đường hướng chiến lược, phải rõ, cụ thể nhưng cũng không được mâu thuẫn thay thế cho các nội dung đã được xác định trong các văn bản khác.
Đại biểu phân tích, Quy hoạch tổng thể quốc gia phải là tổng hợp có chọn lọc, định hướng lớn để phát triển đất nước, chứ không phải là bản tập hợp hay phép cộng đơn giản của các quy hoạch thành phần hoặc nhắc lại một cách cơ học Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội mà đã được Đại hội Đảng ban hành.
Quy hoạch tổng thể quốc gia không nên quy định quá chi tiết các mục tiêu cụ thể mà chỉ quy định các mục tiêu tầm quốc gia, các giới hạn tối đa hoặc tối thiểu các chỉ tiêu để các ngành, địa phương có căn cứ xây dựng quy hoạch cấp thấp một cách chủ động.
Cùng với đó, cần xem xét trong quy hoạch những mục tiêu nào Nhà nước có thể đầu tư bảo đảm tính khả thi và đáp ứng định hướng chiến lược cho đất nước thì có thể đặt ra các mục tiêu, giải pháp cụ thể mang tính pháp lý.
Có thể quy hoạch “cứng” về quốc phòng, an ninh trong Quy hoạch
Đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng những nội dung quy hoạch “cứng” như về giao thông, đất đai, năng lượng và đặc biệt là những vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh thì có thể “chốt” ở trong Quy hoạch này.
Đối với những nội dung khác, thể xã hội hóa hoặc có thể mang tính định tính như vấn đề giáo dục, vấn đề y tế thì nên xác định là “quy hoạch mềm” để tránh đi vào quá chi tiết; bởi việc xác định những chỉ tiêu quá cụ thể có thể khiến bó khung, làm hạn chế việc phát triển.
Đại biểu Trịnh Xuân An: Quy hoạch tổng thể quốc gia như một “người lính mở đường”. |
Ngoài ra, đại biểu Trịnh Xuân An cũng góp ý vào những nội dung cụ thể của Quy hoạch tổng thể quốc gia như bổ sung thêm vùng động lực Thanh Hóa và Nghệ An, bởi đây là 2 địa bàn phát triển thời gian qua.
Bên cạnh đó, Quy hoạch tổng thể quốc gia cần xác định 3 ngành chiến lược quan trọng là: Nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Tuy nhiên, theo đại biểu Trịnh Xuân An, Việt Nam cần xác định rõ nông nghiệp là lĩnh vực mới có thể so sánh, “chiến đấu” được với thế giới. Do đó, phải bổ sung thêm nội dung về nông nghiệp chế biến sâu trong phát triển nông nghiệp.
Đặc biệt, về quốc phòng an ninh, theo đại biểu Trịnh Xuân An, đây là nội dung xâu chuỗi, gắn kết các nội dung khác tại quy hoạch. Tuy nhiên, Điều 12 tại dự thảo Quy hoạch thể hiện chưa đầy đủ, quá chung chung. Vì thế, cần tiếp thu Phần 8 Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đã quy định rất rõ về quốc phòng, an ninh; trong đó xác định xây dựng lực lượng nào tiến lên hiện đại, lực lượng nào ưu tiên…để quy định cụ thể hơn trong Quy hoạch.
THẢO NGUYÊN (QĐND)